Chỉ vài giờ sau khi câu chuyện của anh Tuấn được đăng trên trang Facebook "Humans of New York" (Những con người New York), bài viết đã nhận được gần 16.000 lượt chia sẻ, hơn 400.000 người thích và gần 8.000 người bình luận. Cư dân mạng không chỉ xúc động trước sự hy sinh của vợ anh Tuấn, mà còn ngưỡng mộ trước tình cảm vợ chồng anh dành cho nhau.
Câu chuyện nhỏ kể về quãng thời gian anh đi du học ở Mỹ: "Khi con gái mới được 5 tháng tuổi, tôi nhận được học bổng của trường Johns Hopkins. Vợ tôi cùng con gái cũng đến Baltimore để cả gia đình có thể ở bên nhau. Tôi luôn biết ơn sự hy sinh ấy, bởi tôi biết đó là 3 năm khó khăn nhất trong cuộc sống của vợ tôi. Khi đó, cô ấy không nói được một từ tiếng Anh nào. Chúng tôi sống trong căn hộ một phòng (studio) rất nhỏ, nhỏ đến nỗi nhiều lần tôi phải làm bài tập trong phòng tắm.
Chia sẻ của anh Tuấn nhận được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng. |
Ở Việt Nam, vợ tôi có một công việc tốt. Cô ấy bận bịu trả lời điện thoại suốt ngày. Thế nhưng ở Mỹ, điện thoại không bao giờ đổ chuông nữa. Cô ấy cũng không được phép đi làm vì loại thị thực (visa) không cho phép.
Ngày lễ ở Việt Nam là ngày thường ở Mỹ, vì vậy, tôi vẫn phải đến trường. Và ngay cả ngày Tết vợ chồng tôi cũng không thể ở bên nhau. Thỉnh thoảng, khi tôi trở về nhà cuối những ngày đông giá, cô ấy nhìn tôi với đôi mắt đẫm lệ và nói: "Tuấn à, em muốn về nhà". Thế nhưng, cuối cùng cô ấy vẫn ở lại bên tôi.
Khi tôi học xong và nhận được bằng tốt nghiệp, nhiều người bạn hỏi tôi có muốn tìm một công việc ở Mỹ không. Nhưng tôi đã không làm điều đó, đơn giản chỉ vì bà xã đã hy sinh quá nhiều cho tôi. Tôi nói: "Chúng ta sẽ trở về nhà ngay lập tức". Sau khi chúng tôi về Việt Nam, vợ tôi được trở lại với mọi thứ thân quen, như cá được trở về với nước".
Câu chuyện của anh Tuấn nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc. Một bạn chia sẻ: "Điều gắn kết con người trong cuộc sống không phải là những sắc cầu vồng hay những cánh bướm rực rỡ, mà chính là sự hòa hợp".
Một nữ độc giả cảm thấy xúc động trước câu chuyện của anh Tuấn và nhớ về hoàn cảnh của mình. Cô nói, cô cũng như vợ anh Tuấn theo chồng đến Barcelona sinh sống khi đang mang thai tháng thứ ba vì anh nhận được học bổng của IESE. Cả hai ở đó 2 năm trong một căn phòng nhỏ không có lò sưởi. Sau khi hoàn thành chứng chỉ MBA, ông xã đã đưa cô về New York vì đó là nơi cô dành một phần trái tim cho anh. Vì vậy, cô trân trọng cách anh Tuấn hy sinh cho gia đình.
Hay bạn Lê Thạch Thảo cho biết, câu chuyện của bố mẹ cô tương tự gia đình anh Tuấn khi bố cô nhận học bổng Fulbright ở Stanford. 3 năm sau, mẹ con cô chuyển đến ở cùng bố. Cô còn quá nhỏ để hiểu mọi chuyện ngoại trừ nỗi nhớ nhung ông bà và không bao giờ có cảm giác như ở nhà. Mẹ của cô cũng cảm thấy đó là những năm tháng căng thẳng nhất trong cuộc đời của bà. Sự căng thẳng đã ảnh hưởng đến hôn nhân của bố mẹ.
Câu chuyện của anh Tuấn giúp Nam Anh thấy trong cuộc sống hôn nhân tình yêu thôi vẫn chưa đủ. Sự hy sinh, sẻ chia từ chính người bạn đời mới giúp cả hai cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nếu cô là bà xã của anh Tuấn, cô sẽ không thể ở lại xứ người trong suốt 3 năm khi vừa không biết tiếng Anh, vừa không thể ra ngoài làm việc.
Nhiều người lựa chọn cách xa quê hương, đất nước để lập nghiệp ở một nước phát triển, mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, sống ở nơi luôn khiến trái tim trống trải sẽ biến chính mình thành người vô hình và cuộc sống dần trở nên vô nghĩa, Nam Anh tâm sự.
Anh Tuấn cho biết thêm, việc câu chuyện được đăng tải trên trang Humans of New York và nhận được rất nhiều bình luận tích cực khiến anh cảm thấy bất ngờ và xúc động. Anh hy vọng qua câu chuyện đời thường rất mộc mạc của mình sẽ đánh thức được tình yêu gia đình, tình vợ chồng thiêng liêng trong lòng mỗi người. Và góp phần làm mọi người thương yêu và nhân ái với nhau hơn.