Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện tình ngỡ như phim của bà bán vé số 63 tuổi

Để có một cuộc tình già, không phải cứ cộng ngày cộng tháng mà thành. Đó phải là cuộc tình mà người ta cộng vào nhau cái ân, cái nghĩa, cái tình và cái thương.

Đặt chân đến con hẻm 157 ngoằn ngoèo, nhà được đánh số lộn xộn, trên đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP.HCM, tôi đi lòng vòng mất một giờ đồng hồ mới tìm đến nơi thầy giáo Danh ở.

Căn nhà nằm trong một con hẻm rất hẹp, chật chội, tù túng. Ở đây, tôi nghe bà Nguyễn Thị Cúc (63 tuổi) kể câu chuyện đời nhiều bất hạnh và tình yêu của bà dành cho người bạn đời của mình - thầy giáo ưu tú Trần Thành Danh.

vo benh ban ve so cham chong,  vo ban ve so, anh 1
Bà Cúc ngồi xem lại những hình ành của người chồng - thầy giáo Trần Thành Danh. Ảnh: Hoài Thanh.

Chuyện tình cô bán hàng với chàng học sinh

Những năm 1970, khi bà Cúc là một cô gái mới lớn, từ Cần Thơ lên Sài Gòn buôn bán và ở cùng với dì. Nhà dì của bà Cúc và thầy Danh ở sát nhau. Thế rồi duyên số đưa đẩy, anh chàng học sinh khôi ngô, tuấn tú tên Danh ngày ấy đã phải lòng cô bán hàng nhỏ bé.

Năm bà Cúc 19 tuổi, ông Danh 20, cả hai cưới nhau và ở tại Sài Gòn. Sau khi cưới nhau, ông Danh tiếp tục việc học, bà Cúc vẫn theo dì ra bến tàu mua chén kiểu về bán. “Tui học đến lớp 6 là nghỉ rồi. Tuy không học hành đàng hoàng nhưng tui làm phụ cho ổng học đó chứ bộ”, bà Cúc phân trần bằng chất giọng miền Tây ngọt lịm.

Rồi ông Danh thi đậu vào Y khoa, học được 4 năm thì ông nghỉ với lí do: “Học 7 năm mới ra trường, mà lúc đó cô lại có em bé”, bà Cúc kể.

Thế là hai vợ chồng khăn gói về dưới quê bà Cúc ở Cần Thơ sinh sống. Một thời gian sau, gia đình bảo ông Danh thi vào ngành sư phạm, ông nghe theo và thi đậu. Đôi vợ chồng trẻ lại ôm con lên Sài Gòn, sống trong ngôi nhà lá tạm bợ. Ông Danh tốt nghiệp và trở thành thầy giáo dạy Pháp văn, liên tiếp nhiều năm liền, thầy Danh luôn là giáo viên ưu tú, xuất sắc. 

vo benh ban ve so cham chong,  vo ban ve so, anh 2
Bằng khen của thầy Danh. Ảnh: Hoài Thanh.

Một thời gian sau, thầy Danh được trường nơi thầy đang dạy cử đi tu nghiệp ở Pháp, bà Cúc ở nhà chăm 7 đứa con thơ dại.

Một năm sau thầy Danh về nước, có được ít tiền, hai vợ chồng xây ngôi nhà nho nhỏ ở quận 8. Sau khi đất nước thống nhất, thầy Danh được nhận vào làm trong ngành Giáo dục ở TP.HCM, bà Cúc vẫn tiếp tục nghề buôn bán.

Số phận trêu ngươi

18 năm trước, trong một lần đi dạy về, thầy Danh không may bị chiếc xe ba gác đâm phải, người gây tai nạn sợ đền bù bỏ trốn, thầy bất tỉnh phải nhập viện.

Bị chấn thương sọ não nặng, thầy hôn mê cả tháng trời. Khi tỉnh lại cũng chỉ ú ớ, không thể đi lại hay cử động. 5 tháng sau đó là chuỗi ngày xem bệnh viện là nhà, vừa uống thuốc vừa tập vật lý trị liệu tại phòng chăm sóc đặc biệt. Rồi bà Cúc và mấy đứa con đón thầy về như một người thực vật, nằm một chỗ, nghe hiểu nhưng chỉ ú ớ.

Những tưởng ông trời thương người phụ nữ nhỏ bé ấy, nhưng không. Liên tiếp sau đó, 3 đứa con của bà lần lượt qua đời vì bệnh. Bà Cúc đã gần như không gượng dậy nổi.

Ấy vậy mà số phận vẫn tiếp tục trêu ngươi bà. Người đàn bà 63 tuổi lại phát hiện mình bị bệnh tiểu đường khá nặng. Vậy là bà quyết định bán căn nhà che chắng che mưa cho cả gia đình, chuyển về con hẻm nhỏ ở đường Dương Bá Trạc, thuê ngôi nhà chật chội sống cho đến bây giờ.

vo benh ban ve so cham chong,  vo ban ve so, anh 3
18 năm qua, mọi sinh hoạt của thầy Danh đều do một tay bà Cúc chăm lo. Ảnh: Hoài Thanh.

Bao nhiêu năm dìu dắt nhiều thế hệ học trò bằng tình thương yêu, khi biết tin thầy Danh bị nạn, nhiều học trò đã kéo nhau đến thăm.

“Có học trò tới ôm ổng khóc gợi lại kỉ niệm. Có đứa đi tìm ổng 20 năm không gặp, giờ đến thấy ổng không có tivi coi nên mua tặng, mua cho cái tủ lạnh, cho chút đỉnh tiền để con gái làm vốn bán trái cây”, bà Cúc thật thà kể.

Khi hết vốn, cô con gái ở nhà, thế là bà giao cho con chăm thầy, còn bà lấy vé số về và lội bộ khắp nơi để bán. Biết hoàn cảnh của bà, nhiều người mua ủng hộ. Nhưng căn bệnh tiểu đường mỗi lúc mỗi nặng hơn, có hôm lượng đường lên đến 300 mg/dL, thở không nổi, bà đành nghỉ ở nhà mấy tháng.

Tình ở tuổi xế chiều

 

Số phận éo le khi cùng lúc lấy đi hết sức khỏe của người chồng thông minh, khỏe mạnh, cướp đi 3 đứa con đã khiến cho người phụ nữ ấy mệt mỏi dần, trí nhớ kém.

Lúc tôi hỏi tuổi của hai vợ chồng, thậm chí bà còn không nhớ rõ mình sinh năm nào, cưới nhau lúc nào. Thế nhưng, chỉ cần hỏi về kỷ niệm cùng nhau suốt từng ấy năm, bà kể rành mạch, không giấu được nụ cười: “Hồi ổng đi bên Tây về có mua tặng cho tui chiếc nhẫn. Rồi tui nhớ mãi cái hôm ổng rủ tui đi về dưới quê tui ở Cần Thơ để thăm bà con. Tui vui lắm”.

vo benh ban ve so cham chong,  vo ban ve so, anh 4
Cô lật xem ảnh và kể rất nhiều câu chuyện về người bạn đời của mình. 

Tôi hỏi bà có trách, có hận người đã gây ra tai nạn cho người bạn đời của mình không, bà lắc đầu, bảo hận gì khi người ta cũng nghèo như mình, xe ba gác cũng là chở thuê, làm gì có tiền để đền.

Số phận bất hạnh là thế, người chồng ở cái tuổi 64 cứ nằm một chỗ chờ bón cơm nước, chỉ nói được vài ba câu ú ớ nhưng bà không cho phép bất cứ ai khuyên bà buông xuôi.

“Người nào đến thăm mà bảo ông như vậy rồi bà bỏ đi chứ chăm gì nữa là tui không có chịu. Thà ổng sống, mình chăm thì ổng vẫn cứ còn bên cạnh mình", bà Cúc trầm ngâm nói.

Chứng kiến cảnh bà Cúc nói đùa: “Ngày xưa ông đẹp trai lắm chứ đâu như giờ, móm mém hết cả”, rồi hai vợ chồng phá lên cười mới thấy được cái tình của hai người bạn đời ở tuổi xế chiều.

Để có một cuộc tình già, không phải cứ cộng ngày cộng tháng mà thành. Đó phải là cuộc tình mà người ta cộng vào nhau cái ân, cái nghĩa, cái tình và cái thương.

Hoài Thanh

Video: Hoài Thanh - Hoàng Thiên

Bạn có thể quan tâm