Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái kể chuyện bị gạ tình và tai nạn khi đi phượt

Bánh xe máy sát mép vực thẳm, bị ngã nằm bất động không ai giúp đỡ hay kẻ xấu gạ tình… là những chuyện cô gái Thảo Nguyên gặp phải khi đi phượt một mình.

Tuần qua, câu chuyện 2 cô gái đi xe máy từ TP.HCM ra Hà Nội chỉ trong vòng 40 giờ gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều dân phượt cho rằng hai chị em hoàn toàn có thể vượt quãng đường khoảng 1.850 km trong chưa đến hai ngày nhưng họ không ủng hộ việc này vì quá "hành xác". Thậm chí, một số người nhận định đi như vậy chẳng khác gì tự sát.  

Tiếp đó, ngày 23/2, một du khách Ba Lan và hướng dẫn viên người Việt tử vong tại Hang Cọp, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vấn đề du lịch mạo hiểm một lần nữa "nóng" tại một số diễn đàn mạng.

Phượt thủ Lê Bùi Thảo Nguyên (26 tuổi, sống tại TP.HCM) đã chia sẻ với Zing.vn câu chuyện về những chuyến đi “một mình một ngựa sắt” trên các nẻo đường từ Nam ra Bắc suốt 4 năm qua.

Sau những kỷ niệm bị lạc đường tại Lào Cai, ngã xe ở Y Tý nhưng không có ai giúp, hay suýt lao xuống vực thẳm trên những con đèo vùng Tây Bắc…, cô gái muốn đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ hãy biết quý trọng bản thân và cân nhắc kỹ khi phượt mạo hiểm.

Du lich mao hiem anh 1
Thảo Nguyên thường xuyên chạy xe độc hành trong nhiều năm qua. Ảnh: T.N.

Lo sợ bị bán sang biên giới

Lần lạc đường tại Lào Cai, tôi vẫn nhớ cảm giác sợ hãi và lo lắng. Không ít lần tôi tự ngẩng mặt lên trời hỏi: “Tôi đang làm gì ở đây? Một mình giữa cái chốn đến khỉ cũng không có này?".

Đường mỗi lúc một hẹp, nhiều đá hộc và cả sình lầy. Con đường đi sâu vào bản, có đoạn dốc đến hơn 30 độ. Qua một khúc quanh, con rắn đen to gần bằng bắp tay, dài đến gần 1,5 m trườn nhanh qua đường khiến tôi loạng choạng tay lái.

Tôi liếc nhìn vực sâu, cố ghì chặt tay lái và lạnh toát người mỗi khi bánh trước sát mép vực, tiếng đá lăn xuống tạo nên âm thanh khô khốc. Mãi về sau, 2 người đàn ông giúp tôi quay đầu xe chạy ra đường lớn và tìm được một nhà nghỉ khi toàn thân đã mệt nhoài.

Ngày gần cuối của hành trình Tây Bắc, tôi tiến thẳng về Cao Bằng. Tôi tìm được phòng nghỉ và bị một người đàn ông khoảng 30 tuổi gạ gẫm sang biên giới chơi.

Anh ta nhìn chằm chằm như muốn "ăn tươi nuốt sống" người mới gặp rồi hỏi tôi ở phòng nào. Tôi run như cầy sấy nhưng vẫn tỏ vẻ bình tĩnh và từ chối. Tối hôm đó, tôi ôm con dao găm mang theo đi ngủ với nỗi sợ ngày mai mình sẽ bị bán sang biên giới.

Sáng hôm sau, việc đầu tiên tôi làm là chất ba lô lên xe và rời đi ngay. Còn nhiều nơi muốn tham quan, nhưng thật sự, tôi không muốn ở đây thêm giây phút nào nữa.

Chuyến đi lên Y Tý săn mây vào tháng 2/2016, tôi cũng trở về từ cõi chết sau một tai nạn trên đường vắng. Quá mệt sau gần 10 ngày lang thang, tôi không đứng lên nổi sau khi bị chiếc xe máy đè lên chân phải.

