Sáng 22/4, TAND TP.HCM mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội Vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư của bị cáo Phong vắng mặt. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy việc vắng mặt trên không ảnh hưởng đến phiên tòa, cùng với việc bị cáo Phong không đề nghị hoãn như lần trước nên phiên xử diễn ra như dự kiến.
Đề nghị công ty cho thuê xe chịu trách nhiệm liên đới
HĐXX triệu tập 8 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó có Công ty TNHH Thương mại Du lịch Vận tải Khang Gia và Công ty Fumita, 2 đơn vị liên kết cho bị cáo Phong thuê xe Mercedes.
Chị Hường đã yêu cầu kê biên căn hộ của Phong. Ảnh: Chí Hùng. |
Tại phiên tòa, Nguyễn Thị Bích Hường cho biết hơn một năm qua, chị phải tốn nhiều công sức đấu tranh nhưng chưa đòi lại được công bằng. Trong khi đó, gia đình bị cáo đã giúp Phong làm thủ tục sang tên căn nhà, tẩu tán tài sản.
“Tôi yêu cầu HĐXX hủy thủ tục sang tên căn hộ của Phong, kê biên tài sản này để đảm bảo lợi ích cho các bị hại. Đồng thời, tòa tăng hình phạt cho bị cáo. Các bên liên quan cho thuê xe cũng phải chịu trách nhiệm vụ việc”, chị Hường nói.
Bên cạnh đó, người đại diện lợi ích cho ông Lê Mạnh Thường, tài xế GrabBike (đã chết), cho biết HĐXX cần tăng trách nhiệm hình sự với bị cáo Phong vì bản án sơ thẩm tuyên 7 năm 6 tháng tù là quá nhẹ.
Chạy xe tốc độ để thể hiện với các cô gái?
Tại tòa, bị cáo Phong khai không có bằng lái ôtô. Phong nói đang học và chưa thi lấy bằng.
Hôm xảy ra tai nạn, Phong định chở 2 cô gái mới quen đi Phan Thiết du lịch. Trong xe lúc này còn có đôi nam nữ khác đi nhờ về TP Thủ Đức.
Lúc chạy xe trên đường Hồng Hà, Phong chạy quá tốc độ, lấn sang làn đường ngược lại và tông vào xe máy của tài xế GrabBike chở chị Hường. Vụ tai nạn làm tài xế xe ôm công nghệ tử vong, chị Hường bị thương nặng.
Chủ tọa hỏi Phong lý do không giảm tốc độ khi tới đường cong. Ảnh: Chí Hùng. |
Trả lời HĐXX lý do gây tai nạn, Phong cho rằng bản thân không làm chủ tốc độ ở khúc đường cong.
“Vì sao tới đường cong, bị cáo không giảm tốc độ mà chạy tới 84 km/h? Có các cô gái ngồi sau nên bị cáo muốn thể hiện? Có phải ý đó không?”, HĐXX hỏi bị cáo Phong.
Trước những câu hỏi này của HĐXX, bị cáo Phong ấp úng, không đưa ra được câu trả lời.
Sau đó, HĐXX hỏi bị cáo Phong đã làm gì sau tai nạn? Bị cáo Phong khai đã gọi cấp cứu, sau đó bỏ đi Phan Thiết. Khi nghe tài xế xe ôm công nghệ tử vong, Phong bỏ lên Đà Lạt trước khi được mẹ động viên ra đầu thú.
Nói về căn hộ ở quận Tân Bình, Phong cho biết bị cáo đứng tên mua giúp mẹ. Phong đứng tên làm chủ căn nhà vì mẹ thiếu một số giấy tờ tùy thân.
“Khi nghe mẹ nói bị cáo sang tên căn nhà để khắc phục hậu quả nên bị cáo đã đồng ý và ký tên”, Phong nói.
Căn hộ của mẹ bị cáo Phong?
Còn bà Trần Hoàng My (mẹ bị cáo Phong) cho biết căn hộ trên là do bà mua. Lúc đó, cha của bà mất và bà được thừa kế số tiền hơn 800 triệu đồng. Người phụ nữ mượn thêm của người thân và mua căn nhà trên với giá 1,4 tỷ. Căn hộ trên đã trả đủ tiền cho chủ đầu tư nhưng chưa có sổ hồng.
“Tôi không có chứng minh, hộ khẩu và giấy tờ tùy thân nên để con trai đứng tên hợp đồng mua bán”, bà My nói.
Phong khai bị cáo đứng tên căn hộ cho mẹ. Ảnh: Chí Hùng. |
Đại diện Công ty TNHH Nhà Mơ (chủ đầu tư căn hộ của Phong) xác nhận Phong mua lại căn hộ từ một cặp vợ chồng 3 năm trước. Căn hộ chưa có số hồng là do cư dân ở tại dự án chưa đủ. Phía công ty đang hỗ trợ cấp sổ hồng cho công dân nhưng thủ tục đang bị kéo dài.
Công ty đang làm bản vẽ các căn hộ để trình văn phòng đăng ký đất đai nghiệm thu, cấp sổ hồng. Toàn bộ căn hộ được đo đạc xong thì chủ đầu tư sẽ làm thủ tục.
HĐXX yêu cầu chủ đầu tư hợp tác, hoàn tất thủ tục nhà đất để chia sẻ lợi ích của các bị hại trong vụ án.