Cô bé giàu nghị lực ấy là em Lý Thị Ly (lớp 6C trường THCS Hoàng Văn Thụ, Đắk Nông).
Bi kịch dồn dập
Ông Lý Văn Đông - bố Ly (thôn Tân Lợi, xã Đăk Gằn, Đăk Mil) - cho biết năm 2005 vợ ông mất vì bệnh ung thư. Để chữa bệnh cho vợ, ông đã bán hết tài sản, ruộng vườn nhưng cũng không cứu được. Vợ mất, ông bán nốt những gì còn lại để trả nợ ngân hàng rồi đưa hai con vào huyện Đăk Mil ở nhờ nhà anh trai, ông đi làm thuê nuôi các con ăn học...
Thế nhưng không bao lâu sau anh trai ông vỡ nợ, gia đình ly tán, ông phải đi thuê nhà trọ. Tiền làm thuê của ông tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho hai con đến trường. Vậy mà bi kịch vẫn cứ bám lấy gia đình ông, năm 2010 sau một cơn tai biến, nửa người bên phải của ông mất cảm giác, cử động rất khó khăn.
“Không còn khả năng lao động, mọi việc trong gia đình đều trông cậy vào con nhỏ, tôi rất khổ tâm”, ông Đông tâm sự.
Em Lý Thị Ly đi mót cao su. |
Do không có tiền thuê nhà, thấy một ngôi nhà nhỏ bỏ không sát quốc lộ 14, ông Đông đến xin người chủ dọn về sống được khoảng nửa năm nay. Gần đây ông nhận trông coi trâu, bò cho thương lái, hằng tháng được 1 triệu đồng. Riêng Ly cứ hết giờ học lại đi mót cao su, cà phê, bắp, lúa (tùy mùa vụ) để kiếm mỗi ngày khoảng 20.000 đồng mua gạo, thức ăn cho ba bố con.
Mong được đi học
11h45, vừa đi học về, Ly cầm một bịch bóng, một can nhựa 2 lít đi bộ khoảng 3km qua nhiều đồi dốc để đến lô cao su mót những giọt mủ sót lại. Ly cho biết từ sáng sớm các công nhân của công ty cao su đã cạo mủ và thu hoạch xong, nhưng mủ cao su còn sót lại vẫn chảy vào bát hoặc dính cục trên cây. Công việc của em là đi từng cây cao su mót những giọt mủ cao su còn sót lại này. Từ 1-3h chiều, Ly mót được 2-3kg mủ cao su, mỗi ký bán được hơn 10.000 đồng.
“Nếu đi sớm hơn em sẽ mót được nhiều hơn, nhưng giờ đó em phải đi học nên mỗi ngày chỉ kiếm được 20.000-30.000 đồng, đủ để mua gạo và một chút đồ ăn cho ba bố con. Nếu ngày nào có em trai đi phụ, hai chị em kiếm được khoảng 50.000 đồng”.
Suốt ba năm nay, bất kể nắng hay mưa, ngày nào Ly và em trai đều đi mót, nhặt lại các loại quả, mủ cao su... của người dân để sót lại sau thu hoạch. Sau đó, Ly đi bộ lên quốc lộ 14 bán rồi mua rau, cá khô về nhà nấu cơm... Khi mọi việc đã xong, Ly mới ngồi vào bàn học.
“Em ước mình không bao giờ ốm, ngày nào cũng có thể đi mót cao su để kiếm tiền, có cơm ăn, được đi học” - Ly tâm sự về mơ ước giản dị của mình.
Cô Nguyễn Thị Thanh, hiệu phó trường THCS Hoàng Văn Thụ, kể cuối tháng 7/2013, cô thấy một bác đưa bộ hồ sơ của em Ly đến trường xin nhập học nhưng không có tiền. Bác ấy nói mình là hàng xóm của cháu Ly, bố bị đau không đi được mà cũng chưa có tiền nên cứ nấn ná chưa nhập học cho con. Thấy sắp hết hạn nộp hồ sơ nên bác ấy dẫn cháu đến để nói với nhà trường, có cách gì giúp cháu đi học. “Hỏi thêm cô giáo hiệu trưởng trường tiểu học nơi em Ly theo học thì được biết hoàn cảnh gia đình em rất đáng thương. Dù rất vất vả nhưng suốt năm năm liền em đều là học sinh tiên tiến. Điểm học kỳ I ở lớp 6 cho thấy học lực của Ly cũng rất khá dù phần lớn thời gian ở nhà của em là lao động kiếm sống”, cô Thanh cho biết thêm.
Vượt lên bệnh tật để đến trường
Đầu năm 2010, đang học lớp 11 thì Nguyễn Hữu Phúc (19 tuổi, học sinh lớp 12A6 trường THPT Phan Chu Trinh, Cư Jut, Đăk Nông) phải nghỉ học để nhập viện vì bệnh bạch cầu lympho cấp. Căn bệnh ung thư máu đã khiến Phúc gầy rạc, xanh xao vì phải xạ trị liên tục nên không thể đến trường. Gia đình Phúc phải chạy vạy khắp nơi, bán bớt vườn rẫy để đưa con vào TP.HCM chữa trị. Sau hai đợt hóa trị, mất rất nhiều tiền, gia đình Phúc hết khả năng nên đưa con về. Các bác sĩ dặn mỗi tháng phải đưa Phúc xuống bệnh viện để được tiêm thuốc ngăn bệnh phát triển. Nằm điều trị ở nhà, dù sức khỏe rất yếu nhưng Phúc vẫn xin bố mẹ cho đi học, Phúc học lại lớp 11 đang học dở sau hai năm gián đoạn.
“Ngày nào em cũng phải uống thuốc, mỗi tháng phải đi điều trị tại TP.HCM một lần. Nhưng em muốn được đi học dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế, sức khỏe. Đến trường, được học tập, gặp bạn bè em thấy vui hơn”, Phúc tâm sự. Ông Nguyễn Văn Đức (bố Phúc) cho biết: “Để chữa trị cho con, gia đình tôi đã dốc hết tài sản và hiện đang tiếp tục trả nợ. Gia đình khó khăn, sức khỏe cháu rất yếu nhưng cháu mong muốn được đi học và học rất khá. Tôi mong việc học sẽ giúp con có niềm vui để chống chọi bệnh tật”.