Chị H.P.M. (40 tuổi) được mẹ đẻ cho 5 tỷ đồng và muốn mua một căn nhà. Người phụ nữ thắc mắc liệu sổ đỏ căn nhà đó có thể đứng tên mình chị hay sẽ phải đứng tên cả 2 vợ chồng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợi (Phó trưởng Bộ môn Luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội) nhận định có hai cách để chị M. có thể được đứng tên riêng sổ đỏ của căn nhà này.
Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, được thừa kế, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, được chia riêng theo quy định của pháp luật, tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và các loại tài sản khác theo pháp luật quy định. Ngoài ra, tài sản hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng được tính là tài sản riêng.
Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Trường hợp chị M. được cho riêng 5 tỷ đồng, nếu mua nhà, quyền sử dụng đất sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng và sổ đỏ sẽ đứng tên 2 người.
Bởi vậy, để sổ đỏ được đứng tên mình, chị M. cần phải làm văn bản thỏa thuận hoặc người chồng làm văn bản xác nhận số tiền đó là của riêng chị và căn nhà được mua từ số tiền đó là của riêng, không liên quan tới chồng chị. Thủ tục mua bán và lập văn bản thoả thuận sẽ được tư vấn cụ thể khi mua nhà trên thực tế.
Bên cạnh đó, còn một cách nữa để chị M. được đứng tên riêng sổ đỏ căn nhà. Đó là mẹ chị mua nhà, sau đó làm thủ tục tặng cho căn nhà này. Khi đó, theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình, ngôi nhà sẽ được coi là tài sản riêng của chị M.