Clip 'ông cụ non' Nhật Nam: Tại sao ‘ném đá’ một đứa trẻ?
“Ở độ tuổi mà ngay cả việc ăn, việc mặc còn chưa thể tự lo thì nhận xét về một vấn đề có chút sai lầm là chuyện bình thường. Vậy tại sao người lớn lại 'ném đá' một đứa trẻ?”, một độc giả chia sẻ.
Không thể áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ nhỏ
Vừa qua, clip phóng sự Nhật Nam trả lời phỏng vấn khi ra mắt cuốn sách Tớ đã học tiếng Anh như thế nào đã gây tranh cãi sôi nổi trên cộng đồng mạng bởi chia sẻ: "Sách thì các bạn thích đọc truyện tranh, còn em thì không. Em thích đọc những loại sách về tin học, xã hội, chính trị và khoa học. Không nên đọc truyện tranh nhiều, truyện tranh cũng có tác dụng nhưng như mẹ em nói thì truyện tranh đục phá tâm hồn".
Câu trả lời của Nhật Nam động chạm đến rất nhiều người yêu thích truyện tranh nên đã gặp phải phản ứng của dư luận. Tuy nhiên, nhiều độc giả cũng cho rằng cần có cái nhìn khách quan và công bằng với cậu bé này.
Độc giả Minh Đức bình luận: "Tại sao mọi người lại quy kết Nhật Nam già trước tuổi hay không có tuổi thơ? Đây là những lời lẽ quá phũ phàng và chủ quan của cư dân mạng. Bởi không thể áp đặt suy nghĩ và cuộc sống của mình lên người khác được. Mình thấy buồn cho những người lớn mà lại chọn lời lẽ như vậy để nói với trẻ con”.
Minh Đức chia sẻ thêm: “Ngày bé mình cũng là một tín đồ của truyện tranh, dù bị bố mẹ ngăn cấm vị sợ ảnh hưởng đến việc học. Việc mẹ Nhật Nam nói như vậy nhưng nếu em vẫn thực sự có hứng thú với truyện tranh thì chắc chắn không ai có thể ngăn cấm được. Có thể đối với Nhật Nam những cuốn sách mới thực sự hấp dẫn. Vì vậy, mình nghĩ không nên quy kết cứ trẻ con là phải đọc truyện tranh thì mới có tuổi thơ. Dù vậy, bên cạnh việc tiếp cận những kiến thức hàn lâm, Nhật Nam nên tìm hiểu về những điều giản dị mà nhân văn ở trong những câu chuyện tranh để làm phong phú thêm tâm hồn mình”.
Độc giả này cho rằng: “Hy vọng tài năng này sẽ không sớm lụi tàn vì bị dè bỉu hay bị nâng cao quá mức cần thiết”.
Độc giả Lê Danh Hiệp cũng bày tỏ: “Tuy Nhật Nam có dáng dấp hơi “ông cụ non” nhưng chắc chắn em là người có trí tuệ phi thường. Ở độ tuổi mà ngay cả việc ăn, việc mặc còn chưa thể tự lo thì nhận xét về một vấn đề có chút sai lầm là chuyện bình thường. Vậy tại sao người lớn chúng ta lại đi 'ném đá' một đứa trẻ?”.
Đồng tình với quan điểm này, độc giả Thái Tú cho rằng: “Dù sao bé Nhật Nam cũng chỉ là một đứa trẻ, vì vậy người lớn cần suy nghĩ kỹ trước khi nói bất cứ điều. Bởi chính điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thơ và tâm hồn của Nhật Nam. Đây cũng là quan điểm và ý kiến riêng của bé, người lớn nên tôn trọng điều đó”.
Nickname ShinNow nhận xét: “Có thể cách trả lời khá người lớn của Nhật Nam khiến mọi người sẽ không thích. Nhưng biết đâu sau này bằng tài năng của mình em sẽ giúp ích cho xã hội. Chúng ta hãy nhìn vào mặt tốt và những điều Nhật Nam đã làm được chứ không nên đánh giá em chỉ qua một câu nói”.
Độc giả Nguyễn Sơn Vinh cũng cho rằng: “Cách nói chuyện của Nhật Nam chứng tỏ em đọc sách và nghiền ngẫm rất kỹ thì mới có thể tự tin và trả lời sâu sắc đến vậy. Đọc sách là một thói quen tốt mà ngay cả nhiều người lớn, nhiều sinh viên đang cần có nhưng cũng không làm được. Đây là điều mà người lớn chúng ta cần học ở Nhật Nam”.
Chuyên gia tâm lý nói gì?
Trao đổi với phóng viên gia đình bé Nhật Nam không bình luận gì về những ý kiến trái chiều xung quanh clip này. |
Thầy Khắc Hiếu cũng chỉ ra rằng việc cậu kể những thành tích một phần còn để minh chứng cho cuốn sách mới ra đời về phương pháp học tiếng Anh của mình.
Còn trong đoạn trả lời phỏng vấn hình ảnh Nhật Nam hơi ngước lên, nhìn có vẻ “tự cao”; thầy Khắc Hiếu cho rằng em đang trò chuyện với người lớn thì phải nhìn như vậy mới thấy được phóng viên.
Về câu trả lời “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”, thầy Khắc Hiếu nhận xét: “Đây là quan điểm của mẹ Nhật Nam. Vì vậy muốn rõ hàm ý của câu này thì ta nên hỏi mẹ câu bé. Ngoài ra, người ta cố tình quên đi cụm từ “đọc truyện tranh thì đôi lúc cũng có tác dụng” mà em đã nói. Cậu cũng thừa nhận nó có tác dụng tốt, và cả chưa tốt. Bởi biết đâu hàm ý của em là nói về việc nghiện truyện tranh, hoặc những bộ truyện tranh ít lành mạnh đang tràn lan là con sâu đục khoét tâm hồn thật sự”.
Về hành động “ném đá” của rất nhiều người, thầy Khắc Hiếu cho rằng: “Phải đặt mình vào vị trí của Nam và mẹ em, xỏ chân vào giày họ để hiểu hàm ý, ý tốt của họ. Nếu không, chúng ta chính là người nhận định phiến diện chứ không phải là gia đình Nhật Nam”.
Thầy Khắc Hiếu nhận định việc tuổi thơ Nhật Nam có bị đánh mất hay không thì chỉ mình em biết. Có thể học tiếng Anh, dịch sách, là dịch giả, MC là niềm vui tuổi thơ của em. Đâu nhất thiết phải thả diều, bắt dế, đọc truyện tranh thì mới gọi là có tuổi thơ!
“Và điều quan trọng nhất là, người ta sẵn sàng ném đá mà quên rằng cậu chỉ là một cậu bé mới 11 tuổi. Người lớn còn dễ bị tổn thương huống hồ gì là một cậu bé. Góp ý là tốt, nhưng góp ý phải chân thành, ngôn từ phải xây dựng. Không biết những độc giả “lớn tuổi hơn” đó có đang nghĩ rằng mỗi lời ném đá của mình buông ra là một con dao đang giết chết tâm hồn của một nhân tài đang lớn?”, thầy Khắc Hiếu tâm sự.
Xung quanh vấn đề này, thành viên của một diễn đàn đã gửi thư đến bé Nhật Nam. Chúng tôi xin được đăng tải một số chia sẻ trong bức thư này. "Vừa rồi chú có xem video clip khá thú vị về chuyện cháu. Theo như quan sát của chú thì dư luận đang rất quan tâm về cuộc phỏng vấn của cháu, trên báo chí cũng như diễn đàn. Nay chú cũng gửi đến cháu một đôi dòng. Theo dõi bài phỏng vấn của cháu, chú không thấy cháu có vấn đề gì đối với tính khiêm tốn cũng như kiêu căng, kiêu ngạo. Về vấn đề ngoại ngữ thì chú nghĩ, tuổi mới 11 tuổi mà cháu biết tiếng Anh như vậy quả là rất đáng khen. Nhiều người có thể tiếp cận với ngoại ngữ muộn, nhưng nếu có chăm chỉ và có môi trường tốt (trường tốt, sách tốt, chương trình dạy tốt), thì chỉ cần 2-3 năm, họ cũng có thể đạt đến trình độ rất cao đối với 1 ngoại ngữ, đủ 4 kỹ năng nghe nói đọc viết. Nếu giỏi ngoại ngữ từ lúc tuổi nhỏ là điều quá tốt, nhưng không bao giờ là muộn để giỏi 1 ngoại ngữ cả. |
An Hoàng
Theo Infonet