Những năm 1850, London rơi vào cảnh bùng nổ dân số. Trong giai đoạn từ năm 1801 đến năm 1850, dân số đã tăng đột biến dẫn đến tình trạng không có chỗ chôn người chết. Thời kỳ này, việc hỏa táng vẫn bị cấm. Ảnh: National Geographic. |
Hai doanh nhân Richard Broun và Richard Sprye đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này: đường sắt. Họ lên kế hoạch xây dựng nghĩa trang khổng lồ và tuyên bố nó đủ sức "chứa toàn bộ hài cốt của người London cho 500 năm tới". Nghĩa trang sẽ được xây cách xa thành phố. Quan tài sẽ được chuyển từ London đến đó thông qua tuyến đường sắt tốc độ cao với mức giá phải chăng. Ảnh: Getty. |
Hai công ty London Necropolis và National Mausoleum hợp tác để xây nghĩa trang có diện tích gần 200 ha vào năm 1852. Nghĩa trang được đặt ở phía tây nam London. Trong quá trình làm việc, cả Broun lẫn Sprye đều đã rời khỏi dự án trước khi chính thức hoàn thành do mâu thuẫn nội bộ. Tới năm 1854, nghĩa trang chính thức đi vào hoạt động, được gọi với tên Brookwood. Ảnh: Getty. |
Nghĩa trang chủ yếu dành cho những gia đình lao động thu nhập thấp. Do xa trung tâm London, chi phí chôn cất và giá đất cũng khá rẻ. Ngoài ra, thời gian di chuyển từ London tới nghĩa trang cũng nhanh hơn nhiều do được vận chuyển bằng đường sắt. Thời bấy giờ, giới thượng lưu thích chọn nghĩa trang ở rìa thành phố và thường di chuyển bằng xe ngựa. Ảnh: iStock. |
Tàu xuất phát vào buổi sáng từ ga Waterloo ở London. Quan tài được đặt vào khoang chuyên dụng còn hành khách (bạn bè, gia quyến người quá cố) sẽ ngồi khoang riêng. Tàu đi qua 2 trạm dừng, dành riêng cho người theo đạo và nhóm không theo đạo. Ở các nhà ga, họ còn làm thêm quán bar, trà chiều để phục vụ hành khách. Đây cũng là điểm tụ tập yêu thích của dân địa phương. Ảnh: Work House. |
Nghĩa trang Brookwood được đặt nhiều kỳ vọng nhưng lại không thành công như tưởng tượng. Hai người sáng lập Broun và Sprye dự tính sẽ tiếp nhận khoảng 50.000 thi hài/năm. Tuy nhiên, trong 20 năm đầu hoạt động, số thi hài được gửi đến chỉ khoảng 3.200/năm. Sau 100 năm, số ngôi mộ cũng chỉ dừng ở mốc hơn 216.000 - so với mục tiêu 5 triệu ban đầu. Ảnh: NatGeo. |
Năm 1941, nhà ga Waterloo bị đánh bom khiến công ty London Necropolis chịu thiệt hại nặng nề. Họ buộc phải thanh lý bớt những mảnh đất chưa sử dụng ở nghĩa trang và dẹp bỏ đường ray. Điều này khiến những chuyến tàu chở người chết cũng bị lãng quên. Nghĩa trang Brookwood cũng rơi vào tình trạng gần như bị bỏ hoang. Ảnh: Getty. |
Đến năm 1970, nghĩa trang được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tuyến đường sắt năm nào hiện chỉ có một đoạn nhỏ với tấm bia tưởng niệm để du khách tham quan. Ảnh: My London. |