Trong số 394 ứng viên được các Hội đồng GS ngành/liên ngành thông qua gửi lên Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm nay, có không ít bài báo công bố quốc tế trong hồ sơ khoa học khiến dư luận không khỏi băn khoăn đặt vấn đề: Phải chăng ứng viên chỉ có nhu cầu về công bố quốc tế để sao cho đủ điều kiện đăng ký hồ sơ xét tiêu chuẩn GS, PGS, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu tự thân nghiên cứu của nhà khoa học.
Một ứng viên PGS ngành Luật học đã có bằng tiến sĩ từ năm 2015. Hồ sơ khoa học của ứng viên này có 5/41 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.
Trong đó, 1 bài trên tạp chí quốc tế năm 2012; 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục SCOPUS - là cơ sở dữ liệu chỉ mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học và thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) - nhưng đã bị loại (năm 2020); 3 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI (Institute for Scientific Information, Viện Thông tin Khoa học, Mỹ) hoặc SCOPUS trong tháng 5-6 vừa qua.
Nhà khoa học bị chi phối bởi cơ chế, chính sách. |
Hay ứng viên T.H. ngành Ngôn ngữ học có 27 bài báo khoa học đăng tạp chí và bài tham luận khoa học đăng Hội thảo khoa học từ 2011-2021. Trong đó các công trình được đăng tập trung hầu hết ở năm 2021, 2022.
Đặc biệt, ứng viên này có 4 công trình đăng trên danh mục ISI/SCOPUS đều nằm trong khoảng thời gian này dù có bằng tiến sĩ từ năm 2015; Đồng thời có 2/4 bài không liên quan đến ngành Ngôn ngữ học.
Vừa qua, báo chí cũng phản ánh năm 2021, TS V.M.H. của ĐH Văn Lang công bố hơn 40 bài báo trên các tạp chí khoa học nước ngoài (trung bình gần 4 bài/tháng). Con số này ở năm 2020 là hơn 20 bài. Đáng chú ý nhiều bài đăng trên các tạp chí mạo danh.
Mặc dù số lượng bài báo rất nhiều, chỉ số trích dẫn các bài báo của vị tiến sĩ này khá thấp. 30/40 bài được đăng năm 2021 không có trích dẫn nào. Ngoài viết các vấn đề về Việt Nam, vị tiến sĩ này viết nhiều bài báo về các vấn đề ở Nigeria, Ghana.
TS H. đứng tên riêng trong bài báo với tiêu đề tạm dịch “Phân tích tính thanh khoản, rủi ro tín dụng và tiền gửi ngân hàng - khả năng sinh lời ở Nigeria”. Ngoài bài này, ông còn có một số bài báo khác về Nigeria như “Những thách thức của đại dịch COVID-19: Tình trạng thất nghiệp của thanh niên ở Nigeria” đứng tên chung với nhiều người khác.
Từ cơ sở dữ liệu của google scholar, hầu hết bài báo TS H. viết chung với một nhóm người. Trong đó một vài tác giả ở các trường đại học của Nga, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan.
Động cơ công bố quốc tế
Thực trạng hiện nay cho thấy một số cơ sở giáo dục đại học lọt vào các bảng xếp hạng đại học trên thế giới nhưng “thương hiệu” ở Việt Nam lại ở mức trung bình. Thậm chí, điểm chuẩn đầu vào xét tuyển đại học còn bị Bộ GD&ĐT đánh giá là thấp.
Vấn đề mua bán bài báo tại một số trường đại học của Việt Nam đã được báo chí đề cập. Bộ GD&ĐT cũng từng chỉ ra tình trạng cán bộ 3 không: Không thực hiện hợp tác nghiên cứu, không hướng dẫn học viên sau đại học và không tham gia hoạt động chuyên môn của trường.
Theo GS. TS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, tình trạng chạy theo số lượng bài báo quốc tế có nguyên nhân từ cơ chế chính sách chưa hợp lý, vì thế sẽ sản sinh ra các sản phẩm kém chất lượng.
GS Phùng Hồ Hải cho rằng với cá nhân, công bố bài báo quốc tế có động lực để thăng hạng trong chức danh và thăng hạng trong công việc; còn động lực của các nhà quản lý là các bảng xếp hạng đại học.
Hai động cơ này cơ bản tách biệt nhưng cũng có sự giao thoa. Mục tiêu lọt top bảng xếp hạng có thể sẽ xảy ra vấn nạn mua bán bài báo khoa học hoặc lôi kéo các nhà khoa học trong và ngoài nước viết bài đứng tên trường như thời gian vừa qua. Nhưng yêu cầu với những bài báo để phục vụ mục tiêu này ở tầm chất lượng cao.
“Còn đối với việc xét công nhận chức danh GS, PGS, phân khúc thấp hơn, tạp chí có vẻ “rởm” nhiều hơn”, GS Phùng Hồ Hải đánh giá.
Ông cũng thông tin đã đọc một bài báo công bố quốc tế của một ứng viên PGS năm nay và cảm thấy “xấu hổ vì sự ngô nghê, chưa xứng tầm báo cáo công việc trong cơ quan, chứ chưa nói đến đăng tạp chí trong nước và cao hơn là đăng trên tạp chí quốc tế”.
“Thực sự đọc bài báo thấy xấu hổ cho cộng đồng khoa học Việt Nam. Vì nó được dùng để xét GS, PGS , vốn là những địa vị cao nhất trong cộng đồng khoa học”, GS Phùng Hồ Hải bức xúc.
Cũng theo GS Phùng Hồ Hải, chưa thể đánh giá được hậu quả của thực trạng này sẽ đi đến đâu nhưng nó đã phơi bày bộ mặt chưa đẹp của khoa học Việt Nam và quan trọng nhất là ảnh hưởng đến suy nghĩ của lớp trẻ.
“Lớp trẻ mất phương hướng trong việc thế nào là làm khoa học, mục đích của khoa học là gì? Có lẽ cần phải nhìn lại quy định tiêu chuẩn cán bộ của Việt Nam. Vì sao cán bộ cần nhiều bằng cấp, có phục vụ cho công việc quản lý không?”, GS Phùng Hồ Hải băn khoăn, đồng thời khẳng định không nên phê phán cá nhân nhà khoa học vì cơ chế chi phối nhà khoa học nên mới tạo ra những người làm “rởm”.
Còn GS. TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cho hay muốn ngăn chặn tình trạng công bố bài báo quốc tế trong các tạp chí “rởm”, dư luận cần lên tiếng mỗi khi phát hiện ra những người công bố trong những tạp chí này.
Các cơ sở giáo dục ĐH khi thường công bố quốc tế cần thành lập hội đồng tư vấn có sự tham gia của các nhà khoa học uy tín để đánh giá độ tin cậy của tạp chí được sử dụng để đăng.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.