Ngày 19/3, Zing.vn đã đăng tải bài viết “Hành trình vận chuyển tim từ Hà Nội hồi sinh bệnh nhân tại Sài Gòn”. Phạm Hoài Thương (25 tuổi, quê Ninh Thuận) là một trong hai nhân vật được hồi sinh từ hành trình mang sự sống vượt hơn nghìn km từ Hà Nội đến Sài Gòn.
Theo học ngành thiết kế đồ họa, Đại học dân lập Văn Lang (TP.HCM), hai năm trước, lẽ ra Thương đã cầm trên tay tấm bằng cử nhân. Căn bệnh suy thận mạn tính đã khiến cô không thể hoàn thành giấc mơ. Để duy trì sự sống cô gái phải đến viện chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần.
Sau hai năm chạy thận, sức khỏe của Thương suy kiệt dần. Dù vậy, cô sinh viên vẫn cố gắng bám trụ ở Sài Gòn, vừa chạy thận vừa dành dụm tiền để bảo vệ đồ án tốt nghiệp.
Với mong muốn có cơ hội được sống, Thương tự lần mò làm hồ sơ chờ ghép tạng từ người người chết não hiến tặng. Cô mong phép màu sẽ đến với mình. Bởi để có một quả thận người hiến tặng rất hiếm và khó khi quả thận phải tương thích các chỉ số khoa học (cùng nhóm máu, hòa hợp HLA, kích cỡ).
Thương rạng rỡ sau ca ghép thận xuyên Việt vào ngày 26/2. Ảnh: Phú Mỹ |
Những tháng ngày đau ốm, việc học của Thương cũng bị ảnh hưởng, các đợt bảo vệ đồ án do trường tổ chức cũng trôi dần qua trước mắt. Biết được hoàn cảnh của Thương, nhà trường đã động viên, mở riêng cho cô gái một đợt bảo vệ đồ án.
Năm 2017, tất cả đã sẵn sàng, nhà trường chờ đợi, cô gái cũng dồn hết tâm sức cho lần bảo vệ thứ hai của mình. Sáng hôm ấy, hội đồng đợi chờ Thương đến song cô gái không có mặt. Sau những đêm trắng chuẩn bị đồ án Thương đã kiệt sức, suy thận cấp, cô ngất lịm phải đưa đi cấp cứu. Tỉnh dậy trên giường bệnh, Thương nức nở vì tất cả công sức nhiều tháng trời đổ sông đổ bể.
Lá đơn xin nhận mô tạng từ người chết não đã đem Thương cận kề cõi chết trở về. Ngày 25/2, một quân nhân ở Hà Nội chết não đã hiến tặng lá phổi, 2 quả thận, 2 giác mạc và quả tim. Thương là một trong số những người may mắn được nhận món quà sự sống này. Quả thận, quả tim người cho được chuyển vào Sài Gòn bằng máy bay ghép cho Thương và một thanh niên khác.
Thương bên những sản phẩm trình bày đồ án tốt nghiệp. Ảnh: NVCC |
Kể từ ngày trở về sau ca ghép thận, Thương dành hết tâm sức để hoàn thành đồ án tốt nghiệp. Đầu tháng 6, trên Facebook của bà Thanh Lam, mẹ Thương, chia sẻ những dòng cảm động: “Mẹ không hiểu biết về nghệ thuật, kỹ thuật ngành nghề của con lắm, song nhìn vào hình ảnh, màu sắc của sản phẩm, đề án tốt nghiệp của con mẹ cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Dù kết quả thế nào mẹ vẫn tự hào về nỗ lực vươn lên, ý chí, khát vọng sống của con gái…”.
Từ ngày nhận “món quà sự sống”, Thương như đang sống cho hai cuộc đời, song song cùng tồn tại trong cô, bởi vậy mọi thứ cô đều nỗ lực gấp đôi.