Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái cầm bằng cử nhân trên tay lại tiếp tục học nghề

22 tuổi, cầm tấm bằng trên tay, Phạm Thị Tuyết Nhung tiếp tục trở thành sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ.

Cô nữ sinh sinh năm 1995 vừa mới tốt nghiệp hồi tháng 8 năm nay. Nhung kể, trước khi học ngành Bảo vệ thực vật, em đã từng học chuyên ngành Khuyến nông và Phát triển nông thôn ở đại học.

Sau 3 tháng ra trường không tìm được công việc đúng chuyên ngành, Nhung có thử làm một vài công việc nhỏ nhưng thấy không phù hợp. Lúc ấy, người thân đang làm công việc liên quan ngành trồng trọt nên đã khuyên em học thêm ngành này. Với mong muốn theo nghề đến cùng, Nhung nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.

hoc nghe anh 1

Phạm Thị Tuyết Nhung vừa tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật, khoa Trồng trọt, trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ. Ảnh: NVCC.

“Thật ra ban đầu theo học, em nản chí lắm. Thú thực, ở tuổi đó rồi còn đi học nên em cũng suy nghĩ. Vừa học xong 4 năm đại học, bạn bè cùng trang lứa đều đã đi làm. Nhiều lúc em cũng tự hỏi liệu mình đi học có phải là quyết định đúng đắn không.

Nhưng khi được học tại trường, môi trường học tập năng động, sáng tạo đã lôi cuốn em, khiến em không còn thời gian để buồn chán nữa. Một điều mà em rất thích về trường là chúng em được thực hành ngoài thực tế rất nhiều. Điều đó giúp mọi lý thuyết trở nên rõ ràng hơn. Được tự mình làm khiến việc học cũng trở nên thú vị” - Nhung chia sẻ.

Nhờ chăm chỉ học tập cộng với nền tảng kiến thức về nông nghiệp từ 4 năm học đại học, năm 2018, Nhung đã đạt giải nhì nghề chọn và nhân giống cây ở hội thi tay nghề cấp bộ. Sau 3 năm học, cô cũng đạt kết quả học tập xuất sắc với số điểm tổng kết 3,8/4,0.

Vào tối 9/10, Nhung được chọn là một trong những học sinh, sinh viên tiêu biểu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên dương toàn quốc năm 2020.

Khi được hỏi tại sao lại nhất quyết học về nông nghiệp, Nhung nói: “Từ trước đến nay mọi người cứ nghĩ liên quan đến nông nghiệp là nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng em nghĩ, chẳng có ngành nghề nào lạc hậu, chỉ có con người có khiến nó lạc hậu hay không thôi. Chúng em theo nghề này là vì muốn phát triển nền nông nghiệp tốt hơn, để cho mọi người thấy rằng, trong thời đại mà công nghệp và dịch vụ được chú trọng phát triển thì nông nghiệp cũng đang phát triển ngày một tốt hơn, hiện đại hơn. Ví dụ như ngành học của em sẽ giúp cây trồng khỏe mạnh, đạt năng suất chất lượng hơn, và như thế thì kinh tế cũng sẽ phát triển theo”.

Nói về việc phụ nữ làm nông nghiệp, Nhung cho rằng tố chất chịu thương chịu khó, tỉ mỉ của phụ nữ là một điểm thuận lợi. Tuy nhiên, do phụ nữ phải lo toan cho gia đình nhiều hơn nên việc đi tham quan, giao lưu, học hỏi cũng khó khăn hơn đàn ông.

Mong muốn của Nhung hiện tại là được làm việc ngay tại chính quê hương mình.

“Gia đình em thuần nông nên em mong muốn mình sinh ra ở đâu, lập nghiệp ở đó. Em muốn được trở thành một cán bộ khuyến nông viên hoặc bảo về thực vật. Nếu có thể có một công việc trong biên chế Nhà nước thì tốt, sau đó em sẽ kết hợp bán vật tư nông nghiệp hoặc thuốc bảo vệ thực vật” - Nhung chia sẻ.

hoc nghe anh 2

Nhung được nhận xét là một sinh viên có đam mê với nghề. Ảnh: NVCC.

Nhận xét về Nhung, thầy Trần Ngọc Trường - giảng viên khoa Trồng trọt, người trực tiếp dạy Nhung nhiều môn học cho biết: “Nhung là một học sinh có tinh thần, trách nhiệm cao trong việc học tập và rất nhiệt tình trong các hoạt động thể thao, văn nghệ của trường. Đặc biệt, em có đam mê với nghề, rất thích tìm hiểu nhiều kỹ thuật mới. Đó cũng là lý do chúng tôi chọn em để tham gia kỳ thi kỹ năng nghề cấp Bộ”.

Thầy Trường còn nhớ khi học ở trường, có những buổi không phải giờ học nhưng Nhung vẫn xuống vườn thực hành của trường để nghiên cứu thêm. Ngoài giờ học trên lớp, em đi làm nhân giống cây ở một trung tâm nghiên cứu cây trồng gần đó để bổ sung thêm kiến thức chuyên ngành.

Thầy Trường cũng cho biết ngành trồng trọt nói riêng và các ngành về nông nghiệp nói chung hiện nay không được nhiều học sinh “mặn mà”, có thể vì nó vất vả, chân lấm tay bùn. Tuy nhiên, ngành này vẫn có cơ hội việc làm cao sau khi ra trường. Và thường những em đã chọn nghề này đều là những em yêu nghề.

Danh sách trúng tuyển ĐH Y Dược TP.HCM có 23 em đạt từ 30 điểm

Những thí sinh này đều trúng tuyển vào ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt của ĐH Y Dược TP.HCM.

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/co-gai-tot-nghiep-dai-hoc-lai-tiep-tuc-hoc-nghe-679656.html?fbclid=IwAR2aqNLmlipZycV9xb8UbSDPVt1XgkoLugaKvHoK6Or5MY-LjeCaVyhxnWQ

Linh Chi/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm