Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái liên tục đá vào đầu kẻ trộm: Không ai can để quay clip sống ảo?

Thấy ẩu đả, người đi đường nhanh chóng quay clip, tung lên mạng, thu hút sự chú ý của hàng nghìn người. Phải chăng chúng ta đang ngày càng bạo lực, vô cảm và sống ảo?

Cô gái gây tranh cãi khi liên tục đá vào đầu người khác Cho rằng mình bị trộm đồ, cô gái đá liên tục vào đầu người khác. Người đi đường ghi lại cảnh bạo lực này và đăng lên mạng.

M

ới đây, clip dài 36 giây ghi lại cảnh cô gái dùng chân đạp liên tiếp vào đầu, cơ thể một thiếu nữ khác được đăng lên mạng.

Điều đáng nói, chỉ một người chứng kiến vụ việc lên tiếng can ngăn và nhanh chóng bị người khác phản bác. Không ai có hành động cụ thể để chấm dứt hành vi bạo lực diễn ra ngay trước mắt họ.

Thay vào đó, người xem rút điện thoại, ghi hình rồi đăng lên mạng xã hội, tạo thành đề tài để hàng nghìn dân mạng vào thảo luận, chỉ trích, thậm chí bày tỏ muốn dùng bạo lực đáp trả hành vi dã man của cô gái trong đoạn video.

Bạo lực là ưu tiên số 1?

Theo những gì được quay lại, cô gái áo trắng đánh người vì nghi vấn trộm đồ. Nạn nhân hoàn toàn không phản kháng, chỉ dùng tay che mặt tự bảo vệ mình trước sự tấn công của người đối diện hay ống kính điện thoại của những người đi đường.

nu sinh danh nhau anh 1
Cô gái bị đánh dã man vì tội ăn trộm đồ. Ảnh cắt từ clip.

Clip trên được đăng kèm dòng chú thích: "Hỏi thật nhé, nếu con gái của bạn bị đánh như thế này, bạn sẽ làm gì?".

Nhiều người khẳng định sẽ đáp trả bằng bạo lực nếu con họ gặp cảnh tương tự. Một số người còn nghĩ ra các cách trừng phạt gấp bội, thậm chí sẵn sàng giết người.

"Con cháu nhà tôi mà bị như này, kiểu gì tôi cũng thuê đầu gấu đánh cho nó tơi bời, rồi ra sao thì tính tiếp", Vân Anh Vũ bình luận.

Trong khi đó, không ít người tỏ ra đồng tình với hành động của cô gái áo trắng, cho rằng kẻ ăn trộm đáng bị đánh.

"Cô kia bị đánh vì ăn trộm đồ. Oan lắm sao mà kêu pháp luật vào cuộc? Con gái còn nhỏ đã ăn trộm, lớn lên làm tướng cướp à? Bị đánh là đúng", Huy Duc khẳng định.

Một số người khác đồng tình với quan điểm này nhưng cảm thấy không cần ra tay nặng vậy, chỉ cần "tát mấy cái cảnh cáo là được".

Ủng hộ bạo lực hoặc dùng bạo lực để đáp trả là phản ứng thường thấy khi clip đánh nhau được đăng lên mạng.

Sự chú ý của cộng đồng mạng khiến hình ảnh các cuộc ẩu đả xuất hiện ngày càng nhiều. Và dường như người ta hình thành thói quen dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn.

nu sinh danh nhau anh 2
Các vụ ẩu đả thường xuyên diễn ra trong giới trẻ. Ảnh cắt từ clip.

Gần đây, chiều 13/4 xảy ra vụ hai xe khách va chạm trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Tài xế và phụ xe hai bên lao vào đánh nhau dữ dội. 

Ngày 18/3, hai cô gái ẩu đả ở phố đi bộ quanh hồ Gươm, Hà Nội. Hiện tượng học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn xuất hiện liên tục.

Lý giải hiện tượng này, thạc sĩ Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam) cho biết người gây ra hành vi bạo lực thường thiếu sự kiềm chế về mặt cảm xúc cũng như lý lẽ nên chọn bạo lực để giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, họ có thể từng chịu bạo hành về mặt thể chất khi còn nhỏ hoặc thường xuyên chứng kiến hành vi bạo lực dẫn để hình thành khuôn mẫu hành vi như vậy.

Hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý là môi trường và giáo dục. Những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực chắc chắn bị ảnh hưởng, dần xem đây là chuyện bình thường.

Cổ vũ bạo lực để sống ảo

Ngoài ra, điểm chung dễ nhận thấy trong các vụ đánh nhau là những hình ảnh bạo lực này nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội khi phần lớn người đi đường thường quay clip, thay vì can ngăn.

Clip mang tính bạo lực dễ dàng thu hút sự chú ý từ dân mạng. Hàng nghìn người dành thời gian chửi bới, chỉ trích cả người đánh lẫn nạn nhân.

"Nhiều người trẻ ngày càng bạo lực, vô cảm và sống ảo", thạc sĩ Đào Lê Hòa An nhận định.

nu sinh danh nhau anh 3
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An. Ảnh: NVCC.

Ông cho rằng bản thân người chứng kiến chọn cách ghi hình, tung lên mạng xã hội thường thiếu định hướng giá trị một cách đúng đắn, không loại trừ trường hợp muốn câu like, câu view.

Người chứng kiến cổ vũ, quay lại, coi đây thành hình thức giải trí, công cụ để sống ảo, hạ nhục nạn nhân - người yếu thế trong cuộc bạo hành.

Họ chứng kiến hoặc nghe kể lại câu chuyện nhưng thiếu sự đồng cảm, thậm chí cười cợt, chế giễu người bị đánh. Đây là những phản ứng không phù hợp, phản ánh tình trạng một bộ phận người trẻ ngày càng vô cảm, thiếu tình thương, sự cảm thông với những người xung quanh.

Các vụ việc người trẻ đánh nhau, người chứng kiến quay clip đăng lên mạng khiến vị chuyên gia liên tưởng đến truyện Doraemon. Trong đó, người chuyên gây bạo lực là Chaien nhưng người thực sự nguy hiểm là Xeko - tên mỏ nhọn chuyên khích bác, cổ vũ bạo lực.

Tương tự, mạng xã hội, smartphone cùng sự vô cảm, lối sống ảo vô tình tiếp tay, ngầm ủng hộ biện pháp "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" khi có mâu thuẫn.

Những vụ ẩu đả xảy ra thường xuyên, lặp lại với kịch bản tương tự tạo thành vòng luẩn quẩn của tư duy bạo lực.

Vì thế, ngoài việc trừng phạt người đánh người khác, thạc sĩ Hòa An đề xuất cần có chế tài đối với người lan truyền, cổ vũ bạo lực.

Thông tin đưa lên mạng cần được kiểm duyệt, chọn lọc, mang tính nhân văn. Đương nhiên, cấm đăng clip đánh nhau không phải biện pháp toàn diện và duy nhất. Nhưng hạn chế truyền thông liên quan đến bạo lực cũng có tác dụng nhất định.

Ngoài ra, quyết định sử dụng bạo lực không bột phát trong một sớm một chiều mà khuôn mẫu hành vi này được hình thành từ nhỏ. Do đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp để trẻ định hướng giá trị sống.

Ông hy vọng công tác tư vấn tâm lý tại trường học được xem trọng hơn bởi vì trong các cuộc ẩu đả, cả người đánh lẫn người bị đánh đều là nạn nhân chịu tổn thương tâm lý.

Chỉ khi người trẻ được định hướng lối sống nhân văn, bác ái mới có thể hạn chế bạo lực và học cách giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, hợp tình, hợp lý, bảo vệ chính bản thân và người xung quanh.

Xếp hàng xuyên đêm mua giày 5,3 triệu tại Sài Gòn gây tranh cãi Thông tin về ca khúc "Người âm phủ", 9X xinh đẹp trả tiền 20 bữa ăn cho bà cụ ăn xin, fan mua sao tặng U23 Việt Nam... cũng thu hút giới trẻ quan tâm tuần qua.

Thản nhiên 'mây mưa' ở quán trà sữa: Người trẻ Việt đang làm sao vậy?

Theo TS Trịnh Trung Hòa, thể hiện tình cảm táo bạo chốn đông người đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ Việt, nguyên nhân xuất phát từ việc nhận thức văn hóa lệch chuẩn.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm