Từ năm 2006, luật pháp Ấn Độ đã cấm kết hôn khi chưa đủ tuổi nhưng tình trạng tảo hôn vẫn phổ biến. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), đây là quốc gia có nhiều “cô dâu nhí” nhất trên thế giới. Khoảng 43% thiếu nữ 20-24 tuổi đã kết hôn từ lúc vị thành niên. Tại các vùng nông thôn nghèo như bang Rajasthan của Santadevi Meghwal đang ở, tỷ lệ đó còn cao hơn gấp nhiều lần.
Cuộc hôn phối của cô dâu trẻ nhất thế giới
Meghwal đang là sinh viên đại học ngành giáo dục. Nhưng để có được cuộc sống độc lập và đi học như ngày hôm nay, cô đã phải đấu tranh với hủ tục Ấn Độ trong suốt thời gian dài.
Khi tròn 11 tháng tuổi, gia đình đã hứa gả Meghwal cho một cậu bé khác ở miền Tây Rajasthan. Tất nhiên, cô bé không hề hay biết cuộc đời của mình bị xếp đặt như vậy. Năm 16 tuổi, Meghwal phát hiện mình phải đối mặt với cuộc hôn nhân đã được định trước từ rất lâu. Cô gái rất bất ngờ khi thấy “chồng tương lai” và bà con họ hàng của anh ta tới nhà xin dâu.
Meghwal kiên quyết từ chối. Tuy nhiên, trước những luật lệ tại Ấn Độ, cả gia đình cô bị tẩy chay và nhà trai đòi “hôn phí” 1,6 triệu rupee (tương đương 25.000 USD). “Thời điểm đó, tôi vừa 16 tuổi còn chú rể 28 tuổi. Cuộc hôn nhân này được sắp đặt từ khi anh ta mới bước sang tuổi thứ 9. Tôi có mơ ước trở thành cô giáo nhưng gia đình bên kia bắt tôi phải từ bỏ việc học hành và làm nội trợ”, Meghwal chia sẻ.
Khi bị Meghwal từ chối, “chồng sắp cưới” liên tiếp bám riết và đe dọa gia đình nhà gái. "Thật kinh khủng khi cuộc hôn nhân của tôi bị giấu kín trong suốt những năm qua. Tôi chỉ biết khi những người lớn tuổi trong làng nói với cha rằng đã đến lúc mang tôi cho nhà chồng rồi. Lúc đầu tôi còn không tin đó là sự thật nhưng cha mẹ khuyên tôi nên chấp nhận nó như định mệnh của đời mình”, cô nói.
Vừa mới 11 tháng tuổi, Meghwal đã bị định đoạt hôn ước. Ảnh: Mirror. |
“Tôi đã nghe nói về những cuộc hôn nhân trẻ con, nhưng tôi thậm chí không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là nạn nhân của phong tục lố bịch đó. Không bao giờ tưởng tượng được rằng cha mẹ tôi sẽ làm điều đó với mình. Mẹ nói với tôi rằng tôi là một trong số 42 đứa trẻ kết hôn vào năm 1997”, cô chia sẻ.
Quá sốc khi nghe tin này, Meghwal khóc cả đêm và không biết phải làm gì. “Nhưng tôi chắc chắn mình sẽ không sống cùng người đàn ông đó”, cô quả quyết.
Meghwal đã cầu cứu tới chuyên gia tâm lý học kiêm nhà hoạt động bảo vệ quyền trẻ em Kriti Bharti và Tổ chức phi lợi nhuận Saarthi Trust. Saarthi Trust là nhóm đấu tranh cho các quyền lợi của trẻ em do nhà vận động hôn nhân trẻ em Kriti Bharti thành lập. Trường hợp của Meghwal là ca giúp đỡ thứ 29 của cô tại Ấn Độ tính đến năm 2015.
“Santadevi Meghwal đến gặp tôi vào tháng 4, ngay lập tức tôi nhận thấy cô gái này cần giúp đỡ. Tôi trò chuyện với cha mẹ của Meghwal. Họ e ngại việc con gái từ chối hôn ước sẽ bị cả làng sỉ nhục, tẩy chay khỏi cộng đồng. Nhưng rất may mắn, sau đó cha của Meghwal đã ủng hộ quyết định của cô”, Kriti Bharti nói.
Kriti Bharti thường xuyên nhận được lời đe dọa từ khi đứng lên bảo vệ những trẻ em tảo hôn. Ảnh: Fridaymagazine. |
Hệ thống tư pháp chậm chạp và đầy phức tạp khiến vụ án liên tiếp bị cản trở. Cuộc sống của Kriti cũng gặp nguy hiểm, thường xuyên nhận được những lời đe dọa. May mắn, chiến dịch ủng hộ Meghwal sau đó đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng. Mạng xã hội Change.org ngập tràn hình ảnh tự chụp của những người ủng hộ với tấm biển mang thông điệp #FreeSantadevi (Giải phóng Santadevi) và có tới 5.800 chữ ký. Nhiều người ủng hộ đến từ Tunisia, Hong Kong, Honduras và Panama. Thêm vào đó, một bức thư kêu gọi giải quyết sự việc từ lãnh đạo các tổ chức hoạt động xã hội cũng được gửi đến quan chức Ấn Độ.
Cuối cùng, vào 15h ngày 20/10/2015, Tòa án Gia đình đã hủy bỏ hôn ước của Santadevi Meghwal. “Tôi vẫn còn choáng ngợp. Cuối cùng, ngày này đã đến. Một lời cảm ơn với Kriti là không đủ, cô ấy đã cứu mạng tôi và cho tôi một cuộc đời khác”, cô chia sẻ.
Câu chuyện thành công của Meghwal ngay lập tức lan tỏa trong cộng đồng và trở thành ngọn hải đăng cho những cô gái trẻ vướng vào hủ tục kết hôn sớm. “Tôi muốn họ thấy rằng chúng ta có thể đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi muốn những cô gái khác ở Rajasthan biết rằng họ có thể đòi lại cuộc sống riêng của mình”, Meghwal khẳng định.
Sau khi hủy bỏ hôn ước, cô gái vẫn không được phép trở về làng và sống cùng bố mẹ. Tuy nhiên, cô có thể tiếp tục học và thực hiện ước mơ trở thành giáo viên tương lai.
Tỷ lệ tảo hôn ở Ấn Độ vẫn tăng cao dù có lệnh cấm
Một cuộc điều tra dân số năm 2011 cho thấy 1,6 triệu trẻ em tại Rajasthan, Ấn Độ, đã kết hôn từ năm 2000 đến 2010 dù luật cấm kết hôn với phụ nữ dưới 18 tuổi và đàn ông dưới 21 tuổi. Nếu vi phạm, các cha mẹ sẽ bị phạt 100.000 rupee (khoảng 1.535 USD) và 2 năm tù giam nếu bị bắt quả tang tổ chức đám cưới cho con cái dưới độ tuổi này. Nhưng xã hội gia trưởng ở nông thôn Ấn Độ vẫn vượt qua những quy định luật pháp.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ Quốc tế, việc kết hôn ở độ tuổi vị thành niên khiến các cô gái có nguy cơ nhiễm HIV và bạo lực gia đình cao hơn. Dhuwarakha Sriram, chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF, cho biết tảo hôn là hiện tượng gây ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của nạn nhân, từ quyền lợi kinh tế cho đến sức khỏe sinh sản và khả năng lao động.
Bà Sriram cho rằng việc sinh con khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ dễ gây nguy hiểm cho cả bà mẹ và em bé. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ thiếu niên lên tới 50% và các biến chứng liên quan đến thai kỳ là nguyên nhân gây tử vong thứ hai cho các phụ nữ từ 15-19 tuổi.