Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cô gái từng đến 25 quốc gia: 'Đã 2 năm không du lịch nước ngoài'

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Thùy Dương gác lại hành trình khám phá thế giới và thực hiện những chuyến du lịch khắp Việt Nam cùng bạn bè.

2 nam khong the du lich nuoc ngoai cua co gai tung den 25 quoc gia anh 1

Đặng Thuỳ Dương (sinh năm 1989, Đà Nẵng) là nhà thiết kế, chủ của nhiều nhãn hiệu thời trang cho giới trẻ. Cô từng học thiết kế thời trang tại trường Istituto Marangoni thuộc London School of Fashion and Design (Vương quốc Anh). Trước dịch, Thùy Dương từng đặt chân đến 4 châu lục, 25 quốc gia trên thế giới (không tính Việt Nam).

Sau chuyến du ngoạn Nhật Bản cách đây gần 2 năm, tôi không thể du lịch quốc tế do ảnh hưởng của đại dịch. Không chỉ vậy, du lịch trong nước cũng trở nên khó khăn hơn.

Cảm giác đang cuồng chân xê dịch bỗng dưng không thể đi đâu cũng khá bí bách. Tuy nhiên, tôi đành chấp nhận vì tình hình bất khả kháng.

2 nam khong the du lich nuoc ngoai cua co gai tung den 25 quoc gia anh 2

Trước dịch Covid-19, Thùy Dương đi du lịch trung bình khoảng một tháng/chuyến. Ảnh chụp trong hành trình du ngoạn thành phố Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) cuối năm 2019.

Khám phá Việt Nam

Thời gian qua, tôi đi du lịch trong nước hay thực hiện những chuyến road trip (hành trình dài trên đường bộ, thường bằng ôtô) cùng vài người bạn.

Như chuyến road trip đầu năm nay, 3 người bạn của tôi bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Sau đó, chúng tôi cùng nhau lái xe, dừng lại ở Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Đắk Nông và điểm cuối là TP.HCM.

Sáng ngắm bình minh ở Nha Trang, chiều tối cả nhóm đã đón hoàng hôn ở Đà Lạt.

Những chuyến đi như vậy mang lại nhiều kỷ niệm và trải nghiệm thú vị, tôi được ghé đến nhiều nơi, thưởng thức món ăn đặc sản vùng miền khác nhau.

Tôi thích đi road trip vì ngoài việc có thể chủ động thời gian, dừng lại những nơi mình muốn cũng có thể mang theo cún cưng.

Bên cạnh những chuyến road trip đáng nhớ, hành trình trekking hệ thống hang Hổ, hang Pygmy ở Quảng Bình cũng để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Có lẽ một phần vì sau khi hoàn thành chuyến đi... tứ chi tôi như muốn rã rời trong vài ngày.

Với tôi, đó không chỉ là chuyến du lịch mà còn là trải nghiệm khám phá bản thân, từ trekking xuyên rừng, lần đầu bơi trong hang tối lạnh tê tái đến leo trèo, bò trườn trong hang động… và được gặp gỡ những anh em porter Quảng Bình dễ mến.

Đi mới biết Việt Nam đẹp nhường nào, thiên nhiên và hệ sinh thái đặc sắc mà không phải nơi nào trên thế giới cũng có.

Du lịch trong hay ngoài nước với tôi đều như nhau, không phân biệt vì mỗi nơi đều dấu ấn và trải nghiệm riêng. Nếu có sự khác biệt, rõ rệt nhất chính là ngôn ngữ.

Khi đi chơi ở Việt Nam, được dùng tiếng mẹ đẻ, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, có vấn đề gì có thể gọi sự trợ giúp người thân. Còn khi du lịch nước ngoài, có nhiều thứ mới mẻ mình chưa từng trải nghiệm và phải tự xử vấn đề khó khăn trong chuyến đi. Hơn nữa, đến một số vùng không nói tiếng Anh, tôi phải tìm cách giao tiếp khác.

Không vội xê dịch hậu giãn cách

Nhiều tỉnh, thành vừa trải qua đợt giãn cách dài, một số nơi dần mở cửa trở lại đón khách du lịch. Tuy nhiên, trong khi các khách sạn, homestay và quán ăn mong hoạt động trở lại, người dân một số nơi vẫn lo sợ dịch lây lan nên tâm thái không vui khi thấy người từ tỉnh khác đến.

Tới một nơi không được chào đón, bản thân cũng sẽ không được thoải mái, nên khi du lịch mùa dịch, tôi chọn những nơi vắng vẻ, không tiếp xúc quá đông người.

Chuyến đi gần đây nhất của tôi là road trip Đà Lạt lên rừng ngắm hoàng hôn, chèo sup hồ Tuyền Lâm và dạo quanh trong homestay với khu vườn xinh.

Khi lệnh giãn cách được nới lỏng, tôi cũng mong được xê dịch và lên kế hoạch du lịch nhưng không phải để “trả thù”. Thời gian ở nhà khá lâu nên tôi cần chuyến đi nhỏ để xả stress, nạp lại năng lượng để bắt đầu guồng quay mới.

Theo tôi, xu hướng du lịch thoải mái như trước dịch và “du lịch trả thù” không phù hợp ở hiện tại.

Vì dịch bệnh vẫn còn phức tạp, việc lên kế hoạch cho chuyến đi cần kỹ càng và cẩn thận hơn: chọn nơi thiên nhiên, không tụ tập đông người, sử dụng phương tiện riêng để không liên quan hay vô tình gây ảnh hưởng đến người khác, tuân thủ quy tắc 5K nơi công cộng, xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và xét nghiệm Covid-19 trước chuyến đi tối đa 72h.

Với tôi, đi du lịch là để cân bằng cuộc sống, được vui vẻ và tận hưởng chuyến đi. Bởi vậy, tôi sẽ lên đường với tâm thái thoải mái, không cố để đặt chân tới nơi nào đó nếu quá khó khăn.

Trong 2 năm qua, thỉnh thoảng tôi cũng cập nhật thông tin, tình hình dịch bệnh trên thế giới thông qua truyền thông và những người bạn đang sinh sống, làm việc tại các quốc gia khác nhau.

Hiện tại, du lịch quốc tế tương đối trở lại nhưng đi thì dễ mà quay về Việt Nam thì hơi rắc rối về thủ tục, quy định cách ly và ít chuyến bay hơn trước.

Khi mọi thứ sẵn sàng và việc di chuyển không phức tạp, tôi sẽ tiếp tục kế hoạch thăm Canada và Mỹ còn dang dở 2 năm trước. Khi đó, tôi đã xin visa và lên kế hoạch cho chuyến đi nhưng phải tạm gác lại vì dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào mùa mở cửa, có thể điểm đến đầu tiên của tôi sẽ là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan - những quốc gia gần Việt Nam và dễ di chuyển hơn.

Với lượng người theo dõi trang cá nhân khá lớn, nhiều người hỏi tôi có đầu tư theo hướng trở thành travel blogger hay không. Tôi thường ghi lại khoảnh khắc trong những chuyến đi và chia sẻ cho mọi người thông tin bản thân cho là hữu ích, còn hoạt động chuyên nghiệp hơn thì tôi nghĩ cần đầu tư thêm nhiều thời gian và công sức hơn nữa.

Phải rất lâu nữa nhiều người mới dám đi du lịch trở lại

Hậu Covid-19, trong khi nhiều người sẵn sàng xê dịch “trả thù”, số khác lại chưa tự tin đi lại vì ám ảnh, sợ bùng dịch. Theo chuyên gia, việc này tùy vào ngưỡng chịu đựng tâm lý.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm