Chuyện tình mãnh liệt của những người vượt lên số phận
Dù thân thể khiếm khuyết nhưng bằng nghị lực phi thường, bằng tình yêu mãnh liệt, họ đã và đang viết lên một bản tình ca đẹp về hạnh phúc lứa đôi.
Chàng lương y và cô thợ dệt
Chồng dị tật cả hai chân. Yêu và kết hôn với người vợ xinh đẹp, khỏe mạnh bình thường. Đó là cặp vợ chồng Trần Quang Dũng và Lê Thị Mai Duyên (huyện Duy Tiên, Hà Nam).
Anh Dũng kể: “Năm 2 tuổi, sau một trận bạo bệnh, đôi chân của tôi dần dần teo lại. Tuổi thơ của tôi chỉ luẩn quẩn quanh chiếc chõng tre. Cũng vì bạo bệnh nay ốm, mai đau, tôi về sống với ông ngoại là lương y nổi tiếng. Từ đây, tôi miệt mài đọc sách Đông y và được truyền nghề”.
Vợ chồng Trần Quang Dũng và Lê Thị Mai Duyên |
Năm 20 tuổi, chàng trai khuyết tật Trần Quang Dũng quyết chí tự lập, đứng ra mở phòng mạch riêng khám chữa bệnh cho người dân trong vùng. Cảm phục hình ảnh chàng lương y ngồi xe lăn, chữa bệnh cho những người lành lặn, cô gái trẻ Lê Thị Mai Duyên đã đem lòng yêu mến. Vượt qua suy nghĩ, vượt qua mặc cảm và bỏ cả công việc để đến với người chồng khuyết tật.
“Hy sinh sự nghiệp bản thân để làm điểm tựa cho chồng là quyết định tương đối khó khăn. Nhiều người còn bảo, mình còn trẻ, có công việc tương đối ổn định, lấy đâu chẳng được chồng. Vì yêu anh, mình chấp nhận bỏ việc ở công ty dệt để ở nhà làm “người giúp việc” cho chồng” - chị Duyên tâm sự. Sau gần 9 năm gắn bó, tổ ấm đã có thêm hai thành viên một trai, một gái.
Sự hy sinh của người vợ đã được đền đáp xứng đáng. Phòng khám của lương y 8X mỗi tháng đón tiếp từ 300 - 400 lượt người đến lấy thuốc.
Thu nhập từ nghề bốc thuốc đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình. Ngoài ra, anh Dũng còn là Giám đốc Công ty TNHH Quang Dũng chuyên ngành xây dựng tại Khu công nghiệp Ðồng Văn với gần 100 nhân viên chủ yếu xuất thân từ người nghèo và người tàn tật.
Anh Dũng bộc bạch: “Cuộc sống của tôi tuyệt vời hơn từ khi có cô ấy. Nhờ cô ấy tôi đã đứng vững trên đôi chân khuyết tật của mình”. Còn trong mắt chị Duyên: “Anh là người tự tin trong mọi hoàn cảnh. Anh là người chồng biết quan tâm, chăm sóc vợ con. Vợ chồng trẻ, phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng qua 9 năm chung sống, nếu được chấm điểm, tôi cho anh ấy điểm 10 tuyệt đối”.
Bùi Văn Quý và Nguyễn Thị Đoàn |
Hai trái tim vàng
Người ta bảo niềm hạnh phúc thường giống nhau, nhưng bất hạnh, khổ đau lại chẳng ai giống ai. Không được may mắn như anh Trần Quang Dũng có người vợ lành lặn, Bùi Văn Quý (dân tộc Mường, H.Cao Phong, Hòa Bình) lại “cả gan” cưới cô vợ liệt cả hai chân. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ khuyết tật đúng nghĩa “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”.
Tình cờ trong giờ lên lớp sửa lỗi cho các học viên lớp cắt may tại Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành (Hòa Bình), thầy Bùi Văn Quý đã bị cô học trò Nguyễn Thị Đoàn “hút mất hồn”.
Lân la làm quen, rồi ngỏ lời yêu, nhưng lần nào cũng bị cô học trò khước từ. Đoàn bộc bạch thời gian đầu mới quen nhau: “Anh Quý bị mất một bên chân do di chứng chất độc da cam từ người cha. Gia đình lại cực kỳ khó khăn, cả 4 người em đều bị thiểu năng trí tuệ. Còn mình bị rối loạn dưỡng cơ, phải ngồi xe lăn. Dù trong lòng yêu anh ấy nhưng mình đã từ chối. Hai người khuyết tật không thể bù đắp cho nhau, gánh nặng càng nặng thêm”.
Nhưng tình yêu là sức mạnh tinh thần giúp hai người đồng cảnh ngộ vượt qua khó khăn xây dựng hạnh phúc, cho dù hiện tại cuộc sống còn biết bao thiếu thốn trong ngôi nhà đất, vách bằng cót. Hằng ngày, chồng chạy xe máy 20 km lên thành phố mưu sinh.
Vợ ở nhà nuôi gà, nuôi ngan. Thu nhập cả hai vợ chồng chỉ đủ mua gạo ăn qua ngày. Và niềm hạnh phúc nhất đã xóa đi mọi buồn đau, lo toan chính là cậu con trai 2 tuổi khỏe mạnh, bình thường.
“So với các em, mình vẫn là người may mắn, đầu óc còn minh mẫn và còn có một gia đình hạnh phúc. Mình chẳng mong muốn gì hơn ngoài ước mơ giản dị, có một mái ấm để che mưa, che nắng không còn cảnh trời mưa nước dột đầy nhà” - anh Quý tâm sự.
Vũ Văn Vĩnh và Vũ Thị Hường |
Hai vợ chồng - một đôi chân
Khác với nhiều cặp vợ chồng khuyết tật, anh Vũ Văn Vĩnh và chị Vũ Thị Hường (thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) xây dựng hạnh phúc khi còn lành lặn. Nhưng thật trớ trêu, năm 2004, trong một vụ tai nạn giao thông, chồng mất chân trái, còn vợ mất chân phải.
Chị Vũ Thị Hường nhớ lại: “Mọi việc diễn ra quá nhanh và hoàn toàn bất ngờ với những người đang khỏe mạnh bình thường. Sau những đau đớn về thể xác là những cú “sốc” về tinh thần. Cuộc sống gần như xáo trộn hoàn toàn, từ cơm nước, giặt giũ, đến chăm sóc con cái đều phải nhờ ông bà nội ngoại. Nằm bất động trên giường nhìn hai đứa con nhỏ, đứa học mẫu giáo, đứa tập tễnh bước đi mà lòng đau như dao cắt”.
Phải mất hai năm trời thất vọng, hụt hẫng, anh Vĩnh - chị Hường động viên nhau lấy lại tinh thần. “Mình không thể gục ngã, còn cha mẹ già, còn 2 đứa con thơ. Vợ cố một, chồng cố hai. Bọn mình bắt đầu tập đi, chân chảy máu cố chịu, bước đi vấp ngã rồi cũng quen. Cứ như vậy, hai người cộng lại còn một đôi chân dựa vào nhau đứng lên” - anh Vũ Văn Vĩnh tâm sự.
Hai năm bệnh tật, bao nhiêu tiền đều đổ và mua thuốc thang chữa bệnh. Tay trắng hoàn tay trắng, hai vợ chồng khuyết tật bắt đầu gầy dựng từ con số 0. Qua báo đài, ti vi, nhiều tấm gương người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống đã tiếp thêm cho đôi vợ chồng trẻ nghị lực sống.
Đi chân giả không thể cày ruộng nữa rồi. Chăn nuôi, bưng bê, vác nặng cũng không làm được. Vợ chồng đồng lòng, mở cửa hàng tạp hóa. Nhờ trời thương, công việc buôn bán thuận lợi, khó khăn vất vả qua đi. Cuộc sống tạm ổn, con cái học hành giỏi giang.
Anh Vũ Văn Vĩnh bày tỏ: “Chính sự vất vả, hụt hẫng, vợ chồng càng san sẻ tình cảm, động viên nhau. Lúc trước, khi còn lành lặn yêu nhau ít, giờ tình cảm vợ chồng càng mặn nồng. Nếu ai đó còn hoài nghi về hạnh phúc của người khuyết tật xin hãy nghĩ lại. Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc”.
Theo Thanh Niên