Kate Zhu Wenqi vào đại học khi mới 16 tuổi. Ảnh: Zhihu. |
Tháng 3/2022, Kate Zhu Wenqi (28 tuổi) bị dân mạng soi mói sau khi cô đăng đoạn video ghi lại cảnh cô nhận bằng thạc sĩ Toán học với điểm số cao nhất toàn khoa. Bài đăng đó của Zhu bị lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, riêng Weibo đã thu hút hơn 160 triệu lượt xem, theo SCMP.
Hàng loạt dân mạng tràn vào bình luận, chỉ trích Zhu và đặt câu hỏi về tính xác thực về tấm bằng thạc sĩ của cô. Nhiều người nói rằng vẻ ngoài của cô "không giống một sinh viên học giỏi top đầu điển hình".
Một số người bình luận họ không tin Zhu là sinh viên Đại học Oxford và nói rằng cô chỉ là một người bán hàng trên WeChat, cố tình xây dựng hình ảnh một nữ sinh học giỏi xinh đẹp để thu hút khách hàng.
"Tôi chưa bao giờ nghe đến tên của khoa đó. Lần sau nếu bạn định làm giả cái gì đó thì bạn chuyên nghiệp hơn được không", một người bình luận, chỉ trích Zhu làm giả bằng tốt nghiệp.
Thời điểm đó, Zhu đã đăng một liên kết và ảnh chụp màn hình từ trang web của Đại học Oxford để chứng minh bản thân là sinh viên của trường. Cô cũng chia sẻ email của giáo viên hướng dẫn chúc mừng cô đạt điểm cao nhất toàn khoa.
Một người tự xưng là giảng viên đại học môn Toán đã thách thức Zhu giải một bài toán. Không ngần ngại, Zhu đã giải bài toán đó trong vòng một giờ.
Dù làm đủ mọi cách để chứng minh bản thân là sinh viên Oxford, dân mạng vẫn không ngừng chỉ trích. "Có bằng tốt nghiệp của một trường đại học hàng đầu thì sao, bạn không thể khiêm tốn chút à", một người bình luận.
Trước những bình luận chỉ trích của dân mạng, Kate Zhu Wenqi phản hồi: "Đăng ảnh selfie có nghĩa là học kém sao? Đã đến lúc chúng ta phải phá vỡ định kiến này. Tôi chỉ muốn nói rằng định kiến còn tồn tại thì chúng cần bị phá vỡ".
Zhu bị cho là không giống sinh viên học giỏi vì cô có vẻ ngoài khá ưa nhìn. Trang cá nhân của cô thường chia sẻ những hình ảnh ăn mặc chỉn chu, sành điệu, hoặc những bài đăng tham gia hoạt động xã hội, du lịch, chơi thể thao như chèo thuyền, leo núi, chơi golf, cưỡi ngựa...
Trong một video đăng lên Weibo ngày 20/12, Zhu cho biết cô đã trải qua nhiều cảm xúc trong nửa năm qua và cũng nhận được nhiều lời động viên chân thành từ mọi người. Kể từ lần bị tấn công trên mạng, Zhu luôn bận rộn với việc học và không còn bận tâm đến những lời đàm tiếu của người khác.
"Những thứ không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn", Zhu viết.
Zhu sinh ra và lớn lên ở miền Nam Trung Quốc. Theo thông tin công khai trên trang LinkedIn, Zhu được nhận vào khoa Toán của Đại học Oxford vào năm 2010, khi cô mới 16 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp và lấy tấm bằng thạc sĩ đầu tiên tại Đại học Oxford vào năm 2014, Zhu được nhận vào làm việc tại JP Morgan, trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc). Từ năm 2017-2019, Zhu làm việc cho ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.
Năm 2020, Zhu nghỉ việc để quay lại Oxford, tiếp tục học bằng thạc sĩ thứ 2. Tháng 3/2022 vừa rồi, cô hoàn thành chương trình học và nhận bằng tốt nghiệp. Hiện, Zhu là ứng viên tiến sĩ về Toán ứng dụng tại Đại học Oxford.
Trước làn sóng bị chỉ trích, nhiều dân mạng bày tỏ ủng hộ Zhu. Họ tin rằng thời đại ngày nay cần nhiều những câu chuyện như của Zhu để truyền cảm hứng cho các cô gái được sống là chính mình.
"Zhu rất xuất sắc. Cô ấy bị nghi ngờ chỉ vì quá nổi bật", "Tôi rất mừng khi thấy cô ấy suy nghĩ tích cực, tiếp tục làm chính mình và làm những điều cô ấy thích", những người ủng hộ Zhu bình luận.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.