Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cô gái Việt dạy học, kiêm cả lao công ở nơi heo hút bậc nhất Australia

Quyết định đến vùng xa xôi Australia dạy học với một trong những động lực đầu tiên là tiền, Minh Phương nhanh chóng nhận ra công việc đem lại cho cô nhiều điều hơn thế.

Khoảng 4-5h, Nguyễn Thụy Minh Phương (sinh năm 2002) thức dậy trong cái nóng hơn 30 độ C ở Mulan Community, vùng xa xôi ở bang West Australia (Australia), nơi sinh sống của một cộng đồng người bản xứ rất nhỏ.

Sau khi ăn sáng và sửa soạn, gần 7h, Phương đến trường dạy học, cách đó khoảng 2 phút đi bộ. Thời gian làm việc của cô kết thúc vào khoảng 14h, khi nhiệt độ chạm ngưỡng 41-42 độ C. Tiếp đó, cô giáo trẻ dành thời gian hoàn thành một số việc vặt, cùng đồng nghiệp giao thức ăn cho các gia đình trong làng hoặc vệ sinh, dọn dẹp lớp.

Đó là một ngày sinh hoạt, làm việc điển hình của Minh Phương với tư cách giáo viên mầm non tại trường John Pujajangka-Piyirn Catholic School, dành cho lứa tuổi mầm non đến lớp 6. Học sinh trong trường chủ yếu là các em nhỏ bản địa, có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 10/2024, Phương rời thành phố Melbourne nhộn nhịp, hiện đại để đến vùng sa mạc khắc nghiệt dạy học. Với cô, đây là quyết định mạo hiểm nhưng chắc chắn không có sự hối hận.

Nhiều người nói... "bị khùng"

Minh Phương rời Việt Nam sang Australia du học từ năm lớp 10. Trước đó, cô là học sinh THCS và THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM).

Khi mới sang xứ sở chuột túi, Phương từng có cơ hội dạy thêm Toán và tiếng Anh cho một trung tâm ở Melbourne. Cô nhanh chóng nhận ra mình rất yêu công việc dạy học.

"Vì một số lý do, tôi chọn ngành Y tá khi vào đại học. Sau đó, như một cái duyên, tôi chỉ học được 1 học kỳ do sức khỏe không phù hợp, rồi chuyển qua ngành Giáo viên mầm non", Phương kể với Tri Thức - Znews.

Sau khi tốt nghiệp, Minh Phương hoàn toàn có thể tìm được một ngôi trường phù hợp ở Melbourne. Tuy nhiên, cô muốn để bản thân trải nghiệm việc dạy học ở vùng sa mạc với thời tiết khắc nghiệt.

Một trong những động lực cho quyết định này, Phương thừa nhận, là mức lương hấp dẫn hơn so với dạy học ở thành phố, lên đến hơn 100.000 AUD (63.430 USD) cho sinh viên mới ra trường.

"Tôi thấy giáo viên mầm non là nghề vất vả và có mức thu nhập thấp so với các ngành khác. Nếu làm việc ở các trung tâm giữ trẻ cả ngày, giáo viên thậm chí không có thời gian nghỉ giữa các học kỳ. Đó là lý do tôi tìm nơi sẵn sàng trả mức lương cao nhất, để xứng đáng với công sức bỏ ra", cô gái 23 tuổi nói.

day hoc o sa mac anh 3

Minh Phương và đồng nghiệp phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc ngoài dạy học vì trường không có lao công, đầu bếp.

Vì là trường ở vùng quê xa xôi nên ngoài lương cố định, nữ giáo viên được thưởng thêm 5.000 AUD (3.171 USD) cho mỗi học kỳ, tương đương 20.000 AUD/năm (4 học kỳ). Cô cũng có thêm khoản trợ cấp 207 AUD/2 tuần (131 USD) và được cấp nhà ở, điện nước miễn phí.

Bên cạnh đó, Phương và đồng nghiệp được nghỉ 2 tuần sau mỗi học kỳ, cuối năm được nghỉ 2 tháng. Nhà trường sẽ chi trả tiền vé máy bay để cô di chuyển về Melbourne.

"Ban đầu khi nghe tôi nói sẽ đến vùng sa mạc dạy học, nhiều người xung quanh tưởng tôi bị 'khùng'. Nhưng sau khi tôi chia sẻ về đãi ngộ và ý nghĩa của công việc này, mọi người rất ủng hộ", Phương kể.

Nóng 45 độ C, gặp cả nhện khổng lồ

Dù chuẩn bị sẵn tinh thần, Minh Phương vẫn không khỏi sốc trước điều kiện sinh sống, làm việc tại Mulan Community khi đặt chân đến đây. Vì là vùng sa mạc, nhiệt độ ở đây luôn ở mức cao, thường xuyên lên tới 45 độ C, rất dễ bị say nắng.

Nơi đây cũng không có siêu thị, cửa hàng quần áo hay khu vui chơi giải trí, phần lớn thực phẩm, đồ dùng, Phương phải nhờ thầy hiệu trưởng mua ở thị trấn Broome cách đó nhiều giờ lái xe. Cũng vì trường nhỏ, chỉ có 4 giáo viên và không có nhân viên vệ sinh, đầu bếp, cô và đồng nghiệp gần như phải kiêm nhiệm cả những đầu việc này.

Các học sinh của John Pujajangka-Piyirn Catholic School cũng rất đặc biệt. Phương cho biết nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, sống du mục với gia đình nên việc đi học một buổi rồi nghỉ vài tháng là "chuyện bình thường". Có những em lại từng là nạn nhân của bạo hành, quấy rối hay đối mặt nhiều chuyện kinh khủng khác. Bởi vậy, việc dạy học, trò chuyện với các em cũng cần sự điều chỉnh.

"Ở đây, mỗi ngày đi đạy đều như ngày đầu tiên của tôi. Ngày nào cũng có học sinh mới, có ngày thì chỉ có 3 bé đi học, ngày thì 10 bé, ngày thì có rắn, nhện khổng lồ, không biết được sẽ có điều gì xảy ra", Phương chia sẻ.

day hoc o sa mac anh 4

Minh Phương hạnh phúc với sự nghiệp mình chọn.

Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn gắn bó, Phương nhanh chóng nhận ra những điều đáng yêu, những trải nghiệm ý nghĩa và đáng quý ngôi trường này đem lại. Đặc biệt, việc dạy học ở đây giúp cô định nghĩa lại sự "thành công".

"Trước đây, định nghĩa một người thành công của tôi là kiếm thật nhiều tiền, làm chức vụ cao, được tự do đi du lịch mà không phải lo nghĩ gì. Khi đến sa mạc, tôi nhận ra định nghĩa 'thành công' đa dạng hơn thế, và mỗi người lại có định nghĩa của riêng mình", cô giáo 23 tuổi nói.

Đôi lúc, những lời khen ngợi ngô nghê của học sinh khiến Phương bật cười, cảm thấy hạnh phúc vì đã chọn đúng nghề.

Bên cạnh đó, thầy hiệu trường luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho Phương và đồng nghiệp. Cô thân thiết với mọi người và thường cùng qua nhà nhau ăn tối, tâm sự sau giờ làm.

Minh Phương tâm sự cô hiện khá hài lòng với công việc giáo viên mầm non ở vùng sa mạc Australia.

"Đối với tôi, giáo viên mầm non là người dẫn dắt và cho các em học sinh những bài học quý giá và khám phá bản thân mình trong 5 năm đầu đời. Tôi sẽ cố gắng trở thành cầu nối để kết nối các bé từ những nền văn hóa khác nhau, trở thành người mang nhiều tiếng cười và trải nghiệm, bài học về cuộc sống cho các em", Phương bày tỏ.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

40 học sinh reo hò khi được cô giáo lì xì 'bé ba' đầu năm

Nhân dịp đầu xuân, cô giáo Huyền Trang (Bắc Ninh) khiến học sinh thích thú khi tặng món đồ chơi đang hot kèm lì xì.

Mai An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm