Cô dâu bị nhóm đàn ông ép nằm xuống đất và xịt bọt trắng lên người. |
Hình ảnh xấu xí được ghi lại trong một đám cưới diễn ra vào ngày 19/1 ở Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, South China Morning Post đưa tin.
Hôn lễ diễn ra trong một khu nhà vùng nông thôn. Thảm đỏ được trải trong sân và khách tập trung xung quanh để xem cảnh náo hôn - một phong tục lâu đời trong đám cưới của người Trung Quốc.
Hình ảnh phản cảm khiến dân mạng bức xúc. |
Theo clip ghi lại, một nhóm đàn ông cố ép cô dâu xuống đất, sau đó một vài người trong số họ trèo lên người cô để tạo thành một kim tự tháp người. Một vị khách đã cố gắng ngăn nhóm này lại, nhưng những người đàn ông chỉ cười phá lên.
Nhóm đàn ông sau đó đã xịt bọt trắng lên đầu cô dâu và ngăn cản khi cô cố gắng thoát ra.
Sau đó, một số đàn ông dùng vũ lực giữ đầu cô dâu và chú rể, bắt họ phải tỏ lòng kính trọng với nhau để hoàn thành màn náo hôn.
Đoạn video do hãng truyền thông BTimes biên tập và tung ra đã gây xôn xao trên Weibo.
Vào ngày 20/1, các bài đăng trên Weibo liên quan đến chủ đề này đã thu hút hơn 140 triệu lượt xem. Ngoài ra, video ban đầu có 13.000 bình luận.
Một cư dân mạng bình luận: “Hầu hết đám cưới thô tục đều diễn ra ở nông thôn và không có cách nào cấm được. Cách duy nhất là khuyến khích ngày càng nhiều chàng trai và cô gái rời bỏ vùng núi, vùng quê để chuyển đến các thành phố lớn”.
“Làm sao một người chồng có thể chấp nhận được điều này? Những người đàn ông này là rác rưởi văn hóa. Khi nào tập tục xấu hổ này sẽ dừng lại?”, một người khác bày tỏ.
Hủ tục náo hôn
Những thông tin lan truyền trên mạng xã hội đã khiến chính quyền để ý. Các quan chức chính phủ cho biết đã liên lạc với địa phương về vụ việc và hy vọng sẽ “thúc đẩy thay đổi phong tục và từ chối những đám cưới tồi tệ”.
Trò đùa thô tục phổ biến trong nhiều đám cưới ở Trung Quốc. |
Ở một số vùng của Trung Quốc, việc tổ chức náo hôn (naohun) là một phong tục lâu đời, xuất hiện từ thời nhà Hán và tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm nay.
Theo tục này, những khách bên nhà trai sẽ khuấy động hôn lễ bằng cách trêu chọc cô dâu, chú rể và cả các phù dâu.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, tục náo hôn bị biến tướng và không còn phù hợp, gây nên nỗi ám ảnh cho không ít cô dâu trong ngày đám cưới
Trong những năm gần đây, việc đám cưới rình rang với những trò đùa ám chỉ tình dục, thậm chí quấy rối tình dục ở một số khu vực đã nhiều lần khiến công chúng phẫn nộ, đặc biệt khi người ta nhìn thấy những người đàn ông ôm và thậm chí hôn cô dâu.
Năm 2020, cũng tại tỉnh Sơn Đông, một chú rể bị lôi ra khỏi ôtô đang trên đường đi đón dâu và bị bôi nước tương, giấm và trứng gà sống lên người. Chú rể sau đó bị rơi xuống mương nước bên đường. Một số khách sau đó đã bị cảnh sát bắt đi.
Tháng 9/2021, một đoạn video ghi lại cảnh một chú rể bị trói chặt vào trụ đá, bạn bè đứng xung quanh ném trứng và bột vào người anh được lan truyền cũng gây nên nhiều tranh cãi.
Sự việc diễn ra tại quận Tân Tân (thành phố Thành Đô, Trung Quốc). Một người đàn ông họ Zhang có mặt tại hiện trường giới thiệu là bạn thân của chú rể cho biết đoạn video được quay trong hôn lễ sáng 12/9, The Paper đưa tin.
"Đám cưới thời nay quá im lặng và trang trọng. Chúng tôi muốn giúp cô dâu chú rể lưu giữ kỷ niệm đặc biệt trong ngày vui nên mới làm vậy", Zhang nói.
Theo một cuộc khảo sát của Xinlang Entertainment, hơn 78% cư dân mạng Trung Quốc cho rằng trêu chọc cô dâu trong đám cưới là không tôn trọng phụ nữ.
Theo CCTV, tục náo hôn không còn phù hợp và có 70% người dân Trung Quốc thấy xấu hổ với tục lệ này.
Jiang Yuxiang, giáo sư tại Đại học Tứ Xuyên, nói rằng trò chơi trong hôn lễ như trên không phải phong tục truyền thống. "Nếu có ai đó nói rằng nó là phong tục truyền thống thì cũng là một phong tục thô tục, cần phải dừng lại".
Hu Guangwei, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên, cho rằng những trò "náo hôn" là thiếu văn minh, "là sự xúc phạm đối với cô dâu, chú rể".
"Một số cô dâu, chú rể có thể tỏ ra vui vẻ trong một số trường hợp, nhưng có thể bản thân họ bị ép buộc bởi đám đông. Nếu trò đùa này gây thương tích, người tham gia có thể bị buộc tội", Hu nói.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.