Vì đi một mình, không có ai hỗ trợ, lúc lâu sau, tôi mới trấn tĩnh lại rồi cố gắng rút chân ra, đứng dậy, dựng xe và dắt bộ ngược lại một km để tìm hàng sửa xe.

Lần đi Phú Yên cách đây 4 năm, tôi không thể ngờ rằng mình bị người đàn ông gạ tình trên đường. Ngày ấy, tôi mới bắt đầu những chuyến hành trình và vô tư leo lên xe người đàn ông lạ đi nhờ. Được một đoạn, anh ta gạ gẫm và hành động mất lịch sự, tôi liều nhảy xuống đường khi xe đang chạy. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn rùng mình.

Du lich mao hiem anh 2
Những cung đường khá nguy hiểm tại Tây Bắc. Ảnh: Hoài Việt.

'Đừng tỏ ra sợ hãi khi nguy hiểm rình rập'

Nghĩ lại, tôi vẫn hơi sợ hãi khi một mình du lịch mạo hiểm, chỉ cần một giây bất cẩn, không tập trung, sẽ không thể về nhà được nữa.

Tôi cho rằng con gái đi đường xa nên chuẩn bị kỹ lịch trình từ trước, nhất là chuyện sẽ nghỉ đêm ở đâu. Các cô gái nên tránh trường hợp trời tối vẫn chạy xe trên những cung đường lạ và vắng.

Con gái đi một mình cũng nên tìm hiểu kiến thức về xe cộ, nên biết hỏng chỗ nào và luôn phải mang đồ sửa xe theo.

Khi nghỉ đêm, tôi luôn chọn nơi đông người. Điều quan trọng nhất khi đi một mình là phải luôn tỏ ra bình tĩnh, nhất là lúc gặp người xấu, tuyệt đối không được để lộ mình đang sợ.

Trước khi du lịch mạo hiểm, các bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe. Phượt thủ cũng cần được huấn luyện kỹ càng và xem bản thân có phù hợp chuyến đi hay không, nhất là với các bạn nữ.

Trên quãng đường dài, bạn không nên uống rượu; ăn uống, bổ sung nước đầy đủ và nghỉ ngơi cần thiết khi mệt.

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả.

Những tai nạn đáng tiếc khi du lịch mạo hiểm

Ngày 23/2, một du khách người Ba Lan và một hướng dẫn viên người Việt gặp nạn tử vong tại Hang Cọp, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dù có biển cấm, một số hướng dẫn viên vẫn để khách chơi trò đu dây vượt thác.

Ngày 26/2/2016, 3 du khách người Anh tử nạn khi đang tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Ngày 29/2/2016, một du khách người Belarus được tìm thấy tử nạn tại thác nước thuộc địa phận huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng do nhảy xuống khu vực nước sâu 7 mét để tắm.

Bốn tháng sau đó, du khách người Anh tên Aiden Webb mất tích vào ngày 4/6 khi đang tham gia du lịch mạo hiểm leo đỉnh Fansipan tại Lào Cai. Trưa 9/6/2016, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể của Aiden.

Trước những tai nạn nghiêm trọng 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra nhiều quy chế siết chặt hoạt động du lịch mạo hiểm.

Nguy hiểm rình rập từ du lịch đu dây vượt thác Nhiều tai nạn thương tâm xảy ra với những du khách tham gia các tour du lịch mạo hiểm đu dây vượt thác tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

'Chạy xe từ Nam ra Bắc trong 40 tiếng không khác gì tự sát'

“Tôi là đàn ông hay đi đường dài mà cầm lái 400 km đã ngủ gật liên tục. Hai cô gái chạy xe từ Nam ra Bắc trong 40 giờ quá nguy hiểm”, phượt thủ Hoài Việt nói.



Lê Bùi Thảo Nguyên

Clip: VTV

Bạn có thể quan tâm