Ngoài mối quan hệ thuộc phạm trù trên - dưới, trước - sau, thầy trò, quản lý và người được quản lý, các nghệ sĩ đều tự nhận thức rằng họ đều là những đồng nghiệp có thể gọi là “ngang hàng” theo cách mà nhiều người vẫn cho là "trong nghệ thuật không có tuổi".
Nhiều nghệ sĩ lớp sau hôm nay đã hiểu điều đó đúng nghĩa đen của nó và luôn cố gắng thể hiện cá tính của mình sao cho bằng đàn anh đàn chị đi trước, dù sứt mẻ tình cảm đôi chút thì vẫn là bảo vệ cái mới chính đáng trong nghệ thuật. Showbiz Việt từng có không ít vụ tranh cãi, không thừa nhận hay đúng hơn là đính chính vai trò thầy trò.
Từ thần tượng cho đến sụp đổ thành kẻ thù không nhìn mặt nhau, là người từng được gọi là "bố "trong gia đình nghệ thuật cũng bị đánh giá thấp vì vội buông lời xem nhẹ ca sĩ vai vế dưới, từng là người thầy trở thành đối thủ trong việc tranh giành chút tiếng và tài năng...
Mr Đàm từng bị ném đá vì phản pháo NS Nguyễn Ánh 9 nhưng rồi phải đến xin lỗi ông. |
Những bài học của nghệ sĩ đó cứ nhan nhản diễn ra mỗi ngày. Nó thú vị ở chỗ, những phát ngôn trớ trêu thường được đặt trên môi của lớp trẻ đi sau. Khán giả vẫn chưa quên cách ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “ngụy quân tử”. Trước đó không lâu anh cũng cho rằng nên xem xét lại diva Thanh Lam trong một lần chạm mặt vì Giọng hát Việt.
Xa hơn là Thanh Thảo và Ngô Kiến Huy trở thành người trên hai chuyến tuyến đối mặt ngay sau khi thanh lý hợp đồng. Ca sĩ Ngô Thanh Vân cũng từng có nhiều lùm xùm xung quanh việc chấm dứt hợp đồng với học trò Troni trong nhóm 365... Mới đây nhất là vụ lên tiếng của Hương Tràm về bí mật đằng sau Giọng hát Việt 2012.
Ca sĩ trẻ phủ nhận hay đính chính vai trò người thầy của mình trở thành bài học vỡ lòng cho bất kì ai muốn nổi tiếng và thành công. Dám đả kích lại thế hệ đi trước để chứng minh mình đúng, giành lấy sự công bằng cho thế hệ trẻ, tự do ngôn luận và bình xét để thấy rằng trong nghệ thuật không phân ngôi thứ, bình đẳng...
Đôi khi chuyện đáng buồn ở đây không nằm ở chính người trong cuộc mà chính là sự nhạy cảm vốn có mà chính các nghệ sĩ tự đeo mang cho mình. Tôi là nghệ sĩ, tôi rất nhạy cảm với từng lời nói, vì vậy đừng động chạm đến tôi... Những lý lẽ không bao giờ sai nhưng cũng không đúng tất cả cho mọi hoàn cảnh. Khi đó là một người thầy, một đàn anh đàn chị lớn trong nghề thì sẽ như thế nào?
Thanh Thảo và Ngô Kiến Huy cũng từng là thầy trò nhưng sau đó đã "cạch mặt" nhau. |
Phải chăng, sự nổi tiếng và cách đánh bóng của những chương trình hiện nay cũng là tác nhân khiến nhiều khán giả hiểu lầm về cái gọi là thầy trò trong showbiz? Ở Giọng hát Việt, nói thẳng thắn và trung thực thì, vai trò của Thu Minh chỉ là huấn luyện viên, người huấn luyện và giúp thí sinh trong đội của mình trở thành người chiến thắng.
Ngay cả trong format gốc và chuyển sang phiên bản Việt, nó không hề có cụm từ Teacher – Thầy giáo cho vai trò của ca sĩ Thu Minh cũng như 3 thành viên còn lại. Nhưng khi cuộc chơi được đẩy lên cao, nhu cầu tạo tiếng tăm và tranh thủ tình cảm của khán giả có thật, vì vậy gán luôn câu chuyện thầy trò giữa Thu Minh và Hương Tràm cũng chẳng sao mà còn đem lại câu chuyện cảm động.
Trong trường hợp này quan hệ thầy-trò của Thu Minh và Hương Tràm hoàn toàn xác đáng. Nhiều thí sinh của The Voice cũng coi Thu Minh, Mr Đàm, Hà Hồ, Trần Lập… không chỉ đơn thuần là những người đàn anh, đàn chị mà còn là người thầy theo nghĩa trọn vẹn nhất.
“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, đạo lý đó đã được các nghệ sĩ trẻ hôm nay khắc cốt ghi tâm nên bất kì nghệ sĩ thế hệ đi trước nào nổi tiếng, thành công đều có thể trở thành thầy, thần tượng của mình. Nhưng ranh giới ấy cũng mong manh nếu sự nổi tiếng và cái tôi cá nhân bị đụng chạm. Ngay lập tức quan hệ thầy trò chỉ còn là quá khứ mà phải bước ngay vào cuộc chiến vì “sự thật” theo lý lẽ của hầu hết các cuộc cãi vã, tranh giành vừa qua.
Câu chuyện thầy trò càng nóng hơn trong sự việc Thu Minh - Hương Tràm. |
Đọng lại sau tất cả những cuộc tranh giành phần đúng đó, một Đàm Vĩnh Hưng đã phải rơi nước mắt ôm trong lòng người mà anh vẫn hay gọi là “bố” trong âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Còn Hương Tràm cũng đã phải gỡ đi tâm thư và vẫn thừa nhận Thu Minh là một thần tượng, một người có sức ảnh hưởng lớn đến mình. Cái tôi của nghệ sĩ rất lớn, thế nhưng dù ít dù nhiều trong trường hợp này những người thuộc thế hệ sau ít nhiều vẫn sai nhiều hơn và công chúng luôn đứng về phía những người như NS Nguyễn Ánh 9 hay Thu Minh.
Showbiz phức tạp, danh tiếng và con người cá nhân đưa đẩy tình thầy trò đến những chuyện dở khóc dở cười. Vui vì, bất kì ai cũng có thể trở thành thầy và trò, chỉ vì sự cảm tài cảm mến nhưng buồn vì có lẽ, thầy trò không còn bền chặt khi lợi ích cá nhân bị mổ xẻ chỉ sau vài câu nói.
Liệu có sự chi phối nào khác không xung quanh những vụ tranh cãi, "cạch mặt" nhau trong showbiz không? Tự thân người nghệ sĩ phải chứng tỏ mình đúng, hơn thua sự tổi tiếng hay tài năng? Hay nhu cầu đánh bóng mỗi người là có thật và nạn nhân không ai khác chính là những người tham gia cuộc chơi đầy tính mạo hiểm ấy? Dù sao, thầy cũng nên là thầy và trò càng nên là trò thì ít ra, khán giả không thấy showbiz lộn xộn trong suốt thời gian qua.