Chiều 13/4, khi lái xe qua Phủ Tây Hồ, anh Nguyễn Kiên (tài xế taxi ở Hà Nội) bắt gặp cô gái người Tây cầm túi nhặt rác.
"Tôi thấy hành động của cô ấy thật tuyệt nên chụp ảnh lại và chia sẻ lên mạng xã hội", anh Kiên nói với Zing.vn về bức ảnh nhận hơn 4.000 lượt thích trên một diễn đàn về ôtô.
Tài xế này nói thêm từ giờ, khi có ý định vứt rác, anh sẽ xem xét lại, vứt đúng chỗ và hy vọng những người khác cũng vậy.
Xấu hổ khi để khách nước ngoài dọn rác
Không chỉ riêng anh Kiên, nhiều người dùng mạng có ấn tượng tốt về cô gái nhặt rác ở Phủ Tây Hồ. Theo họ, điều đáng quý là cô ấy không những có ý thức bảo vệ môi trường, mà còn "yêu đất nước Việt Nam hơn rất nhiều người Việt".
Nữ du khách nước ngoài nhặt rác ở Phủ Tây Hồ. |
Hình ảnh do anh Nguyễn Kiên đăng lên cũng là lời nhắc nhở để mọi người sống có ý thức, trách nhiệm hơn với những người xung quanh và thế hệ mai sau.
Sau khi đọc bài đăng của anh, không ít người ngẫm lại và thấy xấu hổ vì bản thân từng vứt rác bừa bãi. "Biết đâu trong số rác cô ấy nhặt có cả rác của em và bạn bè vừa vứt xuống đó hôm qua. Vì thế, em rất xấu hổ", Minh Anh (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Nữ sinh nói thêm từ nay, chắc chắn cô sẽ không vứt rác bừa bãi và tự dọn dẹp sạch sẽ mỗi lần cùng nhóm bạn dã ngoại, vì không thể để người khác dọn hộ mình mãi được.
Cùng quan điểm trên, Công Thành (23 tuổi, Đà Nẵng) khẳng định cậu sẽ bỏ suy nghĩ "đằng nào cũng có nhân viên vệ sinh dọn" bấy lâu nay, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung hơn.
Thành băn khoăn không biết cô gái ấy nghĩ gì về người Việt khi phải cầm túi nhặt rác không do mình xả ra. Cậu hy vọng mọi người thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, tránh làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Trên thực tế, những năm gần đây, nhiều câu chuyện khách Tây dọn rác hộ "chủ nhà", ít nhiều góp phần thay đổi ý thức của người Việt.
"Nhiều lần tôi lên phố đi bộ, thấy các bạn trẻ nhặt rác ở đó. Tôi mong mọi người học tập những hành động đó ngay từ bây giờ. Một like cho cô gái nước ngoài", chủ tài khoản Le Quynh Thoa bình luận.
Hành động nhỏ của cô gái nhận được nhiều lời khen ngợi. |
Trong khi đó, người dùng mạng Vanphuc Bui băn khoăn không biết đến bao giờ, người Việt mới coi việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường là một thói quen, trách nhiệm của mỗi người, thay vì nhìn những người thực hiện hành động này như một "sinh vật lạ".
Với nhiều người, cái nhìn khác lạ, sự chỉ trỏ của những người xung quanh khiến họ ngại cúi xuống nhặt rác dù hiểu đó là việc nên làm.
"Em hầu như không vứt rác ra đường và từng khá chăm chỉ quét đường phố trước nhà. Sau đó, một số người nói em rảnh, lo chuyện bao đồng, nên em cũng bỏ thói quen đó", Lan Chi (19 tuổi ở Hà Tĩnh kể).
Cô mong rằng dần dần, mọi người sẽ cảm thấy việc nhặt rác hay quét dọn đường chung không phải là chuyện "rỗi hơi" hay cái gì đó khác biệt.
'Sính' Tây, tung hô quá đà
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với những quan điểm trên. Không ít người cảm thấy những lời khen ngợi đó là tung hô quá đà, xuất phát từ tâm lý "sính" Tây.
Người dùng Nghĩa Văn kể mấy hôm trước, có người lên núi Bà Đen (Tây Ninh) dọn cả chục kg rác từ trên đỉnh núi xuống nhưng không ai khen ngợi. Giờ, cô bạn mới nhặt được một chút đã ca ngợi hết lời.
"Nếu người nhặt không phải người nước ngoài, chắc mọi người cũng mỉa mai trong bụng là 'khùng' rồi. Ý thức hay không là do mình, chứ không phải ngồi đó ước gì ý thức người Việt được như thế", Nghĩa Văn nêu quan điểm.
Tú Ngô cũng đánh giá đây là hành động bình thường. Sinh viên tình nguyện thường tổ chức dọn rác, sao không ai đăng ảnh?
Không ít người cho rằng mọi người đang quá "sính" Tây khi khen ngợi hành động nhỏ. Ảnh: NVCC. |
Người này nói thêm bình thường đi qua đó, người đăng thấy rác cũng không nhặt. Anh cho rằng đăng mấy bức ảnh lên không có tác dụng gì, nếu thấy tốt, nên tự xách túi vào nhặt cùng. Có như thế, môi trường mới sạch đẹp được.
Một số người chỉ trích anh Kiên đăng ảnh "sống ảo" mà thiếu hành động cụ thể để chứng tỏ rằng bản thân có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Bức ảnh thu hút được nhiều lượt tương tác đơn giản chỉ vì nhân vật trong ảnh là người nước ngoài, đánh vào tâm lý "chuộng Tây" của nhiều người.
Ngoài ra, một số ý kiến không hài lòng trước những lời khen ngợi kiểu "Tây họ thế", "họ được giáo dục tốt"...
Theo những người này, nước ngoài cũng như người Việt Nam, đâu cũng có "người nọ người kia". Thùy Linh (20 tuổi, Hà Nội) thừa nhận thích cách làm của cô gái trong hình nhưng không vì thế mà cảm thấy khách Tây có ý thức hơn người Việt.
Bản thân cô nhiều lần chứng kiến khách du lịch nước ngoài vứt rác xuống đường ở cả phố đi bộ lẫn ngay Phủ Tây Hồ. Rác thải họ vứt ra được lao công hoặc những bạn trẻ Việt Nam dọn hộ.
Theo Hải Anh (25 tuổi ở Quy Nhơn), nhiều sinh viên có ý thức rất tốt. Các bạn mang đồ ra bãi biển và dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời đi. Không những thế, họ còn dọn hộ luôn rác của nhóm khách bên cạnh.
"Hành động của cô gái đó rất bình thường. Nhiều người Việt vẫn âm thầm làm việc đó mỗi ngày. Môi trường không sạch đẹp lên được chỉ nhờ một người dọn nên đừng khen ngợi người khác quá đà chỉ vì họ là khách du lịch nước ngoài", cô bạn nêu quan điểm.