Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô bé 14 tuổi chống lại tục tảo hôn

Dù mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm và chưa bao giờ đến rạp xem phim, cô bé Ahalya Kumar 14 tuổi vẫn kiên quyết nói không với cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn.

Cô bé 14 tuổi chống lại tục tảo hôn

Dù mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm và chưa bao giờ đến rạp xem phim, cô bé Ahalya Kumar 14 tuổi vẫn kiên quyết nói không với cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn.

Cô bé 14 tuổi chống lại tục tảo hôn

Ngày càng có nhiều cô bé trong các gia đình nghèo ở Ấn Độ phản đối việc kết hôn trước tuổi quy định theo pháp luật.

Là một trong bốn đứa con trong một gia đình túng thiếu, chị gái của Ahalya bị gả đi từ lúc còn nhỏ và buộc phải sinh con trước năm 18 tuổi – tuổi kết hôn hợp pháp tại Ấn Độ. Nhưng khi đến lượt mình, Ahalya nhất quyết nói “không”. “Em muốn được học hành trước đã và sống thật lành mạnh. Chuyện cưới xin cứ chờ đến năm 19 tuổi!”, cô bé chia sẻ.

Ở làng Oldih thuộc Purulia, một trong những vùng nghèo nhất của bang Tây Bengal – cách thủ phủ Kolkata phồn vinh khoảng 300 km, Ahalya phải chật vật chống cự với cái đói và áp lực từ cha mẹ để giữ vững lập trường

Nhưng giờ đây, mọi thứ đang từ từ thay đổi. Chính phủ nước này được các cơ quan viện trợ giúp dựng nên những ngôi trường dành cho lao động trẻ em, giúp chúng nhận thức về quyền phá vỡ một tục lệ phổ biến dù trái pháp luật.

“Nhiều em gái đang dần nói không với lệ tảo hôn”, Anil Gulati – phát ngôn viên cho Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) – phát biểu. Gulati tiết lộ các cô bé trở nên dũng cảm hơn bằng cách động viên nhau và nhờ báo chí loan báo quyền từ chối của mình.

Những gia đình bần cùng thường dùng tục tảo hôn để tống khứ con gái ra khỏi nhà cho bớt miệng ăn, còn luật pháp lại chậm tay trong việc xử lý các trường hợp này. Cha của Ahalya là Nimai tỏ ra hối hận về quyết định của ông: “Tôi đã phạm sai lầm. Giờ tôi muốn con gái mình được học hành tử tế hơn rồi sẽ lập gia đình khi đến tuổi”.

Người truyền cảm hứng và động lực cho Ahalya chính là cô bé 13 tuổi Rekha Kalindi. Tuy vẫn sống trong một túp lều dột nát ở Purulia, nhưng Rekha đã trở thành “sao” khi chống lại tục tảo hôn và được chính Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devisingh Patil khen ngợi.

“Tổng thống rất vui mừng khi biết các cô bé đang đứng lên phản kháng và Rekha Kalindi đã khích lệ các em rất nhiều”, Prosenjit Kundu – một quan chức chính phủ phụ trách việc tiếp xúc và đồng hành với trẻ em vùng Purulia trong cuộc hội nghị tại thủ đô Ấn Độ - thông báo. “Bà nói rằng những em gái này chính là thông điệp về sự thay đổi”.

Kalindi đã chọn cách không trở thành một trong những cô dâu “nhí”, bị định đoạt hôn nhân từ lúc còn rất nhỏ, tại đất nước có 1,1 tỉ dân. Dù số bé gái phải tảo hôn đang giảm xuống, khảo sát mới nhất cho thấy gần một nửa phụ nữ trong độ tuổi 20-24 đã kết hôn trước khi bước qua tuổi 18, hơn 1/5 lấy chồng trước năm 16 tuổi và khoảng 3% làm đám cưới trước tuổi 13.

Thỉnh thoảng, phụ huynh cũng dùng vũ lực để bắt con gái nhỏ cưới chồng và chuyện trở thành bà mẹ trẻ là không thể tránh khỏi. “Trong một số trường hợp, nhiều em chống cự liền bị ba mẹ bỏ đói”, Kundu nói. “Các cô bé không có đủ đồ ăn và tất cả đều là lao động trẻ, nhưng sự cương quyết của chúng khiến chúng tôi ngạc nhiên vô cùng!”.

Những cô dâu trẻ con thường không dùng biện pháp ngừa thai và đang đối mặt với tỷ lệ mang thai cao, việc có bầu không mong muốn và nạn nạo phá thai. Không ít em nằm trong số 78.000 bà mẹ Ấn Độ, theo một báo cáo của UNICEF năm 2009, tử vong mỗi năm trong lúc sinh và do biến chứng thai sản.

Tục tảo hôn cũng lan rộng và được chấp nhận rộng rãi tại bang Rajasthan – nơi những cuộc hành trình vượt sa mạc và cung điện lộng lẫy đang biến nó thành “thỏi nam châm” với du khách nước ngoài.

“Mới đây, hôn lễ của một bé gái tên Babloo ở vùng Jodhpur đã bị các nhân viên xã hội ngăn chặn sau khi họ thuyết phục được cha mẹ em”, Anuradha Maharishi – một quan chức UNICEF – kể lại.

Chuyện của Babloo có thể báo hiệu một khuynh hướng mới đang nổi lên khi khắp Ấn Độ, nạn tảo hôn đang dần dần bị từ chối. Khảo sát của chính phủ Ấn cho biết tỷ lệ 44,5% phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi kết hôn trước tuổi quy định trong giai đoạn 2005-2006 đã giảm xuống so với 54,2% vào thời kỳ 1992-1993.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một phản ứng tích cực”, Kundu nói về quan điểm của xã hội đối với những cô bé can đảm chống lại hủ tục. “Nếu biết bạn bè đồng lứa và cũng có xuất thân nghèo khó như mình đang nói ‘không’ với lệ tảo hôn, các em gái ở những vùng khác cũng sẽ đứng lên và nói ra suy nghĩ của mình!”

Ty

Theo Bưu điện Việt Nam

Theo China Daily

Bạn có thể quan tâm