Ngày 9/8, Dương Thị Chang (23 tuổi, Thái Nguyên) đến tham dự đám cưới của chị gái ở huyện Phú Bình. Về nhà, cô bất ngờ khi được một người bạn gửi cho loạt ảnh chụp màn hình từ buổi livestream trên trang cá nhân của MC đám cưới này.
Trong video dài khoảng 10-15 phút, Chang bị nam MC quay lén cảnh đang ngồi thoải mái trên ghế trong bộ váy khá ngắn màu trắng, có nhiều thời điểm “hớ hênh”.
Không chỉ bị quay lén, trên sóng livestream của nam MC, nhiều bạn bè người này còn để lại bình luận khiếm nhã, tục tĩu và bình phẩm về thân hình Chang. Thậm chí, có người còn gợi ý nam MC đổi góc quay khác nhạy cảm hơn.
Đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, Chang nhận được sự đồng cảm, bức xúc chung của nhiều người, đặc biệt là phái nữ. Tuy nhiên, không ít người tỏ thái độ đùa cợt trước tình huống của cô gái 23 tuổi hay thậm chí “phán” những câu kết luận nửa đùa nửa thật: “Xinh thế người ta mới quay đấy”, “Ai bảo mặc váy ngắn cơ” hay “Con gái con đứa, mặc váy rồi ngồi hớ hênh thế, đàn ông chú ý là phải”.
Những ngôn từ đầy tính “victim blaming” (đổ lỗi nạn nhân) được nhiều người thốt ra trong các vụ việc quay lén, quấy rối, tấn công tình dục không còn là điều mới song vẫn liên tục xuất hiện.
Trên môi trường mạng, tâm lý đám đông và tính ẩn danh, “victim blaming” chẳng khác gì việc nạn nhân phải chịu thêm một lần nữa sự tổn thương từ cộng đồng.
Nhiều bình luận khiếm nhã xuất hiện dưới video livestream của MC đám cưới. |
‘Đừng mặc thiếu vải để không bị quấy rối’
Đầu tháng 3 vừa qua, clip ghi lại cảnh một người đàn ông nhìn trộm nhóm nhảy nữ ở phố đi bộ hồ Gươm được chia sẻ trên nhiều diễn đàn. Kẻ này nằm hẳn xuống đất, ngẩng cổ lên nhìn các cô gái mặc váy đang nhảy ở phía trước.
Không chỉ hành vi của gã biến thái, điều khiến người ghi lại clip bất bình hơn cả là thái độ đồng tình với người đàn ông của một số dân mạng, trách ngược các cô gái mặc váy ngắn rồi nhảy múa nơi đông đúc “cố tình cho người ta thấy”.
Nhiều bình luận đổ lỗi cho Chang khi bị quay lén. |
Những năm gần đây, tội phạm quay phim bất hợp pháp, phát tán ảnh khỏa thân và upskirting (chụp ảnh hoặc quay lén dưới váy, áo của phụ nữ và bé gái) có xu hướng tăng cao, đặc biệt ở một số nước châu Á.
Thay vì nâng cao nhận thức người dân, ban hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn, một số nơi lại tìm cách đổ lỗi cho nạn nhân.
Cuối tháng 7, một đồn cảnh sát ở quận Quezon, phía nam thủ đô Manila (Philippines), gây ra làn sóng phẫn nộ và tranh cãi bởi sử dụng những lời lẽ hạ thấp phụ nữ, theo South China Morning Post.
Cụ thể, trong một bài đăng trên mạng xã hội, đồn cảnh sát này viết: “Này những cô gái, đừng mặc những bộ trang phục hở hang nữa. Nếu các bạn bị người khác quấy rối, bạn sẽ lại tìm đến chúng tôi xin giúp đỡ. Hãy thử nghĩ về điều đó đi”.
Dù đã bị xóa đi ngay sau đó, bài đăng vẫn khiến cộng đồng mạng tại Philippines tức giận và lên án ngôn từ của lực lượng chức năng này. Hashtag #HijaAko mang nghĩa “Tôi là một người phụ nữ” tiếp tục được nhiều cô gái Philippines sử dụng để phản đối.
Nhiều phụ nữ bị quay lén nơi công cộng rồi phát tán hình ảnh lên mạng. Ảnh: Euroweeklynews. |
Hay đầu tháng 8, dự thảo luật cấm đàn ông cởi trần và phụ nữ mặc váy quá ngắn hoặc đồ xuyên thấu khi ra ngoài đường của Campuchia cũng tạo ra nhiều luồng tranh cãi. Các nhóm nhân quyền chỉ trích, cho rằng luật mới có thể làm tăng nguy cơ tấn công tình dục hoặc quấy rối tình dục với phụ nữ vì nó thúc đẩy văn hoá đổ lỗi cho nạn nhân.
"Trừng phạt phụ nữ vì lựa chọn trang phục của họ sẽ củng cố quan niệm rằng phụ nữ là nguyên nhân của bạo lực xảy ra với họ, và điều đó càng làm cho văn hoá bất công tồn tại liên quan đến bạo lực giới", bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Tổn thương tâm lý
Bất chấp sự nổi lên gần đây của phong trào #MeToo, việc đổ lỗi cho nạn nhân vẫn là một vấn đề nan giải tại nhiều nơi.
Theo David B. Feldman, giáo sư tâm lý học tại Đại học Santa Clara (Mỹ), “victim blaming” không nhất thiết phải là buộc tội nạn nhân trực tiếp gây ra bất hạnh cho chính họ. Nó có thể là suy nghĩ đơn giản rằng họ nên cẩn thận hơn, ngụ ý rằng sự việc ít nhất có một phần lỗi của họ.
Những người sống sót sau vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục được hỏi về những gì họ đã mặc và cách họ chống trả. Những người nghèo làm nhiều nghề mà vẫn không nuôi được gia đình bị đổ lỗi là do “lười biếng” và thất bại, mặc dù họ đang đối mặt với một nền kinh tế khó khăn.
Trang phục của phụ nữ không phải là cái cớ để họ bị đổ lỗi khi xảy ra sự việc quấy rối. Ảnh: Lancasterguardian. |
Một bài đăng trên nhóm Tâm lý - pháp lý Tổ Kén từng chỉ ra không chỉ những người “victim blaming” là đàn ông mà còn có cả một bộ phận phụ nữ. Theo đó, họ đánh giá sự việc với tâm lý của người ngoài cuộc, đánh giá người bị hại lẫn người gây hại theo cảm xúc và tư tưởng của bản thân. Ngoài lý do trọng nam khinh nữ hay các lý do về giáo dục, nhận thức, bản năng cạnh tranh đồng giới cũng thúc đẩy điều này.
Bên cạnh đó, nhận định về việc “thế nào là quấy rối nghiêm trọng” tùy thuộc vào quan điểm, lòng tự trọng mỗi người. Vì vậy, dẫn đến trường hợp khi có nhiều nạn nhân phản ứng với kẻ quấy rối mình, một số người lại cho rằng nạn nhân đang “làm quá lên” hay “chẳng thấy hành vi đó có gì nghiêm trọng”.
Theo Tiến sĩ Anju Hurria, nhà tâm lý học tại Đại học California (Mỹ), "victim blaming" có thể gây ra nhiều tổn thương tâm lý cho người hứng chịu nó.
"Nó giống như một chấn thương thứ 2 hoặc một cuộc tấn công thứ 2 đối với nạn nhân. Những người trải qua ‘victim blaming’ trở nên đau khổ hơn, gia tăng trầm cảm và có thể làm phức tạp thêm chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Khi một người bị ‘victim blaming’, họ ít có khả năng mở lòng tìm kiếm sự trợ giúp trong tương lai vì sợ rằng mình sẽ không được tin tưởng”, Tiến sĩ Hurria nói.