Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyển tiếp đại học là bước đệm cần thiết và linh hoạt khi du học

Để làm quen với cuộc sống tại vùng đất mới, các chương trình chuyển tiếp đại học sẽ hỗ trợ trang bị kiến thức và kỹ năng cho du học sinh, nhằm tạo bước đệm trước khi vào đại học.

Học sinh quốc tế sau khi học những chương trình chuyển tiếp đại học (pathway) như chương trình dự bị đại học hoặc liên thông đại học sẽ cải thiện khả năng tiếng Anh đáng kể, có thêm nhiều bạn bè và kỹ năng mềm. Sinh viên cũng được làm quen với môi trường sống, cách học của bậc đại học ngay sau khi hoàn tất lớp 11.

Dự bị Đại học: Bước đệm quan trọng

Ngọc Tuyền (cựu sinh viên trường ĐH Otago) quyết định sang New Zealand du học sau khi vừa học xong lớp 11 tại Việt Nam. Khi đó, Tuyền cũng chưa có chứng chỉ IELTS để đáp ứng yêu cầu đầu vào tiếng Anh của ĐH Otago. Đồng thời, muốn có thời gian thích nghi trước với văn hóa học tập xứ Kiwi, cô bạn quyết định theo học chương trình dự bị đại học ngành Thương mại.

Chương trình dự bị đại học (foundation) được thiết kế cho học sinh quốc tế chưa đáp ứng đủ yêu cầu đầu vào đại học ở New Zealand. Cụ thể, đối với Việt Nam, học sinh mới hoàn thành chương trình lớp 11 (chưa tốt nghiệp phổ thông) hoặc đã tốt nghiệp phổ thông nhưng không nằm trong nhóm được xét duyệt thẳng là đối tượng phù hợp của chương trình này.

chuong trinh du bi dai hoc anh 1

Ngọc Tuyền có nhiều thời gian để làm quen với môi trường đại học và cuộc sống ở New Zealand sau khi tham gia chương trình dự bị đại học. Ảnh: NVCC.

Thông thường các trường đại học sẽ chỉ định một đơn vị triển khai khóa học dự bị đại học cho trường mình. Một số trường khác sẽ tổ chức giảng dạy khóa học này ngay trong trường. Đánh giá về chương trình học, Tuyền cho rằng đây là bước đệm cần thiết để tăng sự tự tin và chuẩn bị tốt nhất cho việc học đại học ở New Zealand.

"Mình học ngành Thương mại nên được tiếp xúc với nhiều môn mà trước đây chưa từng học ở Việt Nam như Kinh tế, Kế toán, Tin học Ứng dụng. Lên đại học, nội dung cũng tương đồng với chương trình foundation nhưng mình sẽ học sâu và chi tiết hơn", Tuyền chia sẻ.

Cựu du học sinh cho biết bạn phải tham gia nhiều bài thuyết trình và nhiều môn cần làm việc nhóm khi học dự bị đại học. Nhờ đó, Tuyền tự tin hơn khi nói chuyện trước đám đông và biết cách làm việc vì tập thể. Cô bạn cũng mạnh dạn hỏi thẳng thầy cô mỗi khi gặp khó khăn. Thêm vào đó, đã quen trước nhóm bạn ở lớp dự bị đại học nên khi vào đại học cô bạn không bị cô đơn hay lạc lõng chút nào.

Chương trình foundation được thiết kế cho nhiều ngành học khác nhau với học phí dao động từ 24.000NZD đến 28.000NZD (từ 350 triệu VNĐ đến 410 triệu VNĐ) cho khoá học từ 8 đến 12 tháng.

Chị Lê Thiên Tâm, trường UC International College (UCIC) – nơi đào tạo các khóa dự bị đại học vào trường ĐH Canterbury (Christchurch, New Zealand), cho biết: “Học viên tại UCIC sẽ được học ngay tại trường đại học và được quyền truy cập, sử dụng tất cả cơ sở vật chất của trường như một sinh viên chính thức. Đồng thời, trường cũng tổ chức các college tour để giới thiệu về các ngành học của trường, qua những buổi như vậy các em cũng được định hướng về ngành nghề tương lai".

Cơ hội chuyển tiếp lên thẳng năm 2 đại học

Chương trình liên thông đại học cũng là một lựa chọn cho các học sinh quốc tế muốn theo học đại học nhưng chưa đủ điều kiện đầu vào của trường đó. Điểm nổi bật của chương trình này là sự thư thả về thời gian học nhưng chương trình tương đương với năm nhất đại học để sinh viên quốc tế có thể thích nghi và bắt kịp phương pháp học mới.

Ví dụ, sinh viên năm nhất sẽ phải hoàn thành 9 môn học trong 2 học kỳ, còn sinh viên chương trình liên thông sẽ học trong 3 học kỳ, tương đương với 12 tháng. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên trong một lớp cũng ít hơn nhiều so với giảng đường đại học, nhờ đó mà giảng viên cũng dễ dàng hỗ trợ người học hơn. Sinh viên sau khi hoàn thành chương trình liên thông sẽ học lên thẳng năm hai đại học.

chuong trinh du bi dai hoc anh 2

Nếu du học khi chưa tốt nghiệp phổ thông thì chương trình liên thông đại học là một phương án mang lại nhiều lợi ích đối với học sinh. Ảnh minh họa: NZSS.

Đặc biệt, học sinh vừa hoàn thành lớp 11 có thành tích học tập tốt tại Việt Nam vẫn có cơ hội theo học một số chương trình liên thông đại học. Ví dụ, tiêu chuẩn đầu vào của International Diploma - chương trình liên thông tại ĐH Waikato là điểm trung bình (GPA) lớp 11 tại Việt Nam trên 8.0 và trình độ ngoại ngữ IELTS trên 5.5. Vì chương trình đại học tại New Zealand ở hầu hết ngành đều kéo dài khoảng 3 năm nên các em sẽ có thể tốt nghiệp đại học ở độ tuổi 20.

Xét về mặt chi phí, đây cũng là một phương án tài chính có lợi cho kế hoạch du học. Một số trường đại học tại New Zealand thiết kế những chương trình liên thông cho học sinh muốn theo học ở một số nhóm ngành phù hợp.

Tên gọi của chương trình Liên thông này cũng khác nhau ở mỗi trường, ví dụ: ĐH Canterbury với chuơng trình University Transfer Program (UTP), ĐH Waikato với chương trình International Diploma, ĐH Lincoln với chương trình Diploma in University Studies.

Bạn Hữu Duyên (sinh viên năm 3 ĐH Canterbury, ngành Cơ Điện tử) cho biết sau khi tốt nghiệp ở Việt Nam cô tìm cơ hội du học ở New Zealand vì chi phí tương đối hợp lý hơn với các nước khác.

Tuy nhiên vì tiếng Anh không đủ điểm vào đại học nên nữ sinh băn khoăn việc bỏ thêm một năm học tiếng Anh hay học foundation. May mắn cô gái tìm hiểu được chương trình University Transfer Program (UTP) của ĐH Canterbury, hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh và nguyện vọng.

Duyên cho hay ngoài kiến thức chuyên môn của ngành Cơ Điện tử và tiếng Anh bổ sung, bạn được thoải mái đăng ký các lớp học kỹ năng mềm theo sở thích, qua đó kết thêm nhiều bạn mới. Số lượng học sinh trong một lớp của chương trình chuyển tiếp rất ít, khoảng mười mấy sinh viên, so với hàng trăm sinh viên trong một lớp đại học cũng tạo điều kiện để giáo viên quan tâm, hỗ trợ sinh viên sát sao hơn.

Học phí trung bình của khoá học liên thông đại học 12 tháng dao động từ 27.000NZD đến 39.000NZD (từ 390 triệu VNĐ đến 590 triệu VNĐ) tuỳ ngành học.

Một điểm lợi nữa của việc học các chương trình chuyển tiếp đại học là tăng cơ hội “săn” học bổng bằng việc tiếp cận sớm với những thông tin của trường. Cô gái tích luỹ kinh nghiệm từ quá trình hoạt động ngoại khoá.

Nhờ tiếp cận phương pháp học tập ở bậc đại học và chọn ngành học từ sớm mà các bạn sinh viên quốc tế có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, có khả năng lấy bằng cử nhân khi chỉ mới 20 tuổi.

Chương trình dự bị đại học dành cho cả học sinh quốc tế và học sinh của New Zealand trước khi bước vào đại học.

Đối với học sinh quốc tế chưa đủ điều kiện đầu vào đại học của New Zealand hoặc đủ điều kiện nhưng muốn có thời gian chuẩn bị đều có thể đăng ký chương trình dự bị đại học. Học sinh lớp 11 chưa tốt nghiệp THPT tại Việt Nam hoặc đã tốt nghiệp nhưng vẫn muốn theo đuổi con đường học vấn ở bậc đại học nên đăng ký chương trình này.

Tìm hiểu thêm về các chương trình pathway tại website của trường ĐH hoặc tại đây.

Hệ thống bằng cấp của nền giáo dục New Zealand

New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu về Chỉ số Giáo dục Chuẩn bị cho Tương lai 3 năm liền, với hệ thống bằng cấp (NZQF) chia làm 10 cấp độ (level) từ thấp đến cao.

Thanh Thanh

Bạn có thể quan tâm