Bệnh viện Bạch Mai, ngày cách ly thứ 20 (10/4).
Có lẽ là một ngày dài “mắc kẹt” nữa của Trần Thị Diễm Quỳnh (sinh năm 2002, quê Bắc Ninh) - bệnh nhân ung thư đang điều trị ở đây - khi “chỉ được ở trong phòng, truyền thuốc, uống thuốc, không có mẹ ở bên”.
Thế nhưng, các y bác sĩ ở đây lại tặng cho cô một một món quà đặc biệt.
Đầu tiên, khi từ hành lang bước vào phòng, Quỳnh ngạc nhiên khi màn hình tivi phát một video đặc biệt. Từ bố, bà ngoại đến thầy cô, bạn bè lần lượt gửi lời động viên, tiếp thêm sức mạnh cho Quỳnh tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
Tiếp đó, mọi người đốt pháo bông, hát vang để chúc mừng sinh nhật tuổi 18 của cô từ xa.
Khi Quỳnh còn chưa hết nghẹn ngào vì xúc động, các y bác sĩ bất ngờ bước vào với một chiếc bánh kem, tiếng vỗ tay và bài hát sinh nhật.
Mẹ Quỳnh, trong bộ đồ bảo hộ, tiến tới ôm con gái. Hai mẹ con cứ thế bật khóc. Từ ngày viện Bạch Mai thành điểm nóng của dịch Covid-19, cô chưa được gặp mẹ.
“Có lẽ cả đời này mình sẽ không quên được ngày hôm ấy”, Quỳnh chia sẻ với Zing về sinh nhật đặc biệt trong bệnh viện những ngày chưa gỡ phong tỏa.
Sinh nhật 18 tuổi đã trôi qua 20 ngày, vừa chữa bệnh, vừa cách ly, Quỳnh không mong đợi một bữa tiệc được tổ chức cho mình ngay trong bệnh viện. |
“Tóc rụng có thể mọc lại, chết rồi không sống lại được nữa”
Một ngày cách đây 2 năm, Quỳnh thấy lưng nhói đau khi vừa thức dậy. Cô chỉ nghĩ đó là cơn đau bình thường do tới tháng, không có gì đáng lo ngại.
Sau giờ học, khoảng 11h trưa, cơn đau thắt dần lên lồng ngực khiến Quỳnh đột nhiên khó thở, đau quằn quại. Tại bệnh viện tỉnh, kết quả chụp chiếu cho thấy khối bất thường ở thuỳ phổi.
Quỳnh được chuyển thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai để làm thêm các xét nghiệm. Bác sĩ nói bệnh của cô là sarcoma màng hoạt dịch, trên thế giới chỉ có 1, nên việc ra phác đồ điều trị khá phức tạp.
Đột ngột đón nhận 2 chữ “ung thư”, đối với bất kỳ ai, chắc chắn không phải chuyện dễ dàng. Và với cô gái 16 tuổi khi ấy, căn bệnh này chỉ có trên phim ảnh hay ở một người nào đó, không nghĩ sẽ va vào mình.
Nhưng Quỳnh nghĩ không sao đâu, cũng không sợ hãi, lo lắng.
Quỳnh kiên cường chiến đấu với bệnh ung thư 2 năm qua. Ảnh: NVCC. |
Cho đến lần một đứng trước gương, tóc cứ thế rụng đầy bàn tay khi Quỳnh vuốt tóc, chỉ 15 phút mà trọc cả mái đầu. Lông mi, lông mày cũng dần biến mất; da tối sầm; móng tay, móng chân thâm và nhiều thay đổi khác.
Lúc đó, cơn khủng hoảng trong Quỳnh bắt đầu. Ở độ tuổi 16,17 còn thích chăm chút vẻ bề ngoài, chấp nhận tất cả là điều khó khăn với cô.
“Ngoài lần rụng tóc khủng khiếp đó, chẳng còn gì khiến mình sốc hơn nữa. Mái tóc mình nâng niu từng chút mà trong nháy mắt rụng hết sạch. Giờ nghĩ lại vẫn thấy đau lòng. Nhưng mình chấp nhận đánh đổi vì tóc rụng rồi có thể mọc lại, còn chết đi rồi thì không sống lại được nữa”.
Khoảng 2-3 tuần trôi qua, Quỳnh dần ổn định tâm lý. Cô tìm đọc các bài viết về những người mắc bệnh như mình. Thấy họ tự tin chiến đấu, Quỳnh cứ thế học cách chấp nhận.
Chỉ mong không còn đau đớn nữa
Hai năm mắc bệnh cũng là chừng đó thời gian cuộc sống của Quỳnh gần như thay đổi hoàn toàn.
Ngoại hình thay đổi từ đầu xuống chân, mà Quỳnh tự mô tả “nhìn tàn tạ và hơi thiếu sức sống” vì truyền hóa chất vào người liên tục. Cứ khỏe được 1-2 hôm là đến lịch truyền.
Những món ăn vặt cô thích bị loại bỏ, đồ chiên xào cũng phải bớt lại, đồ nướng cấm tuyệt đối, kiêng các loại thịt đỏ như thịt bò, trâu.
Cô phải bỏ nhiều buổi học ở trường, bài tập cũng ít làm đi, nhưng vẫn cố gắng theo kịp bạn bè. Các thầy cô cũng tạo điều kiện để Quỳnh tiếp tục được đến lớp.
Vốn siêng tập thể thao, hay ăn đồ luộc và đồ chay, đó là những thói quen tốt nên Quỳnh không phải thay đổi quá nhiều.
Quỳnh phải cắt đi mái tóc đen dài, chăm chút từ lâu để tuyên chiến với bệnh tật. |
Thời gian đầu, bố mẹ giấu, nói “bệnh con được chữa mà”, nhưng trong thâm tâm Quỳnh hiểu căn bệnh mình mắc phải không hề đơn giản. Tuy vậy, từ khi phát hiện bệnh, 10X không hề đơn độc.
Mẹ luôn là người đồng hành cùng Quỳnh mỗi lần tới Bệnh viện Bạch Mai. Mỗi đợt điều trị kéo dài 5-6 ngày. Nhà gần bệnh viện nên 2 mẹ con đi bằng xe máy.
Đến nay, Quỳnh trải qua 6 đợt truyền hóa chất, mỗi đợt cách nhau 21 ngày. Phác đồ đầu tiên của cô kết thúc tháng 5 năm ngoái.
Lần này, hai mẹ con Quỳnh ở bệnh viện được 2 tuần thì có lệnh phong tỏa. Cô không dám về nhà vì vẫn ho ra máu nên vô tình “mắc kẹt”. Sau đó, toàn bộ người nhà bệnh nhân được đưa đi cách ly. Vốn quen có mẹ ở bên, Quỳnh đếm từng giờ, từng phút đến ngày gỡ cách ly để được gặp lại mẹ.
“Mình phải tự chăm sóc bản thân. Chân không đứng nổi 5 phút, lưng không thẳng được vì ho. Vì đang điều trị ho ra máu, mình rất sợ ho. Những ngày ấy nhớ mẹ da diết”.
Mẹ luôn đồng hành với Quỳnh trong hành trình chiến đấu chống lại bệnh tật. |
Cách ly ở nhà lưu trú khác toà nhà Quỳnh đang nằm điều trị, chị Nguyễn Thị Thanh Tình - mẹ Quỳnh - một đêm bạc cả mái đầu vì lo con như thế nào, có khỏe không, ho nhiều không. Chị chẳng có lúc nào nghĩ đến bệnh dịch.
Nhiều lần, chị ngửa mặt lên trời, nói sẵn sàng dốc hết tuổi thọ cho Quỳnh, không cần gì hơn. Với chị, con đau một, thì mẹ đau 10. Chỉ cần Quỳnh nói hơi nhói là mẹ đau hơn rất nhiều. Và nhiều lần chị cũng ước đây chỉ là mơ, không phải sự thật.
0h ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai chính thức gỡ phong tỏa. Mẹ con họ được về với nhau.
Hàng ngày mẹ lại pha sữa, lấy nước uống thuốc cho Quỳnh. Lúc truyền hoá chất, mẹ lại xoa lưng, bóp chân cho cô để đỡ mỏi. Cứ thế, hai mẹ con lại tiếp tục đồng hành trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Khoe với Zing, Quỳnh nói sức khỏe của cô hiện ổn định. Tuần này, 10X truyền thêm 1 đợt hoá chất rồi sẽ được về nhà nghỉ ngơi.
Khi được hỏi điều mong muốn lớn nhất là gì, Quỳnh ngập ngừng: “Thực sự, mình chỉ mong khỏi bệnh, để không phải đau nữa và để bố mẹ không lo lắng nữa. Có rất nhiều điều quan trọng muốn làm nên mình chỉ mong điều ước đó thành hiện thực”.