Năm học 2014-2015, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Bến Cầu, Tây Ninh) buộc thôi học bốn học sinh vì các em vi phạm kỷ luật nhiều lần nhưng không sửa đổi. Trước đó, năm học 2013-2014 trường cũng kỷ luật buộc thôi học 7 em...
“Trường buộc lòng áp dụng biện pháp nghiêm khắc buộc thôi học 11 học sinh liên tục tái phạm các quy định của ngành giáo dục” - thầy Huỳnh Văn Nghĩa, hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết.
Đuổi học vì không còn giáo dục được
Theo thầy Nghĩa, những trường hợp bị đuổi học là vi phạm và tái phạm rất nhiều lần quy định của trường.
Thầy Nghĩa lật cuốn sổ ghi chú của trường cho biết: “Năm nào, dịp đầu năm trường cũng cho các em ký cam kết không vi phạm các nội quy của trường. Thậm chí trường có hẳn một quyển sổ trong đó mỗi em là một ô riêng biệt và mỗi lỗi vi phạm của các em được ghi chú đầy đủ vào bên dưới. Có nhiều học sinh trong suốt năm học chẳng có lỗi nào được ghi nhận nên dưới cái tên là một khoảng giấy trắng, nhưng có một vài em liên tục vi phạm và lỗi ghi đầy bên dưới tên của mình”.
Năm học 2013-2014, trường ra bảy quyết định kỷ luật buộc thôi học một năm đối với bảy trường hợp học sinh vi phạm nội quy nhiều lần. Đơn cử như trường hợp em T.V.U. học lớp 10 C4 vi phạm nội quy nhiều lần nhưng không có hướng khắc phục sửa chữa.
Thậm chí, U. gây hấn với học sinh trong trường nhiều lần và đánh bạn gây thương tích nên nhà trường kỷ luật buộc thôi học em này một năm. Năm học 2014-2015, trường kỷ luật buộc thôi học T.C.K., N.T.T., H.P.P., N.V.M. cùng lớp 10C5 do các em thường “cúp” học, đi học trễ... vi phạm nội quy nhiều lần, trường đã giáo dục kiểm điểm nhưng không có hướng khắc phục sửa chữa và tiếp tục vi phạm.
Theo thầy Nghĩa, hằng năm Trường Huỳnh Thúc Kháng tổ chức những buổi rút kinh nghiệm phối hợp giữa nhà trường với gia đình. Tuy nhiên, nhiều lúc nhà trường cử giáo viên cùng đoàn thể địa phương đến gặp nhưng gia đình học sinh không hợp tác. Có trường hợp nhà trường mời phụ huynh cả bốn lần nhưng họ đều không đến giải quyết vụ việc của con em mình. Sau đó, trường cử giáo viên đến tận nhà thì phụ huynh nói thẳng: “Con tui, tui còn bó tay, nói gì bây giờ”.
Hướng các em vào trường nghề
Thầy Nghĩa cho rằng do ở cấp học dưới học sinh mất căn bản nghiêm trọng nên vào THPT chán nản có tâm lý muốn nghỉ học. Giáo viên của trường cố gắng tăng tiết, phụ đạo phổ cập thêm cho các em để các em theo kịp chương trình. Trước đây, có trường hợp học lớp 10-11 nhưng số hàng chục triệu có em không đọc được, có đọc thì như đọc số điện thoại di động. Thậm chí một số trường hợp viết tên cũng sai lỗi chính tả...
Song song việc xử lý nghiêm học sinh vi phạm, giáo viên Trường Huỳnh Thúc Kháng hạn chế vi phạm của các em bằng việc phát hiện những mầm mống vi phạm xử lý ngay từ đầu. Trường lập tổ giám thị bao gồm các thầy cô dạy học trong trường để giám sát học sinh.
Thầy Huỳnh Văn Nghĩa. |
Thậm chí một số thầy cô có số tiết dạy ít cũng được trưng dụng làm giám thị mà không phải trả thù lao. Giáo viên làm luôn nhiệm vụ cảnh báo các trường hợp học sinh vi phạm và thông báo cho giáo viên chủ nhiệm để có hướng mời học sinh lên làm việc hoặc xử lý.
Trường cũng lập tổ tư vấn học đường thực hiện kế hoạch ngăn chặn học sinh bỏ học, ngăn chặn học sinh đánh nhau. Nghe thông tin học sinh chửi bới, muốn gây hấn thì phải ngăn chặn liền không để xảy ra. Chính vì vậy, giáo viên là lực lượng phát hiện dễ nhất các vi phạm của học sinh trong trường.
Đối với học sinh bị buộc thôi học, thầy Nghĩa giới thiệu cho phụ huynh các em này các trường nghề lân cận để phụ huynh tiếp tục cho các em theo học như trường nghề Tây Bắc Củ Chi, Trường trung cấp kỹ thuật Tây Ninh... Có em bị buộc thôi học và nhờ được hướng dẫn vào trường nghề, sau đó ra trường với nghề bán thuốc thú y ổn định.
“Buộc các em thôi học là việc làm cực chẳng đã, nhưng nếu không làm nghiêm thì những học sinh này sẽ lôi kéo các bạn trong lớp, trong trường vào những hành vi xấu, hậu quả còn lớn hơn, tai hại hơn” - thầy Nghĩa tâm sự.