Clip "cô đồng xem bói" bằng việc bổ cau thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok. |
Theo ghi nhận của Zing, mỗi clip nội dung này đang nhận về hàng triệu lượt tương tác. Các hashtag liên quan cũng có hàng triệu lượt xem trên nền tảng.
Người phụ nữ xuất hiện trong clip được gọi là "cô đồng T.H.". Đầu năm 2021, người này bắt đầu đăng các đoạn video hầu đồng, sau đó chia sẻ clip, phát livestream việc xem bói dưới hình thức bổ cau.
Livestream bói toán trên TikTok
Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, người phụ nữ còn nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi.
Chỉ mới 2 tháng sau khi đăng clip đầu tiên, tài khoản TikTok của người này hiện có hơn 150.000 lượt theo dõi.
Trong một clip xem bói thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem trên nền tảng, người này nói: "Nhà mình tên Tuấn cũng có, tên Đức cũng có, tên Thủy cũng có, Tiến và Lam cũng có, Hưng và Thành cũng có luôn... Bổ quả cau này ra, có người tên Hoa... đúng nhận sai cãi cho cô".
Mạng xã hội còn xuất hiện nhiều clip nhại lại đoạn video xem bói gốc. Trend "đúng nhận sai cãi" đứng thứ 2 trên danh sách thịnh hành của TikTok vào ngày 7/2.
Không chỉ dừng lại việc bắt trend gây cười, TikTok xuất hiện tài khoản giả mạo "cô đồng" với mục đích lừa đảo xem bói online. Đa số các tài khoản này mới chỉ được lập cách đây vài ngày, nhưng đã có hàng nghìn lượt xem và theo dõi.
Những account giả mạo đăng lại các clip và giới thiệu thông tin liên hệ, mời chào người xem đặt lịch xem bói trực tuyến.
Trong vài năm trở lại đây, bói toán online bùng nổ với hàng trăm hội nhóm liên quan đến xem tướng số, phong thủy, tử vi, chỉ tay... trên mạng xã hội. Nhiều nhóm có hơn 500.000 thành viên, chia sẻ hàng chục bài đăng mỗi ngày.
Trên TikTok, hashtag #tarot có hơn 45 tỷ lượt xem, #xemboi có 540 triệu lượt xem và #tuvi thu hút 4,7 tỷ lượt xem. Các clip phổ biến nhất có nội dung: "Có ai đang âm thầm theo dõi bạn", "Thông điệp vũ trụ đầu tháng", "Thông điệp tuần này", "Tin vui gì sắp đến với bạn"...
Bị lừa đảo, mất tiền vì bói toán
Chia sẻ với Zing, chị Phạm Quỳnh Anh, thạc sĩ Công tác xã hội, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, nhận định xem bói không xa lạ với người dân Việt Nam. Hoạt động này càng diễn ra nhiều hơn vào dịp lễ Tết, đầu năm.
Theo chị Quỳnh Anh, có hai 2 nguyên nhân khiến xem bói trở nên phổ biến trong giới trẻ. Đầu tiên là vì tính hiếu kỳ, sự tò mò.
Nguyên nhân thứ 2 xuất phát từ việc con người mong muốn tìm kiếm nguồn năng lượng mới. Cụ thể, một số người coi việc xem bói như liều thuốc trấn an tinh thần, đặc biệt là trong dịp năm cũ qua, năm mới tới.
Bói toán online phổ biến với giới trẻ. Ảnh minh họa: thestar. |
"Rất nhiều người trẻ đi xem bói chỉ đơn giản với suy nghĩ ‘thử xem có đúng không’. Họ hoàn toàn không kỳ vọng vào kết quả, cũng như không thực sự tin vào những thông tin nhận được", nữ giảng viên giải thích.
Tháng 9/2022, giới nghệ sĩ, KOLs Việt rộ lên vụ việc đăng bài, dụ fan "xem bói tử vi", nhưng thực chất quảng cáo bán đồ phong thủy. Sau khi vướng tranh cãi, bị khán giả chỉ trích, nhiều người đã âm thầm xóa các bài đăng.
Trên thực tế, nhiều người đã bị mất tiền, chiếm đoạt tài sản vì tin theo lời bói toán, giải hạn. Tháng 11/2022, Công an thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Hoàng Minh (trú quận Bình Thạnh, TP.HCM) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Minh thừa nhận đã cùng những người khác thực hiện hành vi lừa đảo bằng hình thức bói bài tarot, xem tướng và giải hạn cho nhiều người. Một nạn nhân đã chuyển 2,2 tỷ đồng cho Minh vì bị lừa mua tranh giải đại hại.
Sáng 11/1, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1971, trú phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Do cần tiền chi tiêu, Nguyễn Thị Hà tự nhận mình là thầy bói, phán chị H. bị vong âm theo, phải làm lễ cắt duyên âm mới lấy được chồng, qua đó chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Theo tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, hành vi bói toán, xem tướng số hoặc các hoạt động mê tín dị đoan khác đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 15 Nghị định 158/2013 của Chính phủ, người có hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và hình thức tương tự khác để trục lợi, sẽ bị phạt hành chính 3-5 triệu đồng.
Trường hợp người hành nghề mê tín dị đoan đã bị xử phạt hành chính nhưng tái phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan. Khung hình phạt gồm phạt tiền tối đa 100 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 10 năm.
Bên cạnh đó, việc hành nghề mê tín, dị đoan thường đi kèm với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, người nào đó nói ra thông tin về bói toán, tướng số thiếu cơ sở khoa học khiến đối phương lo sợ đến mức phải đặt tiền để "hóa giải" thì đó là dấu hiệu lừa đảo.
Khi người dân phát hiện ai đó có hành vi hành nghề mê tín, dị đoan thì nên cảnh báo cho người xung quanh và trình báo cơ quan chức năng địa phương.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.