Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái than 'lấy chồng khổ sôi máu' được ông xã khen

Phạm Tâm khẳng định cuộc sống gia đình cô vẫn rất hạnh phúc. Tuy nhiên, sự hẫng hụt khi chuyển từ cuộc sống độc thân sang hôn nhân là không thể tránh khỏi.

Ngày 15/10, bức tâm thư với nội dung Lấy chồng khổ sôi máu do chị Phạm Tâm, sinh năm 1989 chia sẻ trên Facebook đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Với lời văn sinh động, câu chuyện giàu tính thuyết phục được lấy từ thực tế cuộc sống, Tâm đã dựng lên bức tranh với nhiều góc khuất không ngờ về cuộc sống của người phụ nữ sau khi kết hôn.

Thư 'lấy chồng khổ sôi máu' hút ngàn thiếu nữ

"Chị khuyên các em một điều, đừng bao giờ làm liều theo số phận. Lấy chồng khổ sôi máu, giận sôi máu, bận sôi máu, cáu sôi máu", cô viết.

Tuy nhiên, Tâm khẳng định, đây không phải là lời đe đọa các cô gái đang có ý định kết hôn hay than vãn về cuộc sống hiện tại. Cô muốn bạn trẻ hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi bước vào hôn nhân, bởi nó là một hành trình đầy chông gai với nhiều cung bậc cảm xúc.

Phạm Tâm - tác giả thư Lấy chồng khổ sôi máu gây sốt mạng.

Bị sốc 1 năm sau khi kết hôn

- Sau khi bức thâm thư được đăng tải và chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ, chị cảm thấy thế nào?

Khi nhận được nhiều chia sẻ và quan tâm của các bạn trên mạng dành cho bài viết này, tôi cảm thấy vui và hơi bất ngờ. Bởi từ trước đến nay, tôi cũng có sở thích viết lách, chia sẻ cảm xúc trên mạng xã hội nhưng chưa khi nào được chú ý như những ngày qua.

- Dường như kể khổ không phải là mục đích duy nhất của bức tâm thư này?

-  Nói là kể khổ nhưng thực chất đây là kể thật, không hề thêm thắt hay phóng đại gì. Và tôi nghĩ rằng, không riêng gì mình, những người phụ nữ sau khi kết hôn đều cảm nhận rất rõ sự thay đổi trên. Thông qua đây, tôi muốn các bạn trẻ, nhất là em gái mình hãy có những suy nghĩ thực tế hơn về hôn nhân và cuộc sống sau đó.

Tôi không muốn em mình cũng như các bạn trẻ có tư tưởng kết hôn quá sớm, khi chưa đủ các điều kiện cần thiết, chưa sẵn sàng để đương đầu với những thử thách cơm áo gạo tiền, chăm chồng, nuôi con. Khi ấy, hôn nhân không còn là điểm đến của hạnh phúc là ngõ cụt của tình yêu.

- Hôn nhân không màu hồng, vậy có phải chị cũng đang bị vỡ mộng trong chính cuộc sống của mình?

Thú thật, tôi đã bị sốc nặng sau một năm kết hôn, vì những điều diễn ra không như mình nghĩ. Ngày còn con gái, tôi đã từng mơ sau khi kết hôn, sáng sáng hai vợ chồng thức dậy mỉm cười nhìn nhau âu yếm, hôn nhau, rồi đèo nhau đi ăn sáng, đi làm. Trưa hẹn hò đi ăn trưa, chiều đón nhau về, tối đi ăn hoặc đi xem phim, rảnh rỗi đi du lịch, cuộc sống cứ êm đềm trôi đi. 

Thực tế, mọi thứ không như mơ. Làm vợ, làm mẹ, làm con dâu nhiều cái để lo toan, gánh vác. Ngoài chăm sóc chồng, người phụ nữ trong gia đình phải quán xuyến cả việc giữ gìn, xây đắp các mối quan hệ nội ngoại, đồng nghiệp, bạn bè chung... Nhưng hiện tại, tôi cũng đã dần cân bằng được mọi thứ trong cuộc sống của mình.

Tâm và con trai.
Tâm và con trai.

- Vậy chồng chị là một người thế nào?

- May mắn, chồng tôi là người hiền lành, rất thương yêu vợ con, hay chủ động chia sẻ công việc nhà với vợ. Nhưng con tôi quấn mẹ lắm, không chịu theo bố nên đôi lúc muốn nghỉ ngơi cũng khó. Về cơ bản, phụ nữ đã có gia đình thì không thể tự do, sung sướng như thời còn con gái, dù có lấy được người đàn ông tốt đến đâu, cuộc sống đầy đủ đến mức nào.

- Ông xã chị đã đọc được bức tâm thư "Lấy chồng khổ sôi máu" chưa? Phản ứng của anh thế nào?

- Anh ấy đã đọc rồi và khen tôi viết hay.

Phụ nữ không được ca thán là vô lý!

-  Với tốc độ lan truyền của bài viết, nhiều ý kiến bình luận trái chiều được đưa ra, chị có theo dõi tất cả những ý kiến đồng tình hay phản đối với mình?

- Vì khá bận rộn nên sau khi viết xong tôi cũng chưa có thời gian đọc lại tất cả những lời bình luận. Nhưng nhìn chung, những người có ý kiến phản đối bài viết này đa phần là đàn ông. Tôi không thấy bất ngờ mấy, vì vốn dĩ, đàn ông phương Đông vẫn còn khá bảo thủ trong suy nghĩ.

- Có ý kiến cho rằng: Được chăm sóc gia đình là niềm hạnh phúc của người phụ nữ, không nên xem nó là gánh nặng để ca thán, chị nghĩ thế nào về quan điểm này?

Tôi thấy vô lý, rất vô lý. Đàn ông sinh ra không có quyền được người khác phục vụ và phụ nữ cũng không có nghĩa vụ phải chăm sóc đàn ông. Gia đình là do cả hai vợ chồng dựng nên vậy tại sao chăm sóc gia đình lại chỉ là hạnh phúc của một phía? Tất nhiên là ở các nước phương Đông, người phụ nữ vẫn dành cho chồng sự ưu ái lớn nhưng không có nghĩa vì thế mà không có quyền được than vãn, ca thán. Nếu chị em không nói ra thì làm sao các ông chồng hiểu để mà sẻ chia, san sớt?

Gia đình tâm vẫn hạnh phúc, chồng khen cô viết tâm thư hay. Tâm quan điểm, sống cần thực tế và thẳng thắn nhìn vào những được mất trong hôn nhân.

- Chị có sợ các cô gái sau khi đọc xong bài viết này sẽ xem hôn nhân là gánh nặng mà không dám tiến tới, vượt qua?

- Tôi không sợ. Vì như mục đích ban đầu, những điều tôi chia sẻ trong bài viết này đều là tâm sự chân thành nhất, với mong muốn các cô gái hãy bớt mơ tưởng lại mà có cuộc sống hạnh phúc hơn sau hôn nhân. Tôi cũng không muốn vì đọc bài viết này mà chị em phụ nữ vùng lên, nổi loạn, chối bỏ trách nhiệm đang có như một vài ý kiến suy đoán. 

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng: Hôn nhân sẽ không chỉ là màu hồng như các bạn kiếm tìm, mà nó còn là gam màu của giận hờn, yêu thương, của trăm vàn nỗi lo. Để vượt qua tất cả, bạn chỉ còn cách duy nhất là điều tiết cuộc sống và cân bằng nó để thấy dễ chịu hơn. Người phụ nữ muốn hạnh phúc trước hết phải biết quan tâm, chăm sóc, nuông chiều bản thân mình. 

Ma Kết

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm