Vài tháng nay, Phùng Thanh Xuân (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn đều đặn dậy sớm. Nhưng thay vì sửa soạn để đi làm như trước, cô dành thời gian chuẩn bị nguyên liệu, xếp lên chiếc xe đẩy cũng là quầy hàng nhỏ để sẵn sàng bán vào buổi tối, từ 18h đến 0h.
Trở về nhà khi đã gần 1h sáng, mệt nhoài, nhưng cô gái sinh năm 1999 vẫn vui vẻ vì đang được làm điều mình thích.
"Từ bỏ công việc có thu nhập có thể nói là khá ổn so với mức sống ở quê để khởi nghiệp kinh doanh, tất nhiên tôi đối mặt nhiều nghi hoặc và cả sự phản đối. Nhưng đây không phải quyết định bồng bột mà tôi đã cân nhắc kỹ. Dù sau này có đi đến đâu, ít nhất tôi sẽ không hối hận vì đã dám thử một lần", Thanh Xuân nói với Tri Thức - Znews.
Bỏ việc đi bán hàng lề đường
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Buôn Ma Thuột năm 2017, Thanh Xuân vào TP.HCM đi làm thay vì học đại học. Cô trải qua nhiều công việc, từ phục vụ nhà hàng, lễ tân đến nhân viên bộ phận bảo hành đồng hồ. Năm 2019, Xuân về quê làm việc tại một công ty thời trang chuyên về mũ bảo hiểm. Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch, cô đi làm trở lại vào năm 2023.
"Mức lương ở công ty thời trang sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như doanh số bán hàng, giờ làm, vị trí cửa hàng, thâm niên. Trước đây, thu nhập của tôi dao động 16-20 triệu đồng. Có những thời điểm chạy chương trình khuyến mãi lớn trong năm, tôi có thể nhận được hơn 20 triệu đồng", Xuân nhớ lại.
![]() |
Thanh Xuân bị ngăn cản khi quyết định bỏ việc để khởi nghiệp. |
Tuy có mức thu nhập ổn, Thanh Xuân nhiều lúc cảm thấy buồn chán khi công việc lặp đi lặp lại, không phải đam mê. Sau khoảng một năm cân nhắc, cô quyết định xin nghỉ vào sau Tết Nguyên đán để khởi nghiệp kinh doanh.
Khi đó, gia đình, bạn bè đều ngăn cản, khuyên Xuân "ráng làm", cố gắng tích luỹ thêm kinh nghiệm và giữ mức thu nhập ổn định, nhất là trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng khó khăn.
"Người trẻ chưa từng kinh doanh như em sẽ không thể làm được", "Đừng thấy người ta buôn bán vỉa hè đắt hàng mà tưởng màu hồng", "Tới lúc thất bại rồi lại lọ mọ đi tìm việc mới để làm hả". Những ý kiến phản đối liên tục được mọi người đưa ra, khuyên cô gái sinh năm 1999 nghĩ lại. Tuy nhiên, Xuân đã quyết là làm.
Ban đầu, Xuân dự định bán cà phê và bánh bao vào buổi sáng bởi đều là món tiện lợi, giá cả hợp lý cho cả học sinh và người đi làm. Kinh doanh quầy vỉa hè cũng có lợi thế không tốn tiền mặt bằng, từ đó giá bán mềm hơn.
Cầm 10 triệu đồng, Xuân bắt tay vào làm, có thêm sự đồng hành của người yêu. Cô mua một quầy tủ từ hàng thanh lý, nhờ bạn bè biết thiết kế làm bảng hiệu, menu.
"Người yêu tôi từng kinh doanh đồ uống nên có kinh nghiệm, mẹ tôi cũng có 20 năm bán cà phê nên hỗ trợ tư vấn cho tôi rất nhiều. Về bánh bao, sẵn có người nhà làm nên tôi nhập luôn về bán", Xuân kể.
Không hối hận
Với tất cả sự hào hứng, Thanh Xuân bắt đầu dọn quầy bán hàng ở trước đình Lạc Giao thuộc khu di tích tham quan của thành phố. Buổi tối, cô vẫn thường thấy tại đây có người bán cơm, hàng ăn nên nghĩ ban ngày cũng tương tự.
Đến ngày thứ hai, khi bị cơ quan chức năng địa phương đến làm việc, Xuân mới biết khu vực này cấm tụ tập buôn bán ban ngày vì gây mất mỹ quan thành phố, buổi tối có thể cân nhắc vì khi đó đình không mở cửa.
![]() |
Thanh Xuân không hối hận khi quyết định nghỉ việc. |
Sau đó, Xuân phải dọn dẹp quán, thanh lý quầy tủ, đổi menu, tìm địa điểm mới và quyết định chuyển sang bán buổi tối. Lần này, cô tập trung nhiều hơn vào các món nước giải khát.
"May mắn là sau khi đổi chỗ và chỉnh lại menu, quầy hàng của tôi hiện có lượng khách khá ổn, cộng thêm đơn hàng trên ứng dụng online. Dù chưa có con số lời lãi cụ thể vì mọi thứ chưa ổn định, nhưng tôi cho là mọi thứ đang tiến triển theo hướng tích cực", cô chia sẻ.
Hiện, ngoài bán hàng buổi tối, Thanh Xuân tranh thủ học thêm tiếng Trung Quốc vào ban ngày. Cô và người yêu cũng đang chuẩn bị khai trương thêm một quán cà phê bán cả ngày.
Với Thanh Xuân, dù chuyển sang công việc đứng dãi nắng dầm mưa, cô hạnh phúc vì được bước ra khỏi vùng an toàn, trở nên mạnh mẽ, nỗ lực nhiều hơn. Tranh thủ lúc rảnh, cô ghi lại một số hình ảnh của quán rồi đăng lên mạng, được nhiều bạn trẻ địa phương biết đến ủng hộ.
"Có hôm mưa khách không có chỗ trú, người phải đứng trong quầy, người ngồi xổm vỉa hè mà vẫn vui vẻ. Có bạn học sinh thích bánh, hôm nào cũng ghé mua suốt cả tháng trời. Lại có khách thấy tôi bận quá, xúm vào giúp giã chanh luôn. Những vị khách đáng yêu đó là động lực rất lớn để tôi có năng lượng bán hàng mỗi ngày", cô chia sẻ.
Thanh Xuân cho biết dù tương lai thất bại hay thành công, cô vẫn không hối hận về lựa chọn của mình.
"Trong bối cảnh thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt, làn sóng sa thải rộng rãi, quyết định của tôi nghe có vẻ điên rồ. Nhưng tôi muốn nhân lúc bản thân còn can đảm, còn đủ nhiệt huyết của tuổi trẻ có thể đi từng bước nhỏ trên hành trình của chính mình. Tôi tin rồi sẽ đến lúc đi được đến đích", Xuân bày tỏ.
Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.