Theo Sina, tháng 10/2018, Phùng Y ngụ tại Nội Mông Cổ, Trung Quốc, mang thai đôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Cả gia đình hân hoan chuẩn bị chào đón hai thành viên mới. Thời gian đầu thai kỳ cô phải kiêng khem, hạn chế đi lại để dưỡng thai.
Ngày 8/4, thai phụ này đi chơi và mong muốn được ăn bánh dày. Người mẹ này không thể ngờ điều đó đã khiến cô mất đi đứa con song sinh trong bụng và suýt tử vong trên bàn phẫu thuật.
Đoạn ruột non bị kết dính và hoại tử của bệnh nhân. Ảnh: Sina. |
23h, Phùng Y đau bụng dữ dội khiến cả nhà nghĩ rằng cô ăn phải thực phẩm không đảm bảo và lập tức đưa đến bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán viêm người phụ nữ này bị viêm ruột cấp và cho thuốc về uống, theo dõi thêm.
Sáng 9/4, tình trạng cô nặng hơn, xuất hiện đại tiện phân đen. 9h, người mẹ rơi vào tình trạng sốc. Khi đưa vào viện cấp cứu toàn thân cô phù nề nặng, tim thai không nghe được. Bác sĩ tức tốc tiến hành mổ cấp cứu lấy thai.
Phẫu thuật tiến hành được một nửa, chồng cô được bác sĩ gọi vào và cho xem đoạn ruột non được lấy ra từ bụng. Đoạn ruột cuộn lại với nhau biến màu đen và một bộ phận đã hoại tử. Theo bác sĩ, nếu không cắt bỏ tử cung và thai nhi thì tính mạng Phùng Y cũng khó giữ.
Trong lần phẫu thuật này cô mất đi hai đứa con, tử cung. 7 ngày sau tình trạng của cô tiếp tục xấu đi, đoạn ruột non còn lại tiếp tục hoại tử và bị cắt bỏ chỉ còn 12 cm, ruột già còn chưa đến 1 m.
Bác sĩ nhận định tình trạng của Phùng Y rất nghiêm trọng vì không còn ruột để tiêu hóa thức ăn nên chỉ có thể dùng đường truyền dung dịch nuôi cơ thể. Lâu ngày các cơ quan nội tạng sẽ suy kiệt dẫn đến tử vong.
Vừa qua, GS Ngô Quốc Sinh, bác sĩ đầu ngành về ghép ruột của Bệnh viện Nhân Dân Số 1 Chiết Giang, đã tiếp nhận ca bệnh của Phùng Y và đưa ra phương hướng phục hồi cho cô. Qua đó, ông sẽ lấy ruột từ người mẹ ruột để ghép cho cô. Ngày 7/9, ca mổ ghép ruột kéo dài 10 tiếng đã thành công.
Các bác sĩ cho biết Phùng Y gặp phải biến chứng nguy hiểm của hội chứng kích thích gọi là “xoắn ruột thai nghén”. Ở thời kỳ mang thai nồng độ Progesterone tăng cao sẽ làm cho trương lực cơ trơn của ruột giảm, vì thế làm nhu động ruột giảm. Do khoảng cách mạc treo ruột của Phùng Y ngắn bẩm sinh nên khi kết hợp với sự chèn ép của thai nhi lên ổ bụng dễ xảy ra biến chứng hơn. Việc bệnh nhân này ăn bánh dày với số lượng lớn, loại bánh có độ kết dính rất cao, càng tạo điều kiện cho biến chứng xảy ra.