Hai năm trước, khi mới chuyển đến Đà Lạt, Nguyễn Thị Thương Hoài (29 tuổi, quê Nghệ An) bật cười nếu ai đó nói rằng một ngày nào đó, cô sẽ gói ghém đồ đạc để dọn tới một hòn đảo xa lạ bản thân chưa từng đặt chân đến.
Nhưng cách đây hơn một tháng, cô thực sự làm điều mình từng cho là hoang đường.
Hoài lý giải sau thời gian sống ở “thành phố sương mù”, cô nhận thấy bản thân bị ì, không còn năng động và nhanh nhạy như trước.
“Thời tiết ở đây lạnh quanh năm nên đi làm về, tôi chỉ muốn về phòng trọ đóng cửa và ở lì trong đó. Tôi trở nên lười giao tiếp và không có nhiều nhu cầu tiếp xúc với cái mới hay phát triển bản thân. Về lâu dài, điều đó không hề ổn”, cô nói.
Khi đó, Hoài làm việc cho công ty truyền thông 8 tiếng/ngày, từ thứ 2 tới thứ 6, với môi trường và đồng nghiệp đều tốt. Tuy nhiên, cho rằng bản thân không thể phát triển thêm, cô có động lực nghỉ việc.
Cuối cùng, thay vì đến TP.HCM phát triển sự nghiệp như dự định, Hoài một mình đi đến đảo Phú Quý theo trái tim mách bảo.
“Tôi quyết định cho bản thân nghỉ ngơi sau nhiều năm làm việc liên tục. Tôi nghĩ mình xứng đáng được hưởng một kỳ nghỉ, không phải sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, cô nhớ lại.
Thương Hoài từng học tập và làm việc trong ngành y theo định hướng của gia đình, nhưng quyết định rẽ ngang để tìm kiếm con đường phù hợp hơn. Cô không còn bỡ ngỡ với cuộc sống tự lập. |
Cuộc sống mới
Biến cố ập đến khi 2 tuần trước khi rời Đà Lạt, Hoài bị kẻ gian cạy cửa phòng lấy đi chiếc laptop đầu tư để phục vụ nhu cầu học chỉnh sửa video. Lúc phát hiện mất đồ, cô có phần khủng hoảng.
Tài khoản còn chưa đầy 10 triệu đồng, không có máy tính đồng nghĩa không thể “kiếm cơm”. Nhưng nếu chọn mua laptop mới, cô không còn khả năng trang trải chi phí cho thời gian đầu ra đảo.
Hoài nghĩ đến việc phải hủy toàn bộ chuyến đi, tiếp tục ở lại Đà Lạt để làm việc. Nhưng rồi cô nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và lên kế hoạch mới.
“Tôi vay tiền bạn bè mua tạm chiếc máy tính cũ. Tuy cấu hình không mạnh và cũng không thể học chỉnh sửa video nữa, trước mắt với tôi thế là đủ. Vậy là tôi vẫn có thể bảo toàn được số tiền để dành cho thời gian đầu sống ở Phú Quý. Cộng thêm trước đó, tôi kịp có vài công việc làm online với mức lương khá ổn nên tự tin tiếp tục kế hoạch”, cô kể.
Trên đảo, Hoài sống đơn giản, không có đồ nội thất thì tự chế. Cô xin thùng giấy về đựng thay tủ quần áo và không ngại nằm tấm simili khi chưa có giường. Nhờ thế, dù không có nhiều tiền, cô vẫn sống thoải mái và vui vẻ.
Thương Hoài hòa nhập với cuộc sống mới rất nhanh. |
Thêm vào đó, đây không phải lần đầu Hoài bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi xa lạ. Có bạn đồng hành là chú cún Milo, cộng với bản thân thích nghi khá nhanh nên cô cảm thấy không có gì khó khăn, thậm chí là tận hưởng nó.
“Trước đây, tôi thích đi du lịch một mình và xin ở nhờ nhà người dân bản địa để trải nghiệm. Tôi không xa lạ với việc làm quen với những người mới, nền văn hóa và cách giáo dục hoàn toàn mới. Tôi cũng khá dễ tính trong việc ăn uống nên về cơ bản thì cứ thế sống”.
Vấn đề duy nhất với Hoài là ngôn ngữ. Đôi khi, cô không thể tham gia vào cuộc trò chuyện với người dân trên đảo vì không nghe, hiểu được họ nói gì. Sau gần một tháng, mọi thứ dần được cải thiện.
Chi phí cố định một tháng của Hoài gồm 3,5 triệu đồng tiền nhà, đã bao gồm điện, nước và 200.000 đồng tiền xăng xe. Cô chủ yếu đi chợ nấu ăn nên dao động 500.000 đồng/tuần.
Hoài đang thuê căn nhà 2 phòng ngủ. Còn dư một phòng, cô cải tạo và sắm sửa để cho khách thuê lưu trú ngắn hạn. May mắn được mọi người ủng hộ và ghé thăm liên tục, cô dùng tiền thu về để chi trả tiền thuê nhà và các chi phí lặt vặt khác.
“Nhìn chung, với thu nhập hiện tại, tôi vẫn khá thoải mái, không đến mức phải cân đo đong đếm quá chi li như trước”, cô kể.
Thay đổi tích cực
Thay đổi lớn nhất với Hoài là công việc và nguồn thu nhập sau khi chuyển sang làm freelance (tự do).
“Khi là nhân viên văn phòng, tôi chỉ phải làm việc 8 tiếng/ngày mà vẫn thấy mệt mỏi. Từ khi làm freelancer, có những ngày làm việc từ 8h cho đến tối, từ tối làm đến khuya mà vẫn vui vẻ và thoải mái. ‘Luật chơi’ khá đơn giản, muốn thêm tiền thì nhận thêm job, còn muốn thảnh thơi thì ngược lại. Khác với trước đây, tiền của tôi đến từ nhiều nguồn khác nhau, nên tôi rủng rỉnh hơn, nợ trả laptop cũng dễ thở hơn”.
Đến nay, sau hơn một tháng ra đảo, nhà cửa, nhịp sống và các mối quan hệ mới của Hoài dần đi vào ổn định.
Hoài kết thân với đám trẻ hàng xóm, chiều chiều vẫn đến trải chiếu chơi đồ hàng trước sân nhà. Cô cũng quen với nhiều người dân địa phương chân chất và nhiệt tình.
Hoài cũng cảm thấy sức khỏe được cải thiện từng chút một.
“Phú Quý nóng hơn Đà Lạt nhiều. Tôi đen hơn trước, người gầy đi một chút, da cũng sạm đi, tóc lúc nào cũng rối chằng rối chịt vì gió, cảm giác rin rít khó chịu của hơi biển bám vào cơ thể. Nhưng bù lại, sức khỏe của tôi ổn hơn, không còn bị giật mình tỉnh giấc vì ho lúc nửa đêm, căn bệnh trào ngược dạ dày cũng đỡ. Tôi ngủ ngon hơn, những giấc ngủ sâu, êm đềm không mộng mị. Đặc biệt, tôi có thể ngủ nướng tới bất kỳ lúc nào mình muốn”, cô vui vẻ nói.
Sáng không dậy sớm, nhưng chiều nào Hoài cũng đi bơi, ngắm hoàng hôn buông trên mặt biển. Cô thích ra ngoài và nói chuyện với người lạ nhiều hơn so với hồi còn ở trên Đà Lạt.
Hoài cũng đang học lặn với mong muốn một ngày được tận mắt ngắm những rặng san hô dưới đáy biển.
Thương Hoài thấy cuộc sống bớt gánh nặng hơn khi rời phố ra đảo sống. Ảnh: Anh Tii. |
Dù còn đâu đó những khó khăn chật vật của việc bắt đầu cuộc sống mới, ánh nhìn tò mò từ người xung quanh, những deadline hay hóa đơn cần chi trả, Hoài vẫn thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhiều.
Ban đầu, Hoài dự tính chỉ ở Phú Quý 1-2 tháng, nhưng sau gần một tháng sống ở đây, cô nghĩ sẽ nán lại lâu hơn một chút.
“Về mặt bằng chung, tôi kiếm được nhiều tiền hơn, chi phí cho ăn ở lại cũng dễ thở hơn nhiều so với giá cả ở Đà Lạt. Tôi chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ rời đi trước mùa gió nổi”, cô nói.
Gia đình Hoài, sau nhiều năm con gái rẽ ngang khi quyết định nghỉ việc và hạnh phúc vì được làm điều mình muốn, dần hiểu và chấp nhận.
“Tôi biết ơn những người thân quen lẫn xa lạ biết đến hành trình của mình và ủng hộ một cách nhiệt tâm. Quyết định của tôi không có gì ghê gớm hay giỏi giang, can đảm. Chỉ là tôi may mắn một chút khi có quyền lựa chọn điều mình muốn làm”, cô chia sẻ.
Chàng trai bỏ việc văn phòng đi viết sách
Từ năm 2014, khi tham gia một nhóm dành cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, Lê Kiên Trung (sinh năm 1993, Hà Nội) tìm thấy những mẩu chuyện và các lưu ý du lịch Việt Nam khá thú vị. Đến năm 2016, anh viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên The Hanoi Digest. Khi trình bày ý tưởng với cấp trên và nói rằng muốn được nghỉ việc, Trung bất ngờ nhận được sự ủng hộ. Điều này càng thôi thúc Trung phát triển cẩm nang du lịch cho người nước ngoài hơn, không chỉ là Hà Nội mà còn là TP.HCM, Hội An, Ninh Bình,...