Jiang Mengnan (29 tuổi) được đài CCTV vinh danh là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng ở Trung Quốc năm 2021 sau khi trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng, theo South China Morning Post.
Jiang sinh ra ở tỉnh Hồ Nam. Khi mới 6 tháng tuổi, cô mất đi thính giác sau khi người thân cho cô uống nhầm thuốc trị viêm phổi.
Sau đó, mẹ Jiang đã tham gia các lớp tư vấn giáo dục đặc biệt để học kỹ năng nuôi dạy trẻ khiếm thính. Cứ như vậy, với sự giúp đỡ của cha mẹ, Jiang dần nắm bắt được cách đọc môi, qua đó có thể nói.
Jiang nhớ bố mẹ đã bế cô trước gương, cho cô quan sát hình dạng khuôn miệng của họ khi nói để bắt chước cách phát âm.
Jiang học cách đọc môi từ cha mẹ kể từ khi mất đi thính lực. Ảnh: Baidu. |
“Chỉ với một ký tự, nếu tôi có thể phát âm tốt sau khi luyện tập 10.000 lần, bố mẹ tôi sẽ cảm thấy rất vui. Bộ nhớ cơ bắp chỉ có thể được hình thành thông qua luyện tập nhiều lần. Một số chữ có cách phát âm tương tự nhau, khi đó, bố mẹ sẽ đặt tay tôi gần miệng họ để cảm nhận sự khác biệt của luồng không khí giữa các chữ này”, Jiang nói với CCTV.
Cô gái 29 tuổi coi đọc môi là một "món quà quý giá" mà cha mẹ đã tặng mình. Nhờ kỹ năng này, Jiang không cần đến các trường giáo dục đặc biệt dành cho học sinh khuyết tật mà học ở trường bình thường.
Trong thời gian học cấp 1 và cấp 2, Jiang ngồi ở hàng ghế đầu của lớp, quan sát khẩu hình của giáo viên để nắm được kiến thức. Điểm số của cô luôn đứng đầu lớp.
Khi sống trong ký túc xá ở trường trung học, Jiang đặt đồng hồ báo thức trên điện thoại di động vào mỗi buổi tối và giữ chặt nó cả đêm để có thể cảm thấy rung khi chuông reo.
"Tôi không bao giờ nới lỏng tay khi ngủ. Có thể nhiều người khác không làm được điều này, nhưng với tôi, nhất định phải làm được".
Jiang mong muốn có những khám phá về dược lý có ích cho xã hội. Ảnh: China Today. |
Năm 2011, Jiang đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học đầy cam go của Trung Quốc và được nhận vào Đại học Cát Lâm, ngành dược. Ban đầu, cô muốn theo học ngành y song phải từ bỏ ước mơ làm bác sĩ vì khiếm thính.
Sau đó, Jiang lấy bằng thạc sĩ. Năm 2018, cô được nhận vào làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa.
"Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự ti về vấn đề thính giác của mình. Tôi chỉ cảm thấy thất vọng và nghĩ điều đó thật bất công đối với tôi. 'Tại sao người khác nghe được, còn mình thì không?'. Tôi phàn nàn với bố mẹ, họ an ủi tôi rằng đây là thực tế không thể thay đổi. Tốt hơn hết là làm việc chăm chỉ để vượt qua khó khăn thay vì phàn nàn", Jiang nói.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình yếu đuối. Tôi sẽ tự động viên mình, nói rằng với bản thân rằng tôi không thua kém người khác và thậm chí có thể làm tốt hơn".
Jiang không tránh nói về khiếm khuyết của mình. Khi quen một người bạn mới, cô sẽ nói rằng mình không thể nghe thấy. Trong tương lai, Jiang hy vọng sẽ có những khám phá về dược lý có ích cho xã hội và hiện thực hóa những ý tưởng của mình.