Đến nhà chú Lê Thanh Hải - cô Trần Thị Hiền ở đội 1, thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình khó ai có thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy con gái của họ là Lê Thị Mỹ Hòa, 17 tuổi. Thân hình em chỉ dài chừng 80cm, chân tay quắt lại vì bị bại liệt. Dù thân hình bị tàn tật đặc biệt nhưng Hòa vẫn quyết tâm xin được đi học.
Thầy giáo Phạm Văn Hiệu, giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy, vẫn không thể nào quên được cuộc điện thoại bất ngờ vào một chiều tháng 8/2008, ở đầu dây bên kia một giọng nói nhỏ nhẹ, tha thiết: “Thầy ơi! Xin thầy cho em được đi học”. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai thầy trò càng khiến thầy Hiệu hiểu rằng: cô bé này có một nghị lực không gì lay chuyển được.
17 tuổi rồi mà Mỹ Hòa vẫn giống như trẻ sơ sinh. |
Đầu năm học 2008-2009, trung tâm bố trí cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan đến trực tiếp dạy cho Hòa tại gia đình mỗi tuần một buổi. Hòa phải nằm nhìn nghiêng trên chiếc bàn hoặc dưới sàn nhà, phải mất nhiều thời gian cánh tay phải của Hòa mới cầm được bút, tập viết. Viết được tròn chữ đã khó, để chúng theo sự chỉ đạo của bàn tay ngay hàng thẳng lối càng khó khăn, vất vả hơn.
Đến năm học thứ hai, mỗi tuần hai ngày bố mẹ chở Hòa đến tận trường học chung với chúng bạn. Cô giáo Phan Thị Loan đặc cách cho Hòa nằm ngay trên bàn dạy học của cô. Hòa học chữ rồi học làm toán, dần dần tiếp cận được với tất cả môn học trong chương trình tiểu học dành cho học sinh bình thường.
Theo đánh giá của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, Hòa là học sinh giàu chí tiến thủ. Năm học 2011-2012 kết thúc, Hòa thừa điểm để lên lớp 5 nhưng chính Hòa xin thầy Hiệu cho được học lại thêm một năm lớp 4 vì theo suy nghĩ của Hòa: “Chương trình lớp 4 khó lắm, Hòa muốn học thêm năm nữa để nắm được kiến thức chắc chắn hơn”.