Vào năm 18 tuổi, đúng ở tuổi đẹp nhất của đời người thì Trần Phương Nhung (31 tuổi, quê Nam Định) biết mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Cũng kể từ ngày đó, bệnh viện và xóm chạy thận trở thành ngôi nhà thứ 2 của người phụ nữ này.
Phương Nhung luôn lạc quan vào cuộc sống. |
Hơn chục năm qua, có những lúc đau đớn, mệt mỏi, có những khi buồn bã nghĩ về tương lai khiến không ít lần Nhung tuyệt vọng. Nhưng niềm khao khát được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn khiến chị không ngừng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Tới đây, chị sẽ xuất bản cuốn sách Điều kỳ diệu quanh ta – chia sẻ kỹ năng sống và trải nghiệm của chính bản thân chị. Cũng thông qua cuốn sách này, Nhung muốn gửi gắm thông điệp về nghị lực, niềm lạc quan tới những người bệnh.
Vượt lên nỗi đau bệnh tật
Năm 18 tuổi, mang trong mình bao nhiêu dự định và ước mơ, thì chính lúc ấy, Phương Nhung nhận tin sét đánh khi biết mình bị bệnh suy thận. Gác lại những ước mơ về giảng đường đại học, Phương Nhung lên bệnh viện Bạch Mai chữa. Tại đây, các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa Nhung về nhà chờ chết, vì bệnh của chị đã quá nặng, thiếu máu và độc tố lên cao gây suy đa phủ tạng.
2 năm sau, vào năm 2003, trời cho chị còn sống, nên gia đình quyết định đưa đi chữa trị tại khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) với hy vọng “còn nước còn tát”.
Những ngày nằm trong bệnh viện với Nhung thật sự là cơn ác mộng. Giống như bao nhiêu người trẻ khác, chị chán nản, nhiều khi không muốn sống nữa, không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi khi nghĩ về tương lai đã khép lại, nghĩ về gia đình, người thân.
Suốt 11 năm gắn bó với xóm chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai, cũng là 11 năm chị đón Tết ở đây. Mỗi tuần đều đều chạy thận 3 lần, vào những ngày ấy, chị mệt tới nỗi chẳng thiết ăn uống, chẳng làm nổi bất cứ công việc gì.
“Sống một mình trong căn phòng trọ nhỏ, nỗi cô đơn và ám ảnh bệnh tật đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của tôi. Nhưng một ngày, tôi quyết định thay vì ngồi khóc lóc và gặm nhấm nỗi buồn, mình nên dành thời gian vào những niềm đam mê”, chị tâm sự.
Niềm đam mê của chị là được viết báo. |
Vậy là chị bắt đầu viết lách. Vốn học khá lại yêu thích văn chương, nên chị viết bài gửi đăng báo. “Tôi vẫn nhớ như in bài đầu tiên của tôi được đăng có tên Đối mặt với sợ hãi, câu kết có đoạn: “Vậy là cuộc sống của tôi từ khi làm quen với xóm chạy thận luôn phải đối mặt với nỗi cô đơn, lo lắng và sợ hãi, nhưng khi tôi không kiểm soát nó nữa, thì nó cũng ít kiểm soát tôi hơn”. Tôi xem đó như mục đích cuộc sống của mình”.
Từ những bài viết đầu tiên, đam mê ngày càng lớn lên trong chị. Khoảng 2 năm nay, chị viết nhiều hơn, chủ yếu là những bài viết chia sẻ kĩ năng sống và có đến hơn 100 bài viết được đăng trên các báo. Nhiều bài viết của chị được tuyển chọn, in sách cùng nhiều tác giả khác.
Nhung hào hứng chia sẻ: “Tôi từng nghĩ mình biết viết gì đây khi cuộc sống của tôi chỉ quanh quẩn trên giường bệnh và xóm trọ tồi tàn, ủ dột? Nhưng bây giờ tôi mới hiểu những suy nghĩ đó là sai lầm. Chính những người bệnh mà tôi đã gặp, những khó khăn mà tôi đã trải qua đã đem lại cho tôi nhiều bài học bổ ích, giúp tôi có thêm nghị lực và dũng cảm để vươn lên trong cuộc sống”.
Song song với niềm đam mê viết lách, những lúc rảnh rỗi, Nhung thường làm đồ thủ công như móc mũ len, móc khăn len, làm các đồ trưng bày, bán nước mía… để kiếm thêm thu nhập.
Mê thiện nguyện, viết sách chia sẻ kĩ năng sống
“Tuổi thanh xuân trôi qua với những ngày tháng ở xóm chạy thận, ở bệnh viện khiến tôi buồn bã, nhưng chính hình ảnh của những người đồng cảnh ngộ với tôi, ở nơi tôi đang sống đã khiến tôi có thêm sức mạnh. Người ta thường nói: “Sống như ngày mai mình sẽ chết” nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi nghĩ mình phải sống như không bao giờ chết để yêu và được yêu nhiều hơn nữa”.
Phương Nhung tự lo mọi việc cho sinh hoạt hàng ngày của mình. |
Ý thức được việc tạo cho mình một cuộc sống có nghĩa từng ngày, Nhung thường tham gia thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội. Do điều kiện sức khỏe yếu, chị thường đảm nhận công tác hậu cần hay truyền thông của nhóm Những người bạn. 2 tuần một lần, chị tham gia phát cơm miễn phí cũng các TNV trong nhóm cơm chay từ thiện Visky...
Chị nuôi ước mơ mở một xưởng làm đồ handmade để những bệnh nhân nghèo có thêm công việc, thêm thu nhập. |
Trong Điều kỳ diệu quanh ta của Nhung có những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày, nỗi lòng và tâm tư của người bệnh. Nhân vật trong các bài viết của chị chính là những người hàng xóm, những bệnh nhân Phương Nhung đã gặp và đôi khi là chính bản thân chị trong đó. Mẩu chuyện Giận dai thì dại, Đừng như chúa chổm, Đối mặt với sợ hãi, Tiếp sức cho những khát vọng hòa nhập, ... sẽ tiếp thêm nghị lực sống cho rất nhiều người bệnh.
Chia sẻ với chúng tôi, đôi mắt chị lên những tia long lanh, bởi sắp tới, “đứa con tinh thần” của chị sẽ được ra đời. Và hơn hết, chị tiếp tục nuôi ước mơ xuất bản cuốn sách thứ 2 và nhiều hơn nữa. “Đó có lẽ là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời của tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ cần phải sống để theo đuổi đam mê. Chính niềm đam mê ấy đã cho tôi lý do để thêm yêu cuộc sống này”, Phương Nhung tâm sự.