Tương lai vẫn là một ẩn số
Anh Ba Minh (Cà Mau) nổi tiếng khắp vùng từ ngày cậu con trai bỗng nhiên biết đọc báo, làm toán dù mới ba tuổi. Sự phát lộ tài năng bất ngờ của cháu khiến gia đình anh xáo trộn. Con trai đầu của anh (học lớp 1) trở nên lo lắng, căng thẳng vì lúc nào cũng bị người lớn so sánh với em mình. Vợ anh thì mệt mỏi vì đi cúng vái, cầu trời khẩn Phật cho cháu giỏi giang, mai này thành tài và không có “biến chứng” gì. Còn anh ngưng việc bán tôm giống để ở nhà tiếp khách là bà con thân thuộc, người lạ hiếu kỳ và cả phóng viên báo đài… Nhiều lúc anh thấy lo lắng khi tự dưng con chỉ ngồi lặng im, năn nỉ cách nào cháu cũng không nói.
Anh càng lo lắng thì cháu lại càng tỏ ra căng thẳng. Khi đưa cháu đến gặp chuyên gia tâm lý thì sự thể lại càng buồn: cháu có chút tự kỷ nhẹ, cần can thiệp để hòa nhập. Mong mỏi con trai trở thành "người tài xuất chúng" là quãng đường còn quá xa…
Chị Thúy (TP.HCM) cũng có đứa con thần đồng. Bé Thủy mấy ngày qua tự dưng nói chuyện như người lớn. Mới bốn tuổi, cháu đã thuộc vài trăm đoạn quảng cáo trên truyền hình, đọc như phát thanh viên. Đó là chưa kể cháu có thể ngâm nga những bài thơ mà người lớn cũng phải “vặn não” mới nhớ nổi. Thấy cháu giỏi như thần, chị Thúy thử tập cháu viết chữ. Chỉ sau vài ngày là cháu thành thạo một cách đáng ngạc nhiên.
Chị bắt đầu nghĩ, có người hâm mộ con mình thì tại sao mình lại không đầu tư? Ai muốn thưởng thức tài năng của thần đồng đều phải... nộp phí. Chị không ra giá, chỉ khéo léo gợi ý. Khi “khán giả” không đưa quà hoặc bồi dưỡng quá “bèo”, mẹ con chị bất mãn ra mặt. Một lần nhờ chuyên gia tư vấn, giúp đỡ vì bé Thủy càng lúc càng có biểu hiện khó chịu, đỏng đảnh, chị Thúy mới ngã ngửa khi biết con gái “có dấu hiệu lệ thuộc chú ý vào những đối tượng quen thuộc, khả năng duy trì chú ý không quá tốt”.
Cháu sớm hơn người chỉ vì hàng ngày, ông ngoại đã dạy cháu hát, thơ, chuyện kể và cả con số từ năm lên một tuổi. Điều đáng lo là cháu rất hạn chế thu nhận thông tin từ người khác - không phải ông ngoại.
Hiểu đúng và đừng kỳ vọng
Xét về mặt phát triển tự nhiên, mỗi trẻ có thể phát lộ một khả năng nào đó sớm. Điều này không đồng nghĩa với việc trẻ có năng khiếu vượt trội trong lĩnh vực đó, cũng không có nghĩa biểu hiện ấy hoàn toàn ổn định và vững bền. Nó có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ngay cả trường hợp được phát hiện sớm, tác động đúng hướng cũng không duy trì hay đẩy tài năng lên đến đỉnh cao.
Đừng nhầm tưởng rằng trẻ em có những biểu hiện phát triển về một năng lực nào đó như đọc, viết, tính toán nghĩa là trẻ phi thường. Ảo tưởng về sức mạnh của con mình là một trong những vấn đề “bất thường” và khá nguy hại ở phụ huynh, dễ dẫn đến sự phát triển của con trẻ bị bóp méo, nhân cách bị lệch lạc.
Thực chất, trẻ em nào rồi cũng sẽ biết đọc, biết viết và làm toán - nếu nhận được sự tác động giáo dục phù hợp. Bất kỳ sự tác động hay mong đợi quá mức của người lớn sẽ là sự kỳ vọng quá đáng, khiến trẻ chịu nhiều áp lực, căng thẳng. Trẻ cần được sống trong một môi trường an toàn, trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, cần được chia sẻ, an ủi, vỗ về như bao trẻ khác.
Sự khai thác thái quá đối với trẻ, sự dồn ép hay đẩy trẻ lên quá mức so với độ tuổi không tuân thủ theo hoạt động chủ đạo của trẻ chỉ làm cho trẻ đánh mất tuổi thơ, khiến trẻ cảm nhận cuộc sống với những suy nghĩ khá tiêu cực. Mặt khác, “cuồng vọng” về con khiến cho mỗi người lớn càng thêm mệt mỏi, hụt hẫng.
Khi phát hiện con mình khôn sớm, phụ huynh cần quan tâm nhiều đến sự bình thường về tính cách, ứng xử thay vì vội vui mừng thái quá; cần nhìn theo một hướng mới với sự cẩn trọng, nghiêm túc. Cha mẹ cần đồng hành cùng con để con phát triển, giữ mãi sự ngây thơ, trong sáng ở trẻ. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng liên lạc với cơ quan có chuyên môn hay chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu để có những đánh giá sơ bộ và định hướng bồi dưỡng hợp lý.
Phụ huynh cần thật bình tĩnh để phát triển con toàn diện thay vì cứ tập trung khai thác quá mức một khả năng của con mình. Song song đó, cần chú ý đến đặc điểm lứa tuổi của trẻ như: trẻ mẫu giáo là hoạt động vui chơi, trẻ cấp một, học vừa sức và giản đơn. Ngoài ra, cần hiểu rằng sự phát triển của trẻ là đường dài, đừng quá tập trung vào một hai biểu hiện, đừng quá “công kênh” con mình hay cho rằng con mình là số một khiến trẻ tự kiêu, tự mãn và sẽ không gượng dậy nếu vấp ngã, thất bại. Hãy hỗ trợ trẻ chuẩn bị về thể lực, sự hiểu biết các kiến thức giản đơn thay vì nhồi ép, đồng thời nên hướng trẻ khám phá thế giới. Nên yêu cầu trẻ trải nghiệm thay vì cứ hướng trẻ theo thế mạnh của trẻ, giúp trẻ mở mang tầm mắt để không ỷ lại, chủ quan hay huyễn hoặc về mình.