Nhỏ lẻ nên cho qua?
Một chủ quán cà phê ở chung cư Ngô Tất Tố, phường 19 (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, từ ngày 28 tháng chạp đến nay, người vào quán uống cà phê chủ yếu để đánh bài. Trên một số tuyến đường như Điện Biên Phủ, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Đại lộ Đông Tây… cũng xuất hiện những cảnh sát phạt nhau. “Tết không đánh bài thì làm gì, hên được lộc, còn thua coi như vui xuân” - một tay cờ bạc trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh nói.
Ở những phường vùng ven của quận Cái Răng, TP Cần Thơ, mặc dù đã hết Tết nhưng trong ngày 25/2, nhiều thanh niên vẫn cặp nách những giỏ gà đá tìm bãi đáp. Trong khi đó, tại huyện Cao Lãnh và huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), lực lượng chức năng vừa phá một tụ điểm đánh bạc ăn tiền và một điểm đá gà. Tang vật thu được gồm gần 20 cặp cựa gà và khoảng 10 triệu đồng. Tất cả 19 người tham gia đã bị lập biên bản xử lý hành chính.
Nhiều người tập trung đánh bầu cua trong một lễ hội đua thuyền ở Quảng Nam vào sáng 25/2. |
Tình trạng đánh bạc ở tỉnh Quảng Nam cũng không thua kém khi đi dọc các xã vùng ven không khó để bắt gặp hình ảnh người dân tụm lại đánh bạc với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, tình trạng trên thường xuyên diễn ra ở những lễ hội với số tiền khá lớn.
Sáng 25/2, trên sông Trường Giang (giáp ranh giữa xã Tam Phú và xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) diễn ra hội đua thuyền truyền thống của xã Tam Thăng. Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến hàng chục người từ già đến trẻ sát phạt nhau dưới hình thức bầu cua.
Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam, thừa nhận có tình trạng trên nhưng đa phần nhỏ lẻ. Trong dịp Tết vừa qua, cơ quan công an không xử lý vụ đánh bạc nào lớn.
Sáng 23/2, khắp các làng chài trong xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đi đâu cũng gặp những xới bạc bằng đủ mọi hình thức như xóc đĩa, bầu cua, bài ba lá... Ghé vào một xới bạc có khoảng gần 100 người đang chơi xóc đĩa, chúng tôi nhận thấy có đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ, thậm chí nhiều học sinh cũng tham gia. Trên mặt chiếu, tiền cược được đặt la liệt.
“Nhiều ván nhà cái ăn thua tiền rất lớn. Họ chơi công khai từ ngày này đến ngày khác. Nếu có công an xuất hiện thì lập tức giải tán, hôm sau chơi tiếp” - anh Nguyễn Văn Quang, ngụ tại đây, ngán ngẩm.
Dù nạn cờ bạc nở rộ trong dịp Tết nhưng rất nhiều nơi, chính quyền không xử lý triệt để, gây mất trật tự địa phương. “Nhiều đêm họ đánh đến sáng, cãi vã, la ó ầm ĩ. Thậm chí, các con bạc còn đâm chém nhau khiến người chết, người vào bệnh viện” - một người dân bức xúc.
Đầy rẫy thầy bói
Không chỉ nạn cờ bạc, bói toán mà mê tín dị đoan cũng hoành hành nhiều nơi.
Bán quẻ, xem tay, đoán tướng tại đền Bà Triệu ở tỉnh Thanh Hóa. |
Điển hình là sáng 25/2, dù thời điểm Tết Nguyên đán đã qua nhưng tại cổng chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi vẫn xuất hiện khá đông “thầy”. Những người này mặc trang phục nhà Phật, ngồi trước cổng chùa, khi có khách đi qua thì mời mọc xem bói đầu năm. Hình thức xem bói của “thầy” chủ yếu là bốc lá bài. Sau khi bốc bài xong, “thầy” liền phán những lời thần thánh... và người xem phải trả ít nhất 50.000 đồng/lượt xem.
Tại Đà Nẵng, ngoài việc đi chùa cầu may, không ít người tìm đến một số “thầy” trên các đường Hoàng Diệu, 30 Tháng 4, Trường Chinh... để “biết tương lai của mình ra sao”. “Đa số người đi xem bói không quan tâm việc tốn kém bao nhiêu, có đúng hết hay không, chủ yếu là “thầy” nói gì về tương lai mà ngẫm lại thấy thích hợp là được” - một người đi xem bói nói.
Một địa chỉ xem bói nổi tiếng ở Quảng Nam là nhà “thầy” Hà tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên . “Thầy” Hà chừng 50 tuổi, bói bài. Lúc chúng tôi có mặt, “thầy” đang “bói tình duyên” cho một cô gái khoảng lứa tuổi học cấp 3. Nhìn vào lá bài, “thầy” phán: “Cô và bạn trai hiện rất khắc khẩu, phải qua 3 năm tam tai mới có thể tìm được người tâm đầu ý hợp, nếu cứ cố chấp thì mang đến đau khổ cho cả hai người”. Nghe xong, cô bé buồn bã ra về. Trước khi đi, không quên “kính” thầy 50.000 đồng.
Nhiều người dân cạnh nhà “thầy” Hà cho biết khách hàng đến đây đa phần đều là những bạn trẻ. Nắm được thị hiếu, “thầy” thường vẽ ra các viễn cảnh tươi đẹp hoặc phán những câu sinh ly tử biệt tùy vào hoàn cảnh của từng cặp đôi.
Đến nay, dư luận ở Quảng Nam vẫn chưa hết xôn xao việc chị Lê (36 tuổi, ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) gửi đơn cầu cứu công an vì bị thầy bói bắt phải quan hệ tình dục nhiều tháng liền trong năm 2014. Hay vụ ông Nguyễn Công Hương (45 tuổi, ở huyện Thăng Bình) phải hầu tòa và đang đối mặt với việc mất nhà vì tin lời thầy bói.
Tương tự, tại đền thờ ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), chị Trần Thị Phương (ngụ phường Đông Vĩnh, TP Vinh) bức xúc: “Thấy bảo không đúng không lấy tiền nên mình cùng vào xem. Mình đã có chồng và một con nhưng vừa mới cầm tay, “thầy” đã phán ngay một câu chắc nịch là số cô đường tình duyên lận đận, muốn lấy được chồng phải làm lễ giải hạn.
Rồi không để cho mình kịp nói, “thầy” cứ cao giọng phán liên tiếp khoảng 10 phút. Bực mình, tôi đứng dậy thì “thầy” xin 50.000 đồng tiền công. Thấy vô lý, tôi không trả tiền liền bị “thầy” lớn tiếng với những lời lẽ không hay. Để yên chuyện, tôi phải trả 50.000 đồng mới đi được”.
Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm
Một lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng tệ nạn cờ bạc là vấn đề xã hội, mặt trái trong các lễ hội. “Cờ bạc có ma lực rất lớn vì nó liên quan đến tiền, thứ mà rất nhiều người thích” - vị này nhận định.
Theo vị này, trách nhiệm cụ thể trong việc ngăn chặn nạn cờ bạc ở lễ hội trước hết thuộc về chính quyền địa phương, công an. “Nặng thì có thể truy tố, nhẹ thì phạt hành chính và thông báo về địa phương để giáo dục” - vị này nhấn mạnh.