Vào lần thứ 2 đến thăm Việt Nam, Charlotte quyết định nán lại để sinh sống và làm việc vì trót mến yêu nơi đây.
Đầu năm 2019, Charlotte Lou (đến từ Thụy Sĩ) cùng bạn trai lái xe máy dọc Việt Nam với mục đích du lịch. Sau 2 tháng, họ quyết định nán lại lâu dài vì quá mến yêu mảnh đất và con người nơi đây. Đây là chia sẻ của Charlotte gửi cho Zing, kể về những kỷ niệm đáng nhớ tại đất nước hình chữ S.
Mối duyên của tôi với Việt Nam đến một cách tình cờ. Đây là quốc gia đầu tiên tôi ghé thăm trong chuyến du lịch châu Á năm 2016. Không ngờ, tôi sẽ gắn bó lâu dài với đất nước hình chữ S này.
Hai lần “phải lòng” Việt Nam
Cách đây 5 năm, tôi và một người bạn thân rủ nhau du lịch châu Á và Việt Nam là điểm đến mà tôi lựa chọn.
Charlotte hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. |
Mùa hè năm 2016, tôi và bạn thân vác balo đi dọc các tỉnh thành từ TP.HCM ra Hà Nội. Trong vòng một tháng, chúng tôi có cơ hội tham quan những địa danh tuyệt vời và gặp gỡ nhiều người dân mến khách.
Ngay lập tức, tôi “phải lòng” Việt Nam như thể đã có sự kết nối từ trước.
Tôi dành những kỳ nghỉ hè tiếp theo để thử khám phá các quốc gia Đông Nam Á khác. Năm 2017, tôi du lịch một mình tới Indonesia trong một tháng. Năm 2018, tôi dành 3 tháng tại Thái Lan và Campuchia.
Sau những chuyến đi, tôi nhận ra mình muốn ở lại Đông Nam Á lâu hơn nữa. Còn quá nhiều điều tôi chưa khám phá hết.
Tôi liền rủ bạn trai tham gia cùng và anh ấy đồng ý. Cả hai cùng lên kế hoạch, chuẩn bị tài chính rồi rời Thụy Sĩ vào tháng 1/2019.
Điểm đến của chúng tôi là Philippines và dự kiến sẽ ở lại quốc gia này trong một tháng. Tuy nhiên, tôi rất buồn khi có những trải nghiệm khác với kỳ vọng. Hơn nữa, tôi không cảm nhận được sự kết nối nào. Tôi liền bàn đến chuyện rời đi.
“Việt Nam ở gần đây thôi và em rất yêu mến quốc gia ấy. Sau vài lần du lịch Đông Nam Á, đất nước này vẫn giữ vị trí số 1 trong lòng em. Vậy mình đến đó nhé”, tôi gợi ý.
Bạn trai tôi đồng ý. Trước đây, anh chưa có dịp thăm Việt Nam.
Charlotte tại Phú Quốc (Kiên Giang; ảnh trái) và đảo Khỉ (Hải Phòng). |
Chúng tôi hạ cánh tại TP.HCM, mua một chiếc xe máy và di chuyển từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Hà Nội. Suốt 2 tháng, chúng tôi hòa mình vào nhiều cảnh vật đẹp, hùng vĩ, đồng thời nhận được vô vàn tình cảm và sự giúp đỡ từ những người dân thân thiện, hiếu khách.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của chúng tôi diễn ra ngay đầu chuyến đi. Vào một buổi tối ở thành phố Vũng Tàu, chúng tôi gặp khoảng 8 người đàn ông Việt Nam đang thưởng thức hải sản ở quán ăn gần bãi biển.
Họ hoan nghênh chúng tôi “nhập hội” và chiêu đãi những món ngon nhất. Vài người giao tiếp được một chút tiếng Anh, nhưng phần lớn thời gian, chúng tôi trò chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể.
Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ không khiến buổi tối hôm đó kém vui. Dù mới gặp họ lần đầu, chúng tôi thân thiết như thể là bạn bè lâu năm.
Đương nhiên, tôi và bạn trai có gặp một số vấn đề trên đường đi. Song nhìn chung, chúng không làm ảnh hưởng đến những trải nghiệm tuyệt vời của cả hai. Tôi rất hạnh phúc khi nghe bạn trai thổ lộ rằng anh cũng yêu mến Việt Nam rồi.
Khi đặt chân đến thủ đô, chúng tôi trò chuyện với nhau và quyết định rằng cả hai đều không muốn rời khỏi đất nước xinh đẹp này.
Học tiếng Việt để hiểu Việt Nam hơn
Tôi là người say mê ngoại ngữ. Ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Pháp và Bồ Đào Nha (mẹ tôi là người Brazil), tôi học tiếng Anh, Tây Ban Nha và Italy. Tiếng Việt là ngoại ngữ thứ 6 của tôi.
Theo tôi, học tiếng Việt là điều cần thiết để tôi có thể gắn bó với đất nước hình chữ S này lâu dài. Tôi muốn hòa mình vào cuộc sống của người dân Việt Nam, trò chuyện và hiểu họ ở bất kỳ địa điểm nào tôi ghé thăm.
Hơn nữa, Việt Nam đã mở rộng vòng tay chào đón tôi, nên cố gắng học tiếng Việt là điều ít ỏi nhất tôi có thể làm để đáp lại.
Tôi duy trì học tiếng Việt với gia sư 3 lần/tuần suốt 2,5 năm qua. Các giáo viên không những dạy ngoại ngữ, mà còn giới thiệu tôi thêm về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam.
Nỗ lực học tiếng Việt của tôi được đền đáp trong chuyến du lịch 7 ngày tới Mai Châu (tỉnh Hòa Bình).
Charlotte (thứ 2, bên trái) trong chuyến du lịch đáng nhớ tại Mai Châu. |
Vào đêm đầu tiên, tôi nói chuyện suốt 3 tiếng với ông bố trong gia đình nơi tôi trọ homestay. Dù ông không biết chút tiếng Anh nào, còn tôi chưa sõi tiếng Việt, chúng tôi vẫn thoải mái giao tiếp, cười đùa và thưởng thức món rượu do nhà ông tự nấu.
Chính những khoảnh khắc đặc biệt này - được hiểu và kết nối người địa phương bằng ngôn ngữ của họ - khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và xúc động.
Covid-19 ập đến
Tương tự những người nước ngoài khác, tôi và bạn trai căng thẳng đứng trước lựa chọn “ở lại” hay “đi về” khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Tôi gọi điện về cho bố và chia sẻ tình hình.
“Chính phủ Việt Nam vẫn kiểm soát dịch bệnh tốt và con vẫn an toàn phải không? Hơn nữa, con hạnh phúc hơn khi ở đất nước ấy đúng không? Vậy hãy ở lại đi”, bố tôi từ tốn khuyên nhủ.
Tôi thấy nhẹ lòng hơn sau khi nghe lời khuyên từ người đàn ông thông thái và khôn ngoan nhất đối với tôi. Không ngờ, đó còn là quyết định đúng đắn nhất.
Trong khi người thân và bạn bè ở quê nhà trải qua liên tiếp những đợt phong tỏa dài đằng đẵng, tôi và bạn trai tận hưởng cuộc sống hạnh phúc ở Hà Nội. Với chúng tôi, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất.
Ngoài những lúc ở nhà theo chỉ thị, tôi được phát phiếu đi chợ, nhận thực phẩm miễn phí hay trò chuyện với công an để xin phép ra đường mua đồ - những trải nghiệm khó tìm thấy ở đất nước khác.
Charlotte ấn tượng bởi lòng hiếu khách và tình cảm của người dân địa phương tại mỗi địa điểm cô ghé thăm. |
Gắn bó
Hiện bạn trai tôi là lập trình viên của một tập đoàn. Thu nhập đủ để chúng tôi trang trải sinh hoạt phí tại thành phố Hà Nội.
Tôi vốn là giáo viên tiếng Anh hỗ trợ tiết học ngoại ngữ tại các trường. Tuy nhiên, công việc tạm ngưng do ảnh hưởng dịch bệnh. Tôi phải đợi đến khi trường học mở cửa trở lại để tiếp tục đi làm.
Tôi mong muốn mở một lớp dạy tiếng Pháp trực tuyến và được đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam bằng hình thức đóng thuế.
Song, còn nhiều bất cập để một người ngoại quốc như tôi đăng ký kinh doanh cho một mô hình giáo dục nhỏ. Mọi chuyện có lẽ suôn sẻ hơn nếu Việt Nam áp dụng “thị thực du mục kỹ thuật số” (digital nomad visa).
Thời gian này, tôi bắt đầu sử dụng mạng xã hội và quay video chia sẻ về cuộc sống tại đây. Trong đó, một video kể về kỷ niệm tôi được những người dân lạ mặt giúp sửa xe bất ngờ thu về hơn 2 triệu lượt xem và vô số bình luận ấm áp. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để tôi luyện tập nói tiếng Việt trơn tru hơn.
Sau gần 3 năm gắn bó với mảnh đất hình chữ S, tôi vẫn thấy hào hứng như ngày đầu mới đặt chân đến đây. Còn quá nhiều thứ tôi chưa có cơ hội trải nghiệm. Miễn là Việt Nam vẫn chào đón, chúng tôi dự định sẽ ở đây lâu dài.