Năm 12 tuổi, mắt phải của Karisma Khemlani (Ấn Độ) bắt đầu yếu dần rồi mất hẳn thị lực. Sau khi kiểm tra, cô được các bác sĩ chẩn đoán bị Toxoplasmosis, một bệnh liên quan đến ký sinh trùng có trong phân mèo, thịt chưa nấu chín hay nước bị ô nhiễm, theo VICE.
Năm 15 tuổi, Khemlani mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Một năm sau, Khemlani và mẹ, em gái phải chạy khỏi Ấn Độ, đến Philippines vì người bố thường xuyên bạo hành, lạm dụng Khemlani. Người cha gọi cô là “gánh nặng”, mong con gái chết đi để đỡ tiền thuốc thang.
“Bố từng thuyết phục tôi rằng sẽ không ai tin nếu tôi nói ra những gì ông ấy đã làm. Đến khi không thể chịu được nữa, tôi đã tâm sự với bác sĩ tâm lý và các thành viên khác trong gia đình”.
Khemlani chịu đựng nhiều căn bệnh bắt đầu từ năm 12 tuổi. |
Ba mẹ con sống ở Manila với người dì trong khoảng 13 năm, từ 2006 đến 2019. Ở đó, tình trạng của Khemlani tiếp tục xấu đi, cô được chẩn đoán mắc chứng đau cơ xơ hóa, gây đau cơ xương lan rộng kèm theo mệt mỏi, ngủ nhiều và các vấn đề liên quan đến tâm trạng và trí nhớ.
Không chỉ vậy, Khemlani còn bị dày vò bởi nhiều tình trạng bệnh lý khác như viêm mạch, viêm dây thần kinh thị giác, lạc nội mạc tử cung, viêm khớp dạng thấp hay cong vẹo cột sống thắt lưng… lên tới 22 loại.
Có thời điểm, Khemlani gần như chẳng thể làm gì, cuộc sống chỉ gắn liền với giường bệnh, việc điều trị cũng khiến mật độ xương của cô giảm mạnh. Năm 2019, Khemlani và mẹ chuyển về Mumbai sinh sống sau khi em gái cô kết hôn.
Nỗ lực
Sống chung với bệnh tật và quá khứ bị lạm dụng, Khemlani cũng dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cô may mắn tìm được một bác sĩ tâm lý giỏi, chu đáo, hỗ trợ cô nhiều trong việc điều trị.
Vì bệnh tật đeo bám, Khemlani phải xoay xở nhiều công việc để có thể lo tiền chữa trị. Cô từng làm việc trong lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số và truyền thông. Tuy nhiên, những công việc này có áp lực, độ căng thẳng cao, khiến cô không thể duy trì lâu.
“Mỗi khi tình hình khá hơn, tôi cố gắng trở lại làm việc nhưng nhận ra những người khuyết tật vô hình như tôi khó kiếm việc như thế nào. Tôi hầu như phải dựa vào các dự án, công việc bán thời gian để duy trì. Có lúc, bộ phận nhân sự ở nhiều công ty rút lại thư mời làm việc sau khi biết tình trạng sức khỏe của tôi”.
Dù ốm yếu, Khemlani tự tin có thể làm tốt ở các công việc chuyên môn của mình. Trước đây, cô cũng không để tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến công việc. Những lúc ngất xỉu, co giật quá thường xuyên, cô sẽ xin nghỉ phép để điều trị.
Khemlani nỗ lực từng ngày để đối phó với các căn bệnh mắc phải. |
Cũng từ năm 2019, Khemlani bắt đầu lập trang gây quỹ để kêu gọi sự trợ giúp trong việc điều trị các loại bệnh với mục tiêu 200.000 USD.
“Nhiều người lạ luôn đặt câu hỏi về tình trạng bệnh của tôi: ‘Làm sao một người có thể mắc nhiều bệnh như vậy được?’, ‘Cô có chắc bị mù một bên mắt không, trông cô khá bình thường đấy chứ’, “Nhìn cô không giống người bệnh lắm’”.
Thậm chí, một số người còn công kích, báo cáo hoạt động gây quỹ của Khemlani. Trong một tuần, cô không thể kết nối hay nhận tiền từ trang gây quỹ cho đến khi chứng minh với nền tảng Milaap rằng các thông tin mình đưa ra là đúng.
“Có người còn gọi điện đến bệnh viện tôi điều trị để xác nhận. Khi không tìm được thông tin gì vì không biết đầy đủ tên tôi, họ bắt đầu tung tin trên mạng rằng tôi là kẻ nói dối, khiến cuộc sống của tôi gặp khó khăn trong vài tháng”.
Gần nhất, sau khi đánh bại Covid-19, Khemlani vẫn phải chịu một số triệu chứng bệnh kéo dài, khiến việc điều trị các bệnh khác bị ảnh hưởng. Dù vậy, cô gái 30 tuổi vẫn luôn cố gắng lạc quan, thường xuyên chia sẻ hình ảnh điều trị với giọng văn hóm hỉnh trên trang cá nhân.
“Tôi hay đọc những ghi chú động viên của người thân yêu viết cho tôi trong nhiều năm qua. Đôi khi, những gì ta có thể làm khi ở trên một con tàu đắm, xung quanh toàn cá mập là ngắm mặt trời lặn dần ở phía xa”.