Thể loại: Giật gân, tâm lý, kinh dị
Diễn viên chính: Chicha Amatayakul, Chanya McClory
Đánh giá: 7/10
Girl from Nowhere là series phim giật gân của Thái Lan, ra mắt năm 2018. Tác phẩm gồm nhiều câu chuyện ngắn, xoay quanh những góc tối học đường như nạn quay cóp, bắt nạt, tham nhũng, bệnh thành tích, tình dục tuổi vị thành niên… Tại Việt Nam, phim còn được biết đến với tên gọi Cô gái đến từ hư vô.
Ngày 7/5, mùa thứ hai của Girl from Nowhere chính thức lên sóng dịch vụ xem video trực tuyến Netflix. Theo thống kê của nền tảng, trong vòng 24 tiếng, phim đã vươn lên vị trí thứ 8 trong top 10 tác phẩm có lượt xem đông nhất tại Việt Nam.
Bức tranh nền giáo dục nhiều tiêu cực
Nhân vật trung tâm của Girl from Nowhere là Nanno (Chicha Amatayakul), một học sinh mới chuyển trường. Nanno xinh xắn, thông minh và tò mò. Tuy nhiên, thân phận nữ sinh chuyển trường chỉ là vỏ bọc che giấu con người thật của cô.
Bất cứ nơi đâu Nanno xuất hiện, bất hạnh sẽ kéo đến. |
Dù mùa một không dành thời gian làm rõ, khán giả vẫn đủ hiểu Nanno thực chất là thực thể hắc ám với nhiều năng lực siêu nhiên. Hễ cô xuất hiện ở đâu, nơi ấy sẽ xảy ra bi kịch.
Nanno nhiều phần gợi nhắc nhân vật Tomie trong truyện tranh của Junji Ito nhờ vẻ đẹp ma mị, khả năng thao túng suy nghĩ của nạn nhân và sức sống bất diệt.
“Cô gái hư vô” Nanno chính là thuốc thử, làm hiện hình những mâu thuẫn sâu kín nhất trong bức tranh thanh xuân vườn trường tưởng chừng hoàn hảo. Chính cô cũng đóng vai trò là kẻ đưa đẩy, đôi lúc “đâm bị thóc, chọc bị gạo” để các nhân vật bộc lộ thói hư tật xấu của bản thân.
“Nạn nhân” của Nanno là những cô cậu học trò tuy còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã bị tiêm nhiễm thói tật từ người lớn, là thầy cô giáo mang sứ mệnh trồng người nhưng lại chà đạp học sinh vì tư lợi, là các vị phụ huynh phớt lờ suy tư của con cái…
Nanno là nữ chính của cả series. Nhưng trong từng tập phim, cô chỉ góp mặt ở hàng thứ, nhường sân khấu cho từng nhân vật cất tiếng. Thứ âm thanh cất lên từ lồng ngực họ, nếu không nhờ sự can thiệp thô bạo của cô gái hư vô, có thể chẳng bao giờ được lắng nghe.
Nói Nanno là ngôi sao chổi mang điềm xấu đến các ngôi trường trung học cũng không sai. Nhưng sẽ chính xác hơn nếu mô tả cô là bà tiên đỡ đầu cho những ẩn ức chờ được giải phóng. Xem phim, từ chỗ sợ hãi Nanno cũng như thứ bạo lực phát sinh từ tuyệt vọng, khán giả sẽ dần phải lòng cô gái, cũng như tìm thấy ít nhiều đồng cảm với các nhân vật người trần mắt thịt trên màn ảnh.
Mùa phim mới hỗn loạn
Sau gần ba năm yên ắng, Girl from Nowhere đã trở lại với mùa thứ hai. Phim vẫn trung thành với lối tập hợp các câu chuyện ngắn (anthology), hấp dẫn và đầy ám ảnh khi lấy đề tài tiêu cực trong đời sống học đường. Tuy nhiên, mùa mới cũng có những điều chỉnh đáng kể về nội dung cũng như cách thể hiện.
Mùa phim mới mang đến cho khán giả nhiều góc nhìn và cách thể hiện đa dạng. |
Mùa hai bị rút ngắn còn 8 tập, tức ngắn hơn 1/3 so với mùa đầu tiên. Dù vẫn tôn trọng truyền thống mỗi tập phim một ngôi trường, một câu chuyện, Girl from Nowhere 2 đã phát triển thêm một cốt truyện phụ xoay quanh Nanno. Nội dung xâu chuỗi toàn bộ sự kiện trong mùa hai thành một mạch tình tiết theo tuyến tính thời gian.
Girl from Nowhere 2 ngắn hơn về số tập, nhưng lại cho thấy sự đa dạng trong thể loại lẫn cách thể hiện. Nếu 13 tập phim đầu tiên nhấn mạnh vào yếu tố giật gân, pha chút kinh dị, thì mùa hai pha trộn thêm đặc trưng của nhiều thể loại khác.
Ví như tập Pregnant mang nặng yếu tố tâm lý, nhưng tới True Love lại “chuyển tông” sang thể loại hài châm biếm. Tiếp đó, Minnie and the Four Bodies gợi nhắc dòng phim kinh dị slasher (đâm chém)…
Nhưng sự thay đổi liên tục trong thể loại, dẫn tới khác biệt trong màu phim và cách dẫn truyện. Hậu quả là tổng thể Girl from Nowhere 2 rời rạc, khó duy trì được mạch cảm xúc hồi hộp và sợ hãi tới phút cuối như trước. Tình trạng có thể được cảm nhận một cách rõ ràng nếu khán giả xem liên tục 8 tập phim mà không có khoảng nghỉ ở giữa.
Sau mùa phim mở màn gây ám ảnh vì sự thô ráp của thông điệp và sòng phẳng trong lối giải quyết vấn đề, Girl from Nowhere 2 trở nên ủy mị hơn. Mỗi tập phim đều bắt đầu và kết thúc bằng những bài diễn văn mang tính khuyên răn, giảng đạo.
Với một bộ phim đề cao tính giải trí trong những câu chuyện đi ngược luân thường đạo lý như Girl from Nowhere, một bài học đạo đức đóng khung là điều không thừa. Nhưng đưa nó vào mọi tập phim mang đến hiệu quả trái ngược, dễ làm khán giả trung thành của series nản lòng.
Một núi không thể có hai hổ
Điểm nhấn trong mùa phim thứ hai đến từ sự xuất hiện của Yuri (Chanya McClory) - thiếu nữ thắt ruy băng đỏ duy nhất trong bộ phim mà mọi cô gái đều mang ruy băng xanh.
Sự xuất hiện của Yuri nhiều khả năng làm thay đổi tương lai của loạt phim. |
Yuri là một thực thể hắc ám giống như Nanno. Tuy nhiên, dù sinh sau đẻ muộn, Yuri lại độc ác và manh động hơn người đi trước rất nhiều. “Một núi không thể có hai hổ”, Girl from Nowhere 2 chính là cuộc đối đầu giữa hai thực thể hắc ám này.
Ở mùa một, tập Lost & Found đánh dấu một khoảnh khắc đặc biệt của loạt phim, khi thứ gì đó tựa mầm mống cảm xúc đã nhen lên trong lòng Nanno. Sang tới mùa hai, nữ quái như lột xác. Cô dành nhiều thời gian để lắng nghe nạn nhân của mình hơn, thậm chí cho thấy sự chia sẻ với nỗi bất hạnh của họ.
Tiếng cười như xé vải, vang lên trong mỗi tập phim khi Nanno quyết định chơi bài ngửa với các nạn nhân cũng ít dần, rồi tắt hẳn từ tập 7. Thậm chí, lần đầu tiên sau ba năm, khán giả thấy nữ chính ngang ngược rơi nước mắt.
Sự thay đổi là màn sắp đặt lộ liễu (và gây thất vọng) của biên kịch. Đứng trước một thế lực mới táo tợn, hiếu chiến và tràn đầy thù hận, Nanno bất đắc dĩ phải khoác tấm áo choàng anh hùng. Trách nhiệm của cô giờ đây là bảo vệ những học sinh và thầy cô giáo - vốn đã là nạn nhân của chính môi trường sống độc hại quanh mình - trước nanh vuốt của một kẻ chỉ chuyên gieo rắc hỗn loạn.
Nanno trong Girl from Nowhere 2 đã phạm phải sai lầm mà nữ chính trong hai tập Wonderwall của mùa trước từng mắc phải. Nhưng giống như mọi siêu anh hùng đều phải gục ngã để có màn “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, khán giả có thể kỳ vọng màn xuống phong độ của Nanno trong mùa hai chỉ là bước đệm để cô trở lại với đúng chất lạnh lùng, quyết đoán như đã thể hiện trong khoảnh khắc đầu tiên bước lên màn ảnh.