Theo CNN, báo cáo Chỉ số cảm xúc toàn cầu năm 2021 được công bố bởi Gallup cho thấy có đến 40% người trưởng thành phải trải qua cảm xúc tiêu cực vào năm 2020, mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua.
Trong đó, nhóm phụ nữ phải ở nhà làm việc và chăm con nhỏ được xác định chịu nhiều áp lực hơn cả.
190 triệu người bị ảnh hưởng tâm lý
Báo cáo của Gallup được thực hiện trên 160.000 người từ 116 quốc gia/vùng lãnh thổ trong năm 2020 và đầu năm 2021. Trước đó, công ty khảo sát khổng lồ này đã có 15 năm liên tiếp thu thập dữ liệu trên khắp thế giới về cảm xúc tích cực và tiêu cực của con người.
Gallup cho thấy mức độ căng thẳng trong năm 2020 đã gia tăng tại hơn 50% quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát. Đặc biệt, tại 21 quốc gia, tỷ lệ người dân chịu áp lực tâm lý đã tăng ở mức 2 con số.
Điều đó có nghĩa là trong năm 2020, gần 190 triệu người trên toàn thế giới đã phải trải qua những biến cố tâm lý tiêu cực.
Trong giai đoạn đại dịch, người Mỹ gặp phải tình trạng mất ngủ, đau đầu, đau dạ dày và nhiều triệu chứng căng thẳng hơn. Ảnh: Getty. |
Báo cáo của Gallup cho rằng dịch bệnh Covid-19, những ca tử vong và sự suy thoái kinh tế chính là nguyên nhân lớn gây nên sự căng thẳng cho con người.
Jon Clifton, đối tác quản lý toàn cầu của Gallup, viết trong phần mở đầu của báo cáo: "50% người dân kiếm được ít tiền hơn trong giai đoạn dịch bệnh. 80% cho biết Covid-19 ảnh hưởng đến mình theo theo một cách nào đó".
Tuy nhiên, khảo sát cũng lưu ý rằng không phải người dân quốc gia nào cũng phải trải qua căng thẳng trong năm 2020. Peru là quốc gia có mức độ căng thẳng ở mức cao nhất - 66% người được hỏi. Trong khi đó ở Kyrgyzstan, chỉ số này chỉ là 13%.
Tỷ lệ nụ cười thấp nhất từng ghi nhận
Theo CNN, mặc dù cảm xúc tiêu cực gia tăng, nhiều người trên thế giới vẫn thể hiện khả năng phục hồi tâm lý đáng ngạc nhiên.
Kết quả khảo sát từ Gallup cho thấy người dân vẫn tìm được cách để ổn định tâm lý bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch, trừ việc họ đã ít cười hơn.
"Trong năm 2020, chỉ 70% người được khảo sát cho biết vẫn thường xuyên cười. Đây là tỷ lệ thấp nhất chúng tôi ghi nhận được. Trước đó một năm, con số này là 75%", báo cáo của Gallup cho biết.
Nhân viên y tế được xác định chịu nhiều áp lực tâm lý do dịch bệnh. Ảnh: The Guardian. |
Trong năm qua, El Salvador dẫn đầu thế giới về mức độ cảm xúc tích cực, với điểm số là 82. Các nước Mỹ Latinh vẫn chiếm ưu thế về chỉ số này, trong đó Nicaragua, Paraguay và Colombia đều có điểm số cao.
Iceland, Na Uy và Phần Lan - 3 quốc gia Bắc Âu luôn nằm trong top 10 quốc gia hạnh phúc - cũng có điểm số đáng ngưỡng mộ.
Mỹ không nằm trong top 10 quốc gia có mức độ tích cực tâm lý cao. Nhưng các cuộc khảo sát của Gallup được thực hiện tại Mỹ cho thấy từ thời điểm chính phủ tiến hành tiêm vaccine trên diện rộng, cuộc sống của người dân đã tích cực trở lại và đạt mức cao mới trên mọi thời đại.