Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô dâu 10 tuổi

Ba hôm sau khi cậu bé ngỏ lời, cha mẹ Cướng qua nhà Liêng thưa chuyện. Đám cưới nhỏ vẫn tổ chức dù chính quyền can ngăn.

Khi trẻ con thành vợ chồng

Câu chuyện tưởng như đùa nhưng có thật vừa xảy ra ở thôn Sông Cạn Trung (Cam Thịnh Tây, Cam Ranh, Khánh Hòa). Khoảng giữa tháng 8, đám cưới của hai gia đình chú rể Mang Cướng (15 tuổi) và cô dâu Thị Liêng (10 tuổi) khiến chính quyền xã đau đầu. Đoàn thể đến tận nơi tuyên truyền, vận động nhưng đám cưới vẫn được tiến hành. 

Ông Nguyễn Hữu Tọa, Bí thư xã Cam Thịnh Tây, cho biết: “Khi đám cưới đang tổ chức, chính quyền địa phương biết được thông tin nên đến can ngăn. Dù vậy, hai bên gia đình vẫn nhất quyết tổ chức cho con trẻ. Chúng tôi cũng không biết làm gì hơn. Bây giờ chỉ còn biết vận động hai cháu đến trạm xá để được tư vấn phòng tránh thai, đợi khi đủ tuổi sinh nở mới có con để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Chúng tôi tìm đến nhà cha mẹ Thị Liêng, phía trước cửa, dòng chữ “Trăm năm hạnh phúc” dán trên tường vẫn còn mới tinh. Bà Thị Bền (40 tuổi, mẹ Thị Liêng) cho biết, vợ chồng trẻ vừa đi chơi nhà hàng xóm. Sau đó, bà gọi vợ chồng Thị Liêng về. 

Một lát sau, đôi trẻ bắng nhắng chạy vào nhà. Chưa kịp hỏi câu, Mang Cướng bảo: “Mẹ với em Liêng ngồi đi, con đi làm cái ná với mấy thằng để chiều đi bắn chim chơi”, rồi chạy một hơi trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi.

Có chồng khi 10 tuổi, Liêng vẫn chưa biết vá áo.

Bà Bền tâm sự: “Nhà tôi có hai con gái. Chị của Liêng đi làm rẫy đến chiều tối mới về. Bố nó chết gần một năm rồi nên trong nhà không có đàn ông. Từ ngày Liêng lấy chồng thì vợ chồng nó ở đây, nhưng tụi nó không biết làm gì, chỉ đi chơi. Lâu lâu thằng Cướng cũng phụ tôi đi rẫy, rồi nản nên ở nhà. Chú thấy đấy, cái áo rách mà con Liêng chưa vá được, tôi phải làm cho nó mặc”. 

Gia đình bà thuộc dạng nghèo cùng đinh ở làng. Hai vợ chồng làm không đủ nuôi bốn miệng ăn của gia đình. Tai họa ập đến trong lần chồng bà đi rẫy bị rắn độc cắn rồi chết. Từ ngày đó, bà một phần làm lụng lo cho con, thế nên đau ốm liên miên. Cô con gái lớn thấy mẹ khổ nên phụ đi rẫy. Cô giờ là lao động chính của gia đình.

Những lần bà Bền và con gái lớn đi rẫy, Liêng ở nhà một mình và không biết từ khi nào, Cướng ở cách đó chục nóc nhà, thường tới rủ cô em nhỏ chơi trò ô ăn quan. Một buổi chiều đầu tháng 8, trong lúc chơi trò trẻ con, Cướng nắm tay Liêng rồi bảo: “Anh yêu em. Để anh về nói với cha mẹ anh tới nhà hỏi cưới em cho anh nhé”. Liêng không nói gì, chỉ mỉm cười rồi gật đầu. 

Tối hôm đó, Liêng kể lại câu chuyện lúc chiều cho mẹ và chị gái nghe. Nghe xong, bà Bền bảo: “Chị mày chưa có chồng nhưng mày muốn lấy chồng thì tao gả chứ biết sao. Thôi thì mày cứ lấy đi, chứ như chị mày thì ế mất. Mày bảo bên ấy qua đây, rồi tổ chức đám cưới”. 

Ba hôm sau, cha mẹ Cướng qua nhà Liêng thưa chuyện, rồi sau đó một đám cưới nhỏ được tổ chức. Đôi trẻ con hàng ngày vẫn chơi trò ô ăn quan nên vợ nên chồng trong sự ngỡ ngàng của bản làng và trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

Liêng cho biết: “Nhà chồng em cũng nghèo lắm, giống như nhà em vậy. Em về bên ấy mấy lần nhưng không biết làm gì nên cha mẹ bảo sang nhà em ở, làm được cái gì thì làm. Tuy nhiên, chúng em không làm được làm gì”. 

Thấy khách hỏi: “Em có chồng sớm thế này thì việc sinh con đẻ cái như thế nào?”, Liêng chỉ cười. Trong khi đó, người mẹ ngồi cạnh cũng tủm tỉm cười: “Nó chưa thành người lớn, làm sao có con. Nó cũng chưa đến tuổi dậy thì. Nhìn nó to vậy nhưng mới 10 tuổi, nếu đi học thì mới học lớp 5, có con thì làm sao biết chăm sóc”. 

Làm mẹ khi còn trẻ con

Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà em Mấu Thị Kim Phượng (14 tuổi, ở thôn Thịnh Sơn). Kim Phượng lấy chồng năm 13 tuổi, giờ là mẹ của đứa con 3 tháng tuổi. Lúc chúng tôi đến, Phượng đang hát đưa con ngủ.

Thấy có khách, Phượng lật đật ngồi dậy cột lại mớ tóc rối. Đứa trẻ bị đặt xuống đột ngột nên khóc thét, đôi bàn tay trẻ con của Phượng luống cuống ẵm con, vụng về cho con bú. Do không biết cách ẵm, cách cho bú nên đứa trẻ cứ ằng ặc khóc, Phượng đành đưa mắt cầu cứu bà ngoại. Nằm trên đôi tay, nghe tiếng hát ru của bà, đứa trẻ mới thôi khóc. 

Khuôn mặt vẫn còn đầy nét trẻ con, Phượng hồn nhiên cho biết: “Em không nhớ đám cưới mình tổ chức tháng nào, chỉ nhớ năm ngoái khi đang học dở lớp 8 thì em nghỉ học để lấy chồng. Chồng em là Mang Sưa năm nay 17 tuổi ở thôn Sông Cạn Trung. Gặp nhau vài lần, ưng bụng nên tụi em xin cha mẹ cho cưới. Cưới xong, chồng theo cha mẹ lên rừng phát rẫy trồng bắp, khi nào con lớn, em cũng theo chồng lên rẫy làm”.

Làm mẹ ở tuổi 14 nên Phượng trông già hơn so với các bạn cùng lứa. Chúng tôi hỏi Phượng có buồn khi giờ này các bạn cắp sách đến trường, còn mình ở nhà trông con. Phượng cười hồn nhiên cho biết: “Em không buồn vì không thích đi học, còn chăm em bé thì nhờ mẹ, dì gần nhà”. Nói rồi, cô bé đứng dậy sang nhà hàng xóm chơi với mấy người bạn. 

Phượng và Sưa cưới nhau, không tiền, không của cải, 2 vợ chồng phải ở nhờ nhà cha mẹ. Để có cái ăn, hàng ngày Sưa đi làm thuê, làm mướn, bữa nào nghỉ làm thì lên rẫy tỉa bắp cùng bố mẹ, riêng Phượng thì ở nhà chăm con. Bữa cơm chính của Phượng là tô cơm ăn kèm với vài lát đu đủ luộc. Hỏi ăn như thế lấy sữa đâu cho con bú? Mẹ Phượng cho biết: “Không có sữa cho con bú cũng phải chịu. Nhà nghèo làm gì có tiền mà ăn đầy đủ. Phải chấp nhận nuôi con, nuôi cháu như vậy thôi”.

Đi kèm với nạn tảo hôn là tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày. Nhiều gia đình ở đây, bố mẹ mới ngoài 20 tuổi đã có ba, bốn đứa con, nên thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ không được học hành, chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế và tinh thần.

Bà Cao Thị Kim Dung, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xã Cam Thịnh Tây, cho biết: “Hiện nay, công tác tuyên truyền vận động đồng bào Raglai về vấn đề tảo hôn đang gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm, địa phương mở 1 đợt tuyên truyền về dân số. Đối với các hoạt động của chi hội phụ nữ xã thì 3 tháng tổ chức 1 lần, nhưng do nhận thức của người dân còn kém nên không có hiệu quả. Khi sự việc tảo hôn xảy ra, việc phát hiện đều rất muộn. Trong khi đó, sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức hội từ xã đến thôn, bản vẫn còn hời hợt, ngại va chạm. Vì vậy, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã đang là mối lo của chính quyền địa phương”.

Thư gửi con của nữ sinh trường Báo lấy chồng năm 19 tuổi

"Tuổi 20, mẹ tạm gác mọi cuộc vui, bỏ qua những khát khao còn dang dở. Khi con cất tiếng khóc chào đời, mẹ nhận ra rằng thế giới của mẹ là con", Thanh Hiền viết.

http://www.anninhthudo.vn/phong-su/co-dau10-tuoi/604600.antd

Theo Cẩm Ngọc/Báo An Ninh Thủ Đô

Bạn có thể quan tâm