Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái Việt làm dâu Trung Quốc: '7 năm toàn bố chồng nấu bếp'

Nàng dâu Việt cảm thấy mình rất may mắn khi được gia đình chồng thương yêu. Mỗi lần về quê, chị Ly gần như chỉ cần thư giãn, nghỉ ngơi. Bố chồng chị là người đứng bếp hoàn toàn.

Chia sẻ mâm cơm do bố chồng người Trung Quốc tự nấu để thết đãi các con lên mạng xã hội, chị Hoàng Khánh Ly nhận được nhiều lời trầm trồ, ngưỡng mộ từ các chị em. Đặc biệt, những nét văn hoá của gia đình chồng qua góc nhìn của nàng dâu Việt cũng khiến nhiều người ngạc nhiên.

Chị Khánh Ly quê ở Lào Cai, quen và yêu chồng qua một lần đi ăn với bạn bè trong công ty. Chị nói tình yêu của vợ chồng chị rất đơn giản. Sau một thời gian hẹn hò, 2 người xác lập một mối quan hệ nghiêm túc và đi đến kết hôn. Hiện tại, chị Ly đã sống ở Trung Quốc được 7 năm.

“Vợ chồng mình đang sống ở Thâm Quyến, một thành phố lớn nằm bên bờ đông của cửa sông Châu Giang tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ở đây, mùa ẩm ướt thì nóng, ngột ngạt và nhiều mây bao phủ. Mùa khô thì không khí dễ chịu hơn, có gió và gần như trong xanh. Theo diễn tiến trong năm, nhiệt độ thường thay đổi từ 13 độ C đến 32 độ C”.

Lay chong Trung Quoc anh 1

Chị Hoàng Khánh Ly đã sống ở Trung Quốc 7 năm.

Là một người độc lập từ nhỏ nên nàng dâu Việt gần như không gặp “cú sốc” nào khi phải thay đổi môi trường sống. Chị Ly thích nghi với mọi thứ khá nhanh, vì môi trường ở đây theo chị là rất hiện đại, tiện lợi và an ninh tốt.

“Ngoài ra, phải thừa nhận rằng chất lượng cuộc sống và công nghệ của họ rất tiên tiến. Bây giờ, gần như mọi người ra đường đều không mang tiền mặt. Mọi thứ đều có thể được giải quyết bằng quét mã QR để thanh toán. Phương tiện giao thông công cộng cũng hiện đại, có thể dễ dàng di chuyển bằng tàu điện ngầm trong thành phố và tàu cao tốc giữa các thành phố khác nhau.

“Chỉ có một chút khác biệt khiến mình hơi khó thích nghi trong thời gian đầu là đồ ăn nhiều dầu mỡ và gia vị hơn thói quen ăn uống hàng ngày của mình”.

Hiện hai vợ chồng chị quản lý công ty riêng ở Thâm Quyến nhưng thường xuyên lái xe về quê chồng ở Mai Châu (Quảng Đông) - cách đó 3 giờ lái xe để thăm bố chồng và tận hưởng không khí yên bình của làng quê.

“Mẹ chồng mình đã mất cách đây 2 năm nên bố chồng đang sống một mình. Thỉnh thoảng vợ chồng mình và gia đình chị chồng về thăm ông”, chị Ly kể.

Mỗi lần về quê, dù là con dâu nhưng chị Ly gần như chỉ cần thư giãn, nghỉ ngơi. Bố chồng chị là người đứng bếp hoàn toàn. “Ông không cho con cái vào bếp vì ông biết nấu ăn và cũng thích nấu ăn. Mình chỉ làm mấy việc lặt vặt, dọn dẹp nhà cửa, ngồi ngoài sân hóng gió, chơi với chó hoặc xem phim, đọc sách”.

Lay chong Trung Quoc anh 2

Một bữa cơm đầy ắp thức ăn do bố chồng chị Ly tự tay vào bếp.

