Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện 'săn' tội phạm trốn bằng đường hàng không

Có nhiều tiền, những kẻ phạm tội không ngần ngại bỏ ra hàng nghìn USD để đặt vé trốn sang nước ngoài.

Bắt ngay khi máy bay tiếp đất

Được coi là khắc tinh của tội phạm truy nã, nhiều lần bay từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra nước ngoài săn tội phạm nhưng tiếp xúc với Thượng tá Đào Trọng Sơn (Trưởng Phòng 4 Cục C52), chúng tôi lại cảm nhận ở anh sự dễ mến bởi khuôn mặt chân chất và nụ cười hiền hậu.

Truy bắt hàng trăm người truy nã nhưng ấn tượng nhất với Thượng tá Đào Trọng Sơn có lẽ là chuyến bay sang quốc đảo Singapore bắt Nguyễn Thị Hạnh.

Bị Cục Cảnh sát hình sự ra lệnh truy nã về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thị Hạnh, tức trùm cờ bạc Hạnh “sự”, 55 tuổi, trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội đã trốn chạy sang Lào.

Lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm thường xuyên phối hợp với An ninh hàng không sân bay quốc tế Nội Bài truy bắt người truy nã.

Tại đây, Hạnh đổi tên thành Phommalath Ketsana. Chuyện Hạnh “sự” thường xuyên từ Lào bay sang Singapore có mặt tại các sòng bài đã được các trinh sát nắm rõ và kế hoạch bắt giữ.

Sau đó, Thượng tá Đào Trọng Sơn được cử lên đường sang Singapore cùng 3 đồng chí thuộc Văn phòng Interpol Việt Nam và Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Khi bị vạch mặt về việc Phommalath Ketsana không phải là người mang quốc tịch Lào, Hạnh “sự” bị Tòa án Singapore xét xử và bị trục xuất khỏi lãnh thổ Singapore.

Thượng tá Đào Trọng Sơn nhớ lại, đó là chiều 7/6/2012, Cục xuất nhập cảnh Singapore áp giải Nguyễn Thị Hạnh ra sân bay Changi (Singapore) để tiến hành trục xuất Hạnh về Việt Nam. Lúc này, trong vai những khách du lịch, “chúng tôi đã có phương án mua vé bay cùng với chuyến bay của Hạnh. Hành trình săn tội phạm của tổ công tác trên trời cũng đầy những phút gay cấn khi chỉ sơ suất một chút sẽ ảnh hưởng đến hành khách, đến an ninh hàng không bởi trên chuyến bay này có khoảng 40 người là đàn em, bạn bè của Hạnh”, Thượng tá Sơn kể. 

Trên máy bay, Hạnh thường xuyên đổi chỗ ngồi và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo. Với phương châm “án binh bất động”, 4 sĩ quan cảnh sát vẫn không hề rời mục tiêu. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, Hạnh “sự” lạnh gáy khi nghe tiếng nói nhỏ, rõ ràng: “Chúng tôi là cảnh sát Việt Nam, yêu cầu chị chấp hành việc bắt giữ, nếu chống đối, chúng tôi sẽ dùng biện pháp mạnh…”.

Hạnh chấp thuận nghe theo mệnh lệnh nhưng vẫn hy vọng rằng ít phút nữa, chỉ khi ra khỏi khu vực sân bay, chị ta sẽ được giải cứu bởi hàng chục đàn em đã chờ sẵn.

Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, 7 chiếc xe ôtô chở khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng đã tập kết tại nhiều địa điểm trong khu vực sân bay để đón lõng, vô hiệu hóa mọi hoạt động giải cứu Hạnh.

Việc bắt Nguyễn Thị Hạnh không chỉ thể hiện kết quả hợp tác giữa Cảnh sát Việt Nam với các lực lượng và Interpol quốc tế mà qua đó còn là một ví dụ điển hình trong công tác phối hợp giữa Cục C52 và Cục Hàng không Việt Nam trong công tác phát hiện, xác minh, truy bắt người truy nã tại các cảng hàng không, sân bay và trên các chuyến bay nhằm tăng cường an ninh hàng không dân dụng.

Ngăn chặn các vụ đào tẩu qua đường hàng không

“Có những lúc “con cá” suýt vuột khỏi tầm tay, nhưng nhờ chủ động có phương án trước và sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả mà việc bắt giữ người truy nã đã diễn ra an toàn, không gây mất trật tự trong khu vực sân bay”, Thượng tá Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Phòng 4 Cục C52 phía Nam bộc bạch chuyện anh cùng đồng đội phối hợp với An ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM tóm gọn cặp vợ chồng Hoàng Văn Hiệp và Đỗ Thị Cúc, trú tại tỉnh Hòa Bình.

Dẫn giải Nguyễn Thị Ngân từ Liên bang Nga về Việt Nam.

Với màn kịch lừa đảo, huy động vốn với lãi suất cao của các hộ dân và vay vốn ngân hàng để kinh doanh, ẵm theo món tiền hơn 20 tỷ đồng, vợ chồng Cúc, Hiệp đã biến mất khỏi địa bàn đẩy bao người dân vào cảnh điêu đứng.

Phát hiện cặp vợ chồng này chuẩn bị bay từ TP.HCM ra Hà Nội, các trinh sát Phòng 4 Cục C52 đã nhanh chóng phối hợp với an ninh hàng không bắt giữ khi 2 người đang trong khu vực sân bay làm thủ tục. Đó là một trong rất nhiều câu chuyện các trinh sát phối hợp với an ninh hàng không ngăn chặn các vụ đào tẩu của người phạm tội qua đường hàng không.

Đại tá Quản Trọng Quỳnh, Trưởng Phòng 5 Cục C52, cho biết, theo báo cáo của công an các đơn vị, địa phương, Việt Nam hiện có gần 1.000 người truy nã có thông tin trốn ra nước ngoài chủ yếu tập trung ở một số nước có quan hệ làm ăn với nước ta hoặc có đông người Việt Nam sinh sống. Các đơn vị chức năng đã đề nghị Ban Tổng thư ký Interpol truy nã quốc tế gần 200 đối tượng, trong đó 134 người có thông tin về địa chỉ lẩn trốn.

Ngoài ra, theo thông báo của Văn phòng Interpol Việt Nam có khoảng hơn 100 người truy nã quốc tế được xác định có khả năng trốn vào Việt Nam. Những người này chọn đường hàng không để di chuyển là rất lớn.

http://www.cand.com.vn/vi-VN/trongmatdan/2014/3/224477.cand

Theo Công An Nhân Dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm