Ngày cuối cùng của năm 2021, Trần Thị Thu Trà (29 tuổi, Hà Nội) chính thức rời công ty công nghệ nước ngoài sau 3 năm gắn bó.
Trước đó một tuần, Trà xin nghỉ trong sự ngạc nhiên của sếp bởi công việc rất tốt, thu nhập ổn định. Cấp trên thuyết phục cô có thể làm việc từ xa ở bất cứ đâu và tận hưởng nhiều hơn để cân bằng cuộc sống.
“Thời điểm đó, mình thấy bản thân đi làm đủ rồi nên dừng lại một chút. Bởi một năm chậm lại cũng chỉ là phần nhỏ trong cả hành trình dài của cuộc đời. Ngoài ra, dịch bệnh và giãn cách xã hội căng thẳng cũng ảnh hưởng đến người mê xê dịch như mình. Mình nhận ra cuộc sống ngắn ngủi hơn chúng ta vẫn tưởng”, Trà nói với Zing.
Thu xếp xong xuôi, cô gái 29 tuổi ôm theo mèo cưng, ngồi xe tải chuyển nhà từ TP.HCM lên Đà Lạt trong ngày mưa tầm tã.
Sự thất nghiệp dài hơi này giúp cô đắm chìm trong thiên nhiên và có thể đi du lịch thoải mái.
Trà từng dạy tiếng Anh khi còn ở Hà Nội. Nhờ vốn ngoại ngữ đó, cô được nhận vào công ty nước ngoài tại TP.HCM vào năm 2018. |
Tận hưởng
Tại Đà Lạt, Trà thuê căn nhà gỗ nhỏ trong khu phố yên bình. Nhiều hôm, cô nằm trên giường cả ngày, không làm việc cũng không nghĩ ngợi gì.
Trong những ngày hè nắng gắt ở khắp nơi, Trà thấy may mắn khi được tận hưởng không khí mát mẻ của thành phố sương mù.
“Đối với mình, đây là giai đoạn chủ động nghỉ ngơi hoàn toàn như món quà tự dành cho bản thân. Bởi mình quan niệm cuộc đời còn quá nhiều thời gian để làm việc nhưng lại quá ngắn để tận hưởng”, cô nói.
Bên cạnh sống chậm lại, Trà còn thi IELTS và có chuyến du lịch tự túc châu Âu trong vòng 20 ngày. Nhân cơ hội này, cô ghé thăm sếp cũ đang sống ở Tây Ban Nha và gia đình đồng nghiệp cũ tại Áo.
Trà cũng coi đây là chuyến “tiền trạm” để định hướng về kế hoạch đi du học hoặc chuyển tới đất nước khác sinh sống. Tuy nhiên, khi trở về, cô cảm nhận rằng cuộc sống ở Việt Nam vẫn là đáng giá nhất.
Nơi sinh sống của Trà ở Đà Lạt. |
Trà vẫn chưa đi làm fulltime mà đang ở giai đoạn cân nhắc lại về công việc và cuộc sống. Nhờ những mối quan hệ từ trước, cô được nhiều người quen giới thiệu các công việc ở thành phố khác nhau.
“Tuy nhiên, sống ở Đà Lạt quá ‘chill’ làm quyết định cũng khó khăn hơn dù vị trí đó có hấp dẫn thế nào”, cô nói.
Khi làm việc ở công ty cũ, Trà đã quen với văn hóa làm việc từ xa, không bắt buộc lên văn phòng 8 tiếng và đánh giá hiệu suất công việc theo kết quả thay vì thời gian. Cô thích làm việc với giờ giấc tự do miễn sao hiệu quả.
Bởi vậy, hiện tại, Trà hướng tới làm những công việc freelance và dần thích nghi lại cuộc sống bận rộn sau quãng thời gian dài nghỉ ngơi.
“Quyết định lần này được sự ủng hộ 100% từ mọi người, có lẽ một phần nhờ mình chứng tỏ được sự trưởng thành trong mắt gia đình. Bạn bè thân thiết khi nghe về kế hoạch của mình cũng bảo ‘ước’ được như vậy”, cô cười nói.
Trà có chuyến du lịch châu Âu 20 ngày trong thời gian nghỉ ngơi sau khi nghỉ việc. |
Trà hy vọng mọi người khi còn trẻ nên dành nhiều thời gian để trải nghiệm và thấu hiểu bản thân. Bởi theo cô, ở mỗi giai đoạn hay lứa tuổi đều có sự khủng hoảng riêng: người đi làm căng thẳng vì công việc, người thất nghiệp cũng không tránh được giây phút hoang mang về cuộc đời.
“Chuyện tới đâu chúng ta đối mặt tới đó”, cô chia sẻ.
Chuẩn bị trước khi “thất nghiệp”
Trà từng thất nghiệp nhiều lần trong quá khứ nhưng đều nhanh chóng đi tìm việc sau đó. Cô chưa bao giờ nghỉ làm quá một tháng bởi nhiều lý do như không có quỹ dự phòng hay nguồn thu nhập bị động
Bởi vậy, khi bước sang tuổi 28, Trà lên kế hoạch và chuẩn bị cho hành trình “thất nghiệp nhưng không thất bát”.
Đầu tiên, tiết kiệm là điều Trà thực hiện từ lâu. Nếu không đi du lịch, xem concert của thần tượng hay tiêu xài vào đam mê đồ công nghệ, cô đặt mục tiêu tiết kiệm khoảng 70-80% thu nhập hàng tháng.
“Mình theo đuổi chủ nghĩa tối giản từ những năm 2016-2017 và ‘lên dây cót’ cho bất kỳ cuộc di cư nào nên chỉ có ít đồ đạc. Mình không có đam mê mua sắm quần áo, túi xách, đồ đạc và luôn nhắc nhở bản thân hạn chế tiêu tốn vào những gì không cần thiết”, cô nói
Thứ hai, Trà chuẩn bị nguồn thu nhập thụ động. Cô cho rằng đây là điều kiện tiên quyết giúp bản thân dũng cảm nghỉ việc.
“Khi còn đi làm, mình tận dụng công việc cũ và khách hàng để có nguồn thu nhập thụ động hàng tháng. Khoản này giúp mình hơn nửa năm nay đủ sống cơ bản như trước và vẫn trang trải được sở thích cá nhân”.
Trà có sự chuẩn bị nhất định trước khi xin nghỉ việc. |
Thứ ba, Trà nuôi dưỡng “tinh thần biết đủ”. Cô không thích tiêu xài hoang phí, không có mong muốn kiếm nhiều tiền, cũng không phấn đấu đi lên. Thậm chí, cô gái 29 tuổi không có ý định lập gia đình và có con.
Hiện tại, Trà thấy mình có đủ. Cô không áp lực khi bạn bè, đồng nghiệp cũ nhiều tiền hơn mình, không buồn khi ai đó thông báo được thăng chức và cũng không tủi thân khi người khác khoe chồng chuyển khoản cho khoản tiền lớn.
Trà coi đó là một phần rất nhỏ trong “combo” sống tối giản và hành trình FIRE (tự do tài chính và nghỉ hưu sớm) mà bản thân đang hướng tới.
“Việc tích lũy của mình khá nhẹ nhàng, không có những loại quỹ gì quá to lớn. Hiện tại, mình thấy tài chính là ‘đủ’ nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mình có thể đi làm nhưng không còn đặt mục tiêu thăng tiến hay kiếm tiền lên hàng đầu nữa. Mình cũng không đặt ra mục tiêu nghỉ hưu ở độ tuổi nào. Mình chọn tận hưởng hiện tại hơn là đặt kế hoạch quá dài hơi”, cô nói.
Trà nghiệm ra rằng cuộc sống dù ở thời điểm hay độ tuổi nào cũng đều có những nỗi lo và khủng hoảng. Bởi vậy, cô coi giai đoạn này là “dolce far niente” (tiếng Italy nghĩa là sự ngọt ngào của việc không làm gì).
“Vì vậy, mình vẫn sẽ tận hưởng thêm một thời gian nữa trước khi tìm ra lý tưởng mới”.