Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Đoàn luật sư Hà Nội) gửi đến Zing.vn bài viết chia sẻ góc nhìn pháp lý của ông liên quan đến vụ nhà báo Lê Duy Phong (Trưởng ban Bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam) bị bắt tại Yên Bái.
Luật sư cho rằng việc ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái - đưa cho nhà báo Phong 200 triệu đồng, theo yêu cầu của anh này, có thể đã thỏa mãn tội Đưa hối lộ.
Có thể thỏa mãn tội Đưa hối lộ?
Do vụ án mới được khởi tố, thông tin về việc ông Vũ Xuân Sáng đưa cho nhà báo Phong 200 triệu đồng đang được xác minh nên chưa thể khẳng định sự việc đó như thế nào.
Tuy nhiên, nếu Duy Phong tự ý khai ra điều đó, có lẽ không quá khó đối với cơ quan điều tra trong việc xác định sự thật của lời khai.
Ông Lê Duy Phong tại thời điểm bị cảnh sát bắt quả tang. Ảnh: CTV. |
Sáng 28/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái Vũ Xuân Sáng đưa cho nhà báo Duy Phong 200 triệu đồng để không thông tin vấn đề liên quan đến ông này mà không báo sự việc tới cơ quan công an thì có bị xem xét, xử lý không, trung tướng Đỗ Kim Tuyến (Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), cho hay chi tiết này cơ quan điều tra đang làm rõ.
Theo ông Tuyến, vụ án đang trong quá trình điều tra nên không thông tin cụ thể được. Về hành vi của ông Sáng, nếu kết quả điều tra thấy có đủ căn cứ, cơ quan điều tra sẽ xử lý.
Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định hiện mới là điều tra ban đầu, phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ nữa nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ tính khách quan của sự việc.
Điều luật này thuộc Chương XXI “Các tội phạm về chức vụ”, nên đòi hỏi người nhận phải là người có chức vụ. Người có chức vụ trong Bộ luật Hình sự được hiểu là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Với quy định nói trên thì nhà báo Duy Phong được xác định là người có chức vụ khi thực hiện điều tra, viết bài phản ánh tiêu cực ở Yên Bái.
Khoản 1, Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định, người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng là đã cấu thành tội này. Tội phạm hoàn thành khi việc giao nhận của hối lộ được thực hiện.
Theo thực tiễn xét xử cũng như trong khoa học pháp lý: Được coi là phạm tội đưa hối lộ nếu người có chức vụ, quyền hạn và người đưa hối lộ thỏa thuận được về của hối lộ, cũng như về việc làm hoặc không làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Khoản 6 điều này quy định, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Đối chiếu với quy định trên cũng như thông tin báo chí phản ánh, chưa có căn cứ nào cho thấy người đưa 200 triệu cho nhà báo Duy Phong đã trình báo trước khi sự việc bị phát giác. Do vậy, hành vi này có thể đã thỏa mãn tội Đưa hối lộ.
Trường hợp tội Đưa hối lộ đã hoàn thành thì nhà báo Duy Phong cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi Nhận hối lộ.
Tất nhiên, tất cả nội dung nói trên đến nay mới chỉ là giả thiết, chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra.
Giám đốc Sở ở Yên Bái có là bị hại vụ "Cưỡng đoạt tài sản"?
Trên góc độ pháp lý, nếu việc ông Sáng đưa 200 triệu cho nhà báo Duy Phong là có thật và trên cơ sở tự nguyện thì không có căn cứ để cho rằng ông bị "Cưỡng đoạt tài sản".
Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản: Người phạm tội phải có hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều này có nghĩa, người phạm tội phải có hành vi uy hiếp và người bị uy hiếp phải lâm vào tình trạng bị khống chế về ý chí, miễn cưỡng giao tài sản cho người uy hiếp thì tội cưỡng đoạt mới hoàn thành.
Đối với ông Sáng, nếu cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ về việc nhà báo Duy Phong uy hiếp làm cho vị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái miễn cưỡng phải giao tài sản thì có thể không bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi Đưa hối lộ.
Về thẩm quyền điều tra, theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh Điều tra hình sự năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2006, 2009), việc điều tra hành vi nhận 50 triệu đồng (nếu có) của nhà báo Duy Phong thuộc thẩm quyền của Công an thành phố Yên Bái (công an cấp huyện).
Việc điều tra hành vi đưa và nhận hối lộ với số tiền 200 triệu (nếu có) thuộc thẩm quyền điều tra của Công an tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, do chưa khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ nên vụ việc vẫn thuộc thẩm quyền điều tra của Công an thành phố Yên Bái.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ
Đồng quan điểm với luật sư Vũ Tiến Vinh, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, cho rằng hành vi của ông Vũ Xuân Sáng có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.
Luật sư Truyền phân tích, đưa hối lộ là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trực tiếp hoặc qua trung gian để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn, để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.
"Trong trường hợp này, ông Vũ Xuân Sáng đã trực tiếp dùng tiền để 'can thiệp' với mục đích để nhà báo Duy Phong không thực hiện việc đưa tin, đăng bài về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái" - luật sư nói.
Động cơ của việc đưa hối lộ trong trường hợp này rất rõ ràng. Hành vi của ông Vũ Xuân Sáng là hành vi cố ý trực tiếp. Đây là hành vi cản trở hoạt động đúng đắn của cơ quan chức năng, cơ quan báo chí là đưa tin.