Nàng dâu Việt cảm thấy mình rất may mắn khi được bố chồng đối đãi như con ruột. Chỉ cần cô thích ăn gì, ông sẽ “phục vụ” được hết. “Mình về quê, đi đâu hỏi con dâu nhà ai, nhắc đến tên bố chồng là ai cũng khen, nói rằng ‘bố con nấu ăn ngon nhất làng đó’”.

Đặc biệt, những mâm cơm do bố chồng chị “tự biên tự diễn” luôn đầy ắp các món ăn như một mâm tiệc thịnh soạn. Chị Ly chia sẻ rằng do thói quen và tập quán, người Trung Quốc thường chuẩn bị khá nhiều món ăn trên mâm và mỗi món đều làm một lượng lớn.

Những mâm cơm chị chia sẻ thường dành cho 5 người lớn nhưng có tới trên dưới 10 món ăn, bữa nào ít nhất cũng 5-6 món. “Mình thấy mọi người ở đây thường ăn khá nhiều đồ. Khi vào mâm, mọi người thường ăn vã thức ăn, vừa ăn vừa trò chuyện, rồi tới cuối bữa mới ăn cơm”.

Chị Ly cũng khiến nhiều người trầm trồ khi chia sẻ hình ảnh ngôi nhà rất lớn của gia đình chồng nằm giữa làng, xung quanh là cây cối, vườn tược, mang lại cảm giác rất yên bình. Bố chồng chị đã nghỉ hưu nên hằng ngày ông trồng rau củ, nuôi gà, nuôi cá...

Lay chong Trung Quoc anh 3

Bố chồng chị Ly - người được khen là nấu ăn ngon nhất làng.

Ngôi nhà lớn, chạy dài theo chiều ngang khiến nhiều người nghĩ đến hình ảnh của một trụ sở uỷ ban xã ở Việt Nam. Nhưng chị Ly giải thích rằng, ở đó hay xây nhà dáng ngang chứ không xây theo hướng dài sâu vào trong như người Việt. Một phần ở quê đất rộng, phần nữa là do dòng họ nhà chồng chị cũng khá lâu đời.

Ngôi nhà được bố trí thành nhiều khu vực. Toà ở giữa là khu vực thờ cúng, phòng khách chính và nơi sống của bố chồng (và cả mẹ chồng thời bà còn sống -nv). Còn lại 2 bên là không gian sống của con cái và các cháu khi về thăm ông.

Một điều nữa khiến chị bất ngờ là trong phạm vi bán kính 3km đổ lại, hầu hết gia đình đều là người thân, họ hàng với nhau. Theo cảm nhận của chị, mọi người đều rất hiếu khách và chân tình, khác hẳn với tưởng tượng trước đó của chị về người Trung Quốc.

“Trước khi sang đây sinh sống, mình cứ nghĩ ở đây hở ra là có người bắt cóc bán nội tạng (cười), tại vì hồi bé hay đọc nhiều thông tin linh tinh. Mình cũng nghĩ người Trung Quốc ăn ở bẩn và ồn ào (cũng là do đọc thông tin trên mạng nốt) nhưng thực tế lại không phải vậy. Khi qua đây và sinh sống ở các thành phố lớn, mình thấy không gian cực sạch sẽ, người dân cũng văn minh, ứng xử tốt”.

Hiện tại, nàng dâu Việt cảm thấy rất hài lòng và may mắn khi được làm dâu một gia đình mà các thành viên luôn ấm áp, chân thành, có một anh chồng “sống tình cảm, tâm lý và đặc biệt rất tự giác làm việc nhà”.

Chàng trai phố thị về rừng, dựng nhà tre, nấu bếp đất sét

Ở nơi “ngày nắng cháy đêm giá lạnh đầy”, chàng trai dựng nhà tre, đắp bếp bằng đất sét sống cuộc sống ăn cá hồ, cua suối, măng rừng… gần gũi với thiên nhiên.

https://vietnamnet.vn/cuoc-song-cua-co-dau-lao-cai-o-trung-quoc-nha-chong-thuong-nhu-con-ruot-2055319.html

Theo Nguyễn Thảo/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm