Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân nữ, 20 tuổi, trong tình trạng mất thăng bằng, thị lực giảm, tê bì chân tay lan lên cổ chân và 2 bàn tay trong suốt 2 tháng. Khi đến khám, bệnh nhân vẫn nhận thức được nhưng có phản ứng chậm.
Trước đó, bệnh nhân chia sẻ từng hít bóng cười nhưng không rõ thời gian, liều lượng sử dụng. Ban đầu, bệnh nhân chỉ chóng mặt, rối loạn tiền đình. Thời gian sau, một số biểu hiện như tay chân yếu dần, thị lực giảm xuất hiện khiến bệnh nhân phải đi khám.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng Bộ môn Thần kinh, do tổn thương nặng, bệnh nhân này phải điều trị trong thời gian dài, truyền vitamin B12 kết hợp phục hồi chức năng.
Vị chuyên gia nhận định nhiều người trẻ sử dụng bóng cười vì tò mò, thích cảm giác hưng phấn và cho rằng loại chất kích thích này không nguy hiểm như thuốc lắc hay ma túy.
"Tuy nhiên, bóng cười được bơm khí N2O là nhóm chất gây nghiện, ảo giác và có xu hướng tăng liều. Người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện và ngộ độc nếu sử dụng thường xuyên", PGS Hưởng giải thích.
Bệnh nhân ngộ độc khí N2O sẽ có biến chứng thần kinh xuất hiện đầu tiên, sau đó đến các cơ quan khác. Cảm giác ban đầu là tê bì tứ chi, mất thăng bằng, đi lại không vững. Tình trạng ngộ độc kéo dài làm giảm khả năng tập trung trí nhớ, lo lắng, trầm cảm, thậm chí gây đột quỵ, co giật. Loại khí này còn làm tổn thương vùng tủy cổ dẫn đến yếu tứ chi, tàn phế, thậm chí hôn mê và tử vong.
Năm 2019, Bộ Y tế đã quyết định cấm sử dụng bóng cười trong giải trí. Khí N2O chỉ được phép sản xuất với mục đích công nghiệp, không được sử dụng cho người, trừ trường hợp bác sĩ chỉ định dùng trong y tế.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên lựa chọn hình thức giải trí lành mạnh, có ích để bảo vệ sức khỏe. Trường hợp người đã sử dụng bóng cười dẫn đến ngộ độc cần đến khám sớm để điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng thần kinh lâu dài.