Căn cứ theo Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định về tài chính công đoàn thì tài chính công đoàn gồm các nguồn thu: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Theo đó, quỹ công đoàn (tài chính công đoàn) sẽ được hình thành từ 4 nguồn thu sau: Đoàn phí công đoàn của đoàn viên; Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng; Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; Nguồn thu khác.
Việc gửi quỹ công đoàn lấy lãi không phải là việc vi phạm pháp luật. |
Điều 5 Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 quy định về thu chi tài chính công đoàn: "Nguồn thu tài chính công đoàn theo Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn, bao gồm:
a) Thu đoàn phí công đoàn.
b) Thu kinh phí công đoàn.
c) Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.
d) Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án, chương trình do nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; lãi tiền gửi ngân hàng, kho bạc (nếu có), tiền thanh lý, nhượng bán tài sản; tiền thu hồi các khoản chi sai chế độ từ nguồn tài chính công đoàn đã quyết toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt...".
Điều 4 Quy định về thu, chi, quản lý tài chính, tài sản tại công đoàn cơ sở ban hành kèm theo Quyết định 4290/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định về nguồn thu tài chính công đoàn:
1. Thu đoàn phí công đoàn
- Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng.
- Phương thức thu đoàn phí công đoàn thực hiện theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Tổng Liên đoàn quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn.
2. Thu kinh phí công đoàn
- Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng theo quy định của Pháp luật và Quyết định của Tổng Liên đoàn.
- Phương thức thu kinh phí công đoàn thực hiện theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Tổng Liên đoàn.
3. Thu khác
Nguồn thu khác thực hiện theo Khoản 4 Điều 26 Luật Công đoàn và theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Tổng Liên đoàn, bao gồm:
- Kinh phí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cấp mua sắm phương tiện hoạt động công đoàn, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho công đoàn cơ sở; kinh phí tổ chức các hoạt động phối hợp như: tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan du lịch, khen thưởng, phúc lợi... của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân, lao động (sau đây gọi chung là đoàn viên công đoàn và người lao động) và một số hoạt động nhằm động viên, khen thưởng con đoàn viên công đoàn và người lao động; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước cho công đoàn cơ sở.
- Thu từ hoạt động văn hóa, thể thao; nhượng bán, thanh lý tài sản; thu lãi tiền gửi, cổ tức; thu từ các hoạt động kinh tế, dịch vụ của công đoàn cơ sở...".
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay thì tiền lãi gửi cũng là một nguồn thu hợp pháp của quỹ công đoàn. Do đó, việc gửi quỹ công đoàn lấy lãi không phải là việc vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, tiền lãi gửi quỹ công đoàn là nguồn thu hợp pháp của quỹ công đoàn, số tiền này cần phải được sử dụng vào đúng mục đích là phục vụ cho hoạt động công đoàn và không được sử dụng vào mục đích cá nhân. Việc sử dụng liền lãi gửi quỹ công đoàn vào mục đích cá nhân sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.