“Cháu thi ĐH để… cho biết thôi”
Dù còn 45 phút nữa mới hết giờ làm bài thi môn Toán (thời gian thi bắt đầu từ 7h30 và kết thúc vào 9h30) nhưng tại địa điểm thi ĐH Kinh tế Quốc dân đã lác đác thí sinh ra về.
“Làm bài được không cháu?”, một phụ huynh cất tiếng hỏi một thí sinh nam khi thí sinh này vào ngồi trong quán nước. “Cháu không biết. Cháu đọc xong đề, làm vớ vẩn rồi đợi hết giờ để ra thôi”, thí sinh này cười đáp, không giấu được sự ngượng nghịu.
Sau khi hỏi thì được biết tên thí sinh là Trần Thanh Tuấn, quê ở Lục Nam (Bắc Giang). Tuấn đăng ký hồ sơ thi vào khoa Quản trị Kinh doanh - ĐH Kinh tế Quốc dân nhưng theo lời Tuấn thì “thi đại học để cho biết thôi”.
“Cháu xác định thi ĐH năm nay không đỗ rồi. Xác định trước để khỏi sốc. Học lực cháu ở trường thuộc dạng hơi kém. Kì thi tốt nghiệp vừa rồi còn suýt trượt. Nhưng thấy các bạn ở lớp làm hồ sơ đăng ký thi đại học thì cháu cũng làm”, Tuấn thật thà nói.
Với nhiều thí sinh, mục đích thi đại học là phải đỗ thì với Tuấn, thi đại học chỉ là "để biết" mà thôi. |
Khi được hỏi sao biết lực học của mình không thể đỗ đại học thì không tìm hướng đi khác lại chọn đi thi đại học làm gì cho tốn kém lại mất thời gian, Tuấn cười: “Cháu thi đại học chỉ để cho biết thôi. Chứ trường này lấy điểm cao, bài không làm được sao mà đậu được. Học mười hai năm mà không thi thì cũng hơi phí”.
Tuấn cũng không giấu dự định trong tương lai của mình: “Thi đại học lần này xong về quê cháu sẽ đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Ở nhà, bố mẹ cháu cũng đã định hướng việc này cho cháu từ đầu năm rồi. Anh trai cháu cũng đang làm ở bên Hàn. Mình học không được thì phải làm kinh tế thôi”.
Ngoài ra, Tuấn cũng cho biết trước khi xuống Hà Nội thi đại học, Tuấn đã nộp hồ sơ đăng ký vào học nghề điện trong một trường trung cấp nghề ở quê và một lớp dạy tiếng Hàn cấp tốc vào buổi tối cho người đi xuất khẩu lao động. Đây mới là mục đích chính của Tuấn, còn thi đại học chỉ là… cho biết “mùi” mà thôi.
Trượt ĐH thì thi lại cho… bằng đỗ thì thôi!
“Nếu năm nay em không đỗ thì em sẽ tiếp tục ôn thi và năm sau sẽ thi đại học tiếp. Em quyết tâm thi cho bằng đỗ thì thôi”, đó là khẳng định của thí sinh Lê Văn Hòa (quê ở Vĩnh Trụ, Lý Nhân, Hà Nam). Trong kì thi đại học năm nay, Hòa đăng ký thi vào khoa Công nghệ Thông tin - ĐH Bách khoa Hà Nội và thi tại điểm thi của trường này.
Nhận xét về đề thi môn Toán sáng nay, Hòa cho biết: “Đề thi năm nay em thấy cũng bình thường, bám sát với kiến thức cơ bản trong trường. Nhưng em làm không tốt lắm”.
Cũng như Tuấn, Hòa là thí sinh ra sớm nhất tại địa điểm thi ĐH Bách khoa Hà Nội, khi còn hơn 30 phút nữa mới hết thời gian làm bài thi môn Toán.
Sau 12 năm học của con, nhiều bậc phụ huynh kì vọng con mình sẽ đỗ đại học trong kì thi. Ảnh: Các phụ huynh đang chờ đợi thí sinh tại địa điểm thi ĐH trường ĐH Bách khoa Hà Nội. |
Về khả năng kết quả mà mình có thể đạt được trong kì thi đại học năm nay, Hòa tâm sự: “Năm nay em không tự tin lắm khi làm hồ sơ thi đại học. Trước kia ở trường học lực của em chỉ ở mức trung bình. Nhưng em vẫn đăng ký đi thi. May ra thì sẽ đỗ, nếu không thì em sẽ xét vào nguyện vọng 2 nếu mà điểm thi vẫn cao đủ mức điểm sàn”.
Khi được hỏi nếu ở trường hợp xấu nhất là điểm thi cả 3 môn đều thấp, không đủ điểm sàn, liệu có bị “sốc” không, Hòa cho biết: “Em cũng xác định điều này ngay từ lúc làm hồ sơ rồi. Nói thật năm nay em đi thi cũng chỉ để… lấy kinh nghiệm thôi. Em không kì vọng vào khả năng làm bài và kết quả thi của mình lắm”.
Hòa cũng cho biết nếu năm nay thi không đỗ đại học thì sẽ về quê ôn thi và năm sau sẽ thi đại học tiếp cho đến khi nào… đỗ thì thôi.
“Không đỗ đại học thì xấu hổ lắm. Với lại nếu không học đại học thì sau này biết sẽ làm gì được”, Hòa tâm sự.
Áp lực khoa cử dẫn đến nhận thức sai lầm
Giải thích về những “hiện tượng đặc biệt” nhiều thí sinh thi ĐH chỉ để “cho vui”, “cho biết”, “lấy kinh nghiệm” và “quyết tâm thi bằng đỗ thì mới thôi”, chuyên gia tâm lý học – TS.Trịnh Trung Hòa (Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm, Hà Nội) cho rằng: “Đó là những nhận thức sai lầm của nhiều thí sinh cũng như của cả gia đình. Nguyên nhân dẫn đến nhận thức sai lầm này là do áp lực về học tập và thi cử suốt 12 năm học đã đè nặng lên các em, khiến các em luôn luôn phải trong trạng thái “bị ép buộc” (từ gia đình, bạn bè, nhà trường, từ thói sĩ diện) rằng phải thi đại học, dù nhiều em chẳng biết… thi để làm gì!
Rồi đã thi đại học thì phải đỗ thì thôi mà không ý thức được rằng lực học mình có tương xứng hay không. Trong suy nghĩ của nhiều học sinh hiện nay, đại học là con đường duy nhất để bước vào đời. Điều này là sai lầm. Để bước vào đời, hành trang của các em còn nhiều thứ khác nữa, cần thiết hơn nhiều và đại học đâu phải là con đường duy nhất. Không phải ai khác mà chính thầy cô, bố mẹ các em phải giải thích cho các em hiểu rằng người thành công là người biết chọn con đường đi phù hợp với mình chứ không phải là chạy theo phong trào, đi theo người khác. Quan trọng hơn là đừng tạo áp lực về mặt khoa cử lên tâm lý các em”.