Không khơi lại những vụ việc đau lòng hay những hậu quả của bạo lực học đường nhưng qua lời tâm sự của chính những người trong cuộc, chúng ta hãy thử tìm cách lý giải đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng giang hồ trong lớp học.
Chỉ là nóng giận nhất thời
Khánh Tùng - Học sinh lớp 11 (Hà Nội) kể: "Ngay từ đầu năm học lớp 10 em đã bị liệt vào danh sách học sinh cá biệt của lớp. Đơn giản vì em đã đánh một bạn học cùng lớp ngay sau lễ khai giảng.
Lí do đánh bạn á? Chẳng có gì quan trọng, chỉ là em không ưa bạn ấy, nên khi thấy bạn ấy nhìn mình thì khép tội luôn là …“nhìn … không thiện cảm”. Thế là đánh thôi, đánh xong, em cảm thấy thoải mái trong người. Nhưng ngay sau đó, em đã bình thường hóa quan hệ với bạn và từ đó đến nay không hề xảy ra chuyện gì.
Tất nhiên, em luôn trong diện bị tình nghi vì thỉnh thoảng với bạn này, bạn khác em vẫn ưa động thủ. Và nói thật là em thấy ghét những lời giáo huấn suông của thầy cô giáo.
Có lần, sau trận ẩu đả của em, cô giáo chưa tìm hiểu nguyên do, nhất nhất đổ lỗi cho em, dọa sẽ mời phụ huynh để trao đổi về đạo đức và vấn đề học tập của em, nhưng kiểu như thế em chẳng sợ. Thậm chí em còn thách thức: “Cô mà nói với bố mẹ em thì em sẽ đánh nhau to hơn”. Thế là cô chịu.
Tuy vậy, sau mỗi lần xích mích, đánh nhau với bạn bè, em thấy ân hận lắm, em cũng rất buồn mỗi khi quan hệ giữa mình và các bạn bỗng trở nên xã cách hơn, ngại giao tiếp với nhau hơn, thấy mình bị lạc lõng.
Những lúc ấy em rất quyết tâm thay đổi mình, nhưng khó lắm. Em thực sự muốn được bày cho cách làm sao kiềm chế được sự bức xúc để nó không gây nên hệ quả buồn.
Cùng học một trường, cùng thầy cô như các bạn, vậy những bức xúc của em từ đâu mà ra? Thực sự em không hề muốn thế nhưng không hiểu sao lúc nóng em không thể kiềm chế được hành động của mình.
Có điều, đôi lúc đánh nhau xong, cả mình và bạn cùng đau, bị các bạn khác nhìn với ánh mắt e ngại, giữ khoảng cách nhưng ngay lúc đó thì em thấy đó chỉ là “chuyện thường ở huyện”, em chẳng thấy ngại ngùng gì.
Nếu được lắng nghe và chia sẻ những cái khác so với các bạn nói chung (đấy là tự em cảm nhận) thì… Suốt tuổi thơ của em, thậm chí đến tận bây giờ, em thường tận mắt chứng kiến rất nhiều cuộc cãi vã nảy lửa, thậm chí chứng kiến bố đánh đập mẹ.
Bản thân em cũng phải chịu những trận đòn nhừ tử. Em thường phải tự giải quyết tất cả những khó khăn của mình, vì “bố mẹ luôn bận, mà em cũng không muốn nói chuyện cùng bố mẹ”, nếu có nói thì không tránh khỏi lại bị đánh, mắng thậm tệ".
Sau đó, Tùng chìa cho tôi xem mấy vết sẹo dài trên cánh tay, vết tích sau những trận đòn của bố.
Thể hiện máu yêng hùng
Em Lê Dũng - học sinh lớp 12 tại một trường PTDL Hà Nội chia sẻ: "Em đánh bạn chẳng vì thù oán hay bức xúc gì, lần đầu tiên em đánh bạn vì bạn ấy đánh em trước. Mình phải đánh lại, không thì nó lại bảo là mình sợ nó.
Cũng từ đó, em cảm thấy đánh nhau cũng có cái hay riêng. Mình dám thể hiện bản lĩnh thế là chẳng đứa nào dám động vào mình.
Rồi sau một vài vụ ẩu đả nho nhỏ, tiếng tăm của em cũng được nhiều người biết đến. Trong một lần bị bạn bè rủ rê, em tham gia một trận đánh tập thể, lần ấy có người bị thương rất nặng, không phải em đánh nhưng em đã lo lắng nhiều.
Em bị mời lên gặp công an, nhưng cuối cùng thì được thả. Từ đó, thầy cô và bạn bè trong lớp nhìn em với con mắt khác, tất cả đều xa lánh em. Trong lớp, em ngồi một mình ở bàn cuối, thi thoảng chán quá em hát nghêu ngao, và gác chân lên bàn, các thầy cô giáo càng khó chịu.
Rất may là còn có cô giáo chủ nhiệm là hiểu em. Chính sự ân cần và nhẫn nại của cô đã làm em cảm động và hối hận với những việc mình làm. Em đã từng xúc phạm cô ghê gớm nhưng cô đã tha thứ, khuyên giải, giúp em hiểu được rất nhiều điều.
Từ một học sinh khá ngỗ nghịch, nhiều người ngạc nhiên vì em đã ngoan ngoãn và cố gắng học tốt. Mục đích là để làm vui lòng cô giáo chủ nhiệm của em.
Nhưng sang lớp 12 cô không chủ nhiệm nữa, thay vào đó là một cô giáo bộ môn từ năm trước. Đây là giai đọan khó khăn nhất đối với em. Em luôn có cảm giác bị cô coi thường, cô quá bất công với em.
Có lẽ vì lý lịch của em “có vết” mà cùng một lỗi như nhau nhưng các bạn không bị phạt hoặc bị phạt nhẹ thì em luôn bị cô phạt rất nặng. Bây giờ em cảm thấy vô cùng chán nản, em chỉ muốn học cho nhanh để ra trường, mà ra trường rồi em sẽ “nhớ” trường này lắm vì hay bị thầy cô mắng".
Cùng gỡ khó
Ở tuổi THPT như Khánh Tùng và Lê Dũng là độ tuổi rất nhạy cảm, chưa có sự trưởng thành, chín muồi, chưa định hướng rõ ràng về suy nghĩ và hành động.
Các em đang cần có sự định hướng, cần được quan tâm sẻ chia để giải tỏa những bức xúc, khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy ở các em là sự cô đơn trong môi trường sống và học tập...
Nếu như ở trường, Khánh Tùng nhận được sự quan tâm chu đáo của cô giáo, thì cha mẹ em lại có vẻ thờ ơ với vai trò của mình đối với con cái. Trong lúc rất cần sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường và gia đình thì nhận thức của cha mẹ về trách nhiệm với con cái chưa hoàn toàn đúng đắn.
Bố mẹ Khánh Tùng luôn bận rộn với việc kinh doanh ở chợ giời. Em không nhận thấy ở cha một mẫu hình đàn ông mà em muốn hướng tới, cha em không phải là nơi giúp con mình sự mạnh mẽ đàn ông, cá tính và sự tư duy nhận thức thế giới quan một cách đúng mực...
Mỗi khi nhà trường có ý kiến gì về gia đình là cha em lại đánh con những trận nhừ tử mà không cần biết con mình có lỗi gì, tâm tư tình cảm ra sao...
Ngoài ra, Khánh Tùng lại sống trong một môi trường khá phức tạp, hàng ngày, giúp bố mẹ kinh doanh, tiếp xúc với nhiều hạng người: trộm cắp, nghiện ngập, ngổ ngáo... Đó cũng là lí do lí giải tại sao cứ thấy ai làm em “ngứa mắt” là em đánh luôn.
Khác với Khánh Tùng, Lê Dũng là người khá tình cảm, nhưng vì mặc cảm lạc lõng trong lớp học nên em luôn có ý chống đối lại thầy cô, ngang nhiên thách thức thầy cô giáo nhằm gây ra sự ức chế cho người giảng và gây không khí không tốt trong lớp học.
Lê Dũng đã “cải tà qui chính” thành công nhờ sự nhiệt tâm, kiên trì và giàu lòng vị tha của cô giáo chủ nhiệm cũ, nhưng khi bị thay đổi cô chủ nhiệm đã khiến em có cảm giác bi quan và tiêu cực.
Em luôn mặc cảm rằng, mình đã bị ghét thì dù có cố gắng cũng không bao giờ được công nhận. Em muốn ngồi một mình để tập trung học nhưng lại không được đón nhận.
Đó cũng là điều dễ hiểu bởi thầy cô ngay từ buổi đầu tiên gặp gỡ sẽ ấn tượng ngay với học trò ngồi tách biệt một mình một chỗ và cho rằng đó là một học sinh cá biệt.
Cô đơn trong lớp học, về nhà Lê Dũng cũng không có ai chia sẻ, động viên. Bố mẹ em mải làm ăn nên không để ý đến việc học hành và quan hệ của con... Bản thân em khi thực hiện những hành động này nhận biết được là không đúng đắn nhưng vẫn làm và bất chấp hậu quả.
Nghịch lý, nhà trường được coi là môi trường khá an toàn, là nơi bảo vệ các em học sinh nhưng bạo lực trong học đường lại có xu hướng ngày càng gia tăng.
Phải chăng nó bắt nguồn từ ảnh hưởng tiêu cực của những mặt trái trong xã hội hiện đại, hay do đặc điểm tâm lý lứa tuổi? Do bị dồn nén bức xúc, không được giải tỏa và bùng phát thành bạo lực?...
Dù với bất kỳ lý do nào, vấn đề và tính nghiêm trọng của bạo lực học đường cần được nhìn nhận một cách nghiêm cẩn và có trách nhiệm trong mối quan hệ mật thiết gia đình – nhà trường – xã hội. Sự kết hợp chặt chẽ đó, sẽ bảo vệ các chủ thể của học đường luôn an toàn và nói không bạo lực.