Mới đây, màn nhảy vui nhộn cùng bạn bè của đôi uyên ương Bình Phước tại đám cưới gây chú ý trên mạng. Chú rể Lê Vũ (22 tuổi) trong bộ vest lịch lãm dẫn đầu đoàn, cô dâu Trần Nhi (21 tuổi) đứng sau cũng lắc lư theo điệu nhạc.
Bên cạnh những lời khen cho sự “máu lửa” của hai nhân vật chính, một số ý kiến lại cho rằng việc nhảy nhót, hò hét trong ngày vui không hợp với văn hóa, phong tục tại Việt Nam.
Mất vui vì "anh hùng bàn phím"
Chia sẻ với Zing.vn, Lê Vũ tỏ ra khá ái ngại khi bất ngờ trở thành chủ đề bàn tán trên mạng. Chàng trai 22 tuổi cho biết ban đầu gia đình hai bên cảm thấy vui vẻ trước màn nhảy này. Song việc dân mạng đưa ra những bình luận không hay khiến người thân của anh buồn phiền.
Trước đó, clip cô dâu - chú rể tại Bắc Giang trao nhau nụ hôn kéo dài hơn 5 phút trong lễ cưới, trước sự chứng kiến của quan khách cũng bị ném đá. Nhiều người cho rằng đôi uyên ương không nên có hành động quá thân mật khi có mặt trẻ em.
Bị trách móc vì thể hiện tình cảm thái quá chốn đông người, hai nhân vật chính là Thân Văn Thắng (sinh năm 1992) và Hồ Thu Trang (sinh năm 1997) đều cảm thấy mệt mỏi. Đôi trẻ phân trần đó chỉ là kỷ niệm vui, hy vọng mọi người có cái nhìn thoáng hơn về việc này.
Chú rể Văn Thắng trao cô dâu nụ hôn dài hơn 5 phút, trước sự chứng kiến của mọi người. Ảnh cắt từ clip.
|
Hồi tháng 7, Đức Hùng (sinh năm 1987) quyết định đón Thanh Chúc (sinh năm 1994) về chung một nhà bằng 7 chiếc xe cẩu. Tuy nhiên, màn rước dâu của đôi trẻ Nghệ An lại vấp phải sự chê trách từ dân mạng.
Họ cho rằng nhân vật chính cố tình đón dâu theo cách không giống ai để thể hiện, khoe mẽ với đám đông. Thậm chí, nhiều người còn bình luận khiếm nhã vào trang cá nhân của Đức Hùng và Thanh Chúc. Một số diễn đàn cũng đưa ngày vui này ra làm trò cười, câu like.
Trước những ý kiến phê phán, chú rể phản pháo anh hoàn toàn không có ý định chơi trội hay thích nổi tiếng. Hùng tâm sự anh rất buồn khi đọc được những lời chế giễu, cợt nhả trên mạng.
Không ai có quyền phán xét người khác
Thực tế, nhiều bạn trẻ ngày nay có sở thích chê bai người khác, nhất là trên mạng xã hội, dù chuyện không liên quan đến mình. Tâm lý đám đông khiến thói quen này biến tướng thành "văn hóa chỉ trích" của giới trẻ.
Một số người không ý thức được rằng việc vào hùa hạ bệ, bêu xấu cá nhân khác không khiến mình tốt lên, mà chỉ biến bản thân thành kẻ chua ngoa, ác khẩu. Hơn nữa, không ai có quyền phán xét người khác bởi mỗi người có một cuộc sống, hoàn cảnh và tâm hồn riêng biệt.
Lê Liên - cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền - ngán ngẩm: “Giới trẻ giờ rất hăng hái chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội. Các ý kiến hay, lịch sự đáng được hoan nghêng. Ngược lại, những kẻ chỉ biết chê bai người khác cần xem lại bản thân đã hoàn thiện chưa?”.
Màn rước dâu bằng 7 chiếc xe cẩu tại Nghệ An bị dân mạng chỉ trích. Ảnh: Anh Ngọc. |
Trao đổi với Zing.vn, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán và Phát triển tinh thần Khơi Nguồn - cho hay: "Giới trẻ ngày nay có xu hướng thích thể hiện cái tôi, chính kiến của mình cả ở ngoài đời thật và trong thế giới ảo. Vì đặc điểm tâm lý đó nên họ thường bình luận, đánh giá người khác trên mạng xã hội, dù không liên quan đến mình.
Tuy nhiên, nhiều người lại thể hiện quan điểm theo cách tiêu cực và có xu hướng ném đá tập thể. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức tự chủ của họ chưa cao, dễ bị lôi cuốn bởi đám đông".
Góp ý thay vì chỉ trích
Thạc sĩ Ngọc Duy cho rằng gia đình, nhà trường và xã hội cần định hướng cho thế hệ trẻ để họ hiểu thể hiện chính kiến của mình là đúng, song phải cân nhắc biểu hiện theo hướng góp ý, không phải hạ bệ.
“Nhà trường nên tổ chức những buổi nói chuyện, giáo dục học sinh. Cha mẹ quan tâm nhắc nhở con cái. Xã hội dùng báo chí, truyền thông cổ vũ giới trẻ đưa ra các góp ý chân thành, thay vì chỉ trích người khác.
Còn về phần mình, giới trẻ nên nhớ khi ném đá một ai đó, người xấu đầu tiên chính là bản thân. Chế giễu người khác chỉ làm hình ảnh bạn xấu đi”, thạc sĩ Duy nói.
Anh nhận định nạn nhân của các lời chỉ trích thường phải chịu nhiều áp lực về tâm lý và tổn thương tinh thần. Song họ nên biết rằng những người lên án họ trên mạng thậm chí không biết nạn nhân là ai.
Hơn nữa, đặc điểm của hiện tượng mạng xã hội là nhất thời, vì vậy những người chỉ trích cá nhân khác sẽ nhanh chóng quên đi lý do họ bắt đầu cuộc “khẩu chiến”. Điều quan trọng, nạn nhân cần có điểm tựa tinh thần là gia đình, bạn bè để tâm sự, giải tỏa bức xúc trong lòng.
“Cuối cùng, chính người bị chỉ trích phải cân nhắc tại sao điều đó lại xảy ra với mình. Suy nghĩ như vậy không phải để các bạn cảm thấy buồn hơn, mà chính là cách suy xét lại hành vi, lời nói của mình đã đúng chưa, có gì chưa ổn, bởi không ai hoàn hảo”, nam thạc sĩ nhắn nhủ.