![]() |
Xe nước nhỏ của Hà My và Lan Anh phục vụ khách từ 15h đến 19h mỗi ngày. |
Hà My (30 tuổi) từng là nhân viên văn phòng tại Hà Nội. Trong khi đó, Lan Anh (38 tuổi) nhiều năm gắn bó với công tác ở Hà Giang. Chung sở thích xê dịch và lối sống tối giản, 2 cô gái quyết định rời thành phố đến sinh sống tại đảo Phú Quý (Lâm Đồng). Hành trang của họ gồm vài bình nước trái cây ngâm và một giấc mơ nhỏ.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Hà My kể: “Trước khi đến đây, chúng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện 'bỏ phố về đảo'. Nhưng càng tìm hiểu, nghe bạn bè kể về vẻ đẹp và con người nơi này, tôi càng thấy Phú Quý là một điểm đến xứng đáng để thử sống chậm".
![]() ![]() ![]() |
“Quán nhỏ, nhưng chúng tôi muốn nó chứa nhiều tình cảm. Tụi tôi không chỉ bán nước mà còn chia sẻ lối sống mình yêu,” Lan Anh nói. |
Không chọn mở quán cà phê theo xu hướng, họ dựng một chiếc xe nước lưu động nhỏ gọn. Mọi chi tiết từ bảng tên vẽ tay, giá để đồ, hoa len tự móc đến 3 món nước chính - nước mơ, nước sấu, nước dâu tằm - đều do hai cô gái tự tay chuẩn bị.
“Tôi mất 3 tháng chỉ để ngâm các loại quả theo mùa. Mơ chỉ có từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 mới có”, Lan Anh chia sẻ.
Chiếc xe bắt đầu hoạt động từ ngày 9/7. Ngày đầu mở bán chỉ vỏn vẹn 4 ly, nhưng với sự giúp sức đầy bất ngờ từ những người lạ - nhóm trẻ con trong xóm ríu rít giúp mời khách, cô hàng xóm cho gửi nhờ đồ, bà con hỏi han buổi bán đầu tiên - mọi thứ nhanh chóng thay đổi.
“Sang ngày thứ hai, tôi bán được 10 ly, rồi 20 ly. Có người còn nhắn sẽ mặc áo dài ghé quán chỉ để chụp ảnh chung cho vui”, Hà My kể.
![]() ![]() |
Người dân địa phương hỗ trợ (ảnh trái) và du khách tìm đến quán chụp ảnh check-in. |
Chiếc xe nước nhỏ nhưng nổi bật, không chỉ vì hương vị Bắc giữa miền Trung, mà còn bởi hình ảnh hai cô chủ mặc áo dài đứng giữa nắng gió, mời khách bằng những nụ cười nhẹ tênh.
Chuyện tìm chỗ bán cũng là một kỷ niệm đặc biệt. Do xe không có mái che, họ phải chọn nơi có bóng mát, gần khách du lịch. Thế là từ anh chở xe điện, chị gội đầu đến bà con hàng xóm đều nhiệt tình góp ý. Ngoài ra, khó khăn còn nằm ở bài toán khẩu vị. Người dân đảo chuộng vị ngọt, trong khi đặc trưng của nước ngâm miền Bắc thường thiên chua.
![]() ![]() |
Hành trình mở quán trên đảo Phú Quý của 2 cô gái Hà Nội nhận được nhiều quan tâm, ủng hộ của người dân địa phương và cộng đồng mạng. |
Nhưng trên tất cả, điều khiến hai cô gái gắn bó với đảo không phải lợi nhuận.
“Chúng tôi học được từ người dân nơi đây rất nhiều, sự gọn gàng, tinh tế trong sinh hoạt, sống chậm rãi, sống thật. Có cảm giác như được sống giữa một cộng đồng ấm áp, như đang trong phim Reply 1988 vậy”.
Hiện tại, họ chưa nghĩ đến chuyện mở rộng hay quay về phố. “Cuộc sống ở đây đủ đầy theo cách rất riêng. Mỗi ngày đều được làm điều mình thích, bằng tất cả tâm huyết. Và điều đó, với tụi mình, là hạnh phúc”, Lan Anh nói.
Với những ai đang cân nhắc “bỏ phố về đảo”, hai cô gái có một lời khuyên ngắn gọn: “Đừng thử, mà hãy thật. Khi đã xác định rõ điều mình muốn, chuẩn bị kỹ càng và làm cố gắng, không gì là không thể”.